Từ ngày 16/7/2020, Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch chính thức có hiệu lực, thay thế Thông tư 15/2015/TT-BTP. Đáng chú ý, tại Thông tư 04/2020/TT-BTP có quy định khi xin giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi tên người dự định cưới. Thông tin này đã gây xôn xao mạng xã hội, nhận được nhiều bình luận, chia sẻ của cộng đồng mạng.
Tuy nhiên, thực tế quy định này đã có từ nhiều năm nay. Tại khoản 5 Điều 25 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định trường hợp sử dụng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để làm thủ tục đăng ký kết hôn thì phải ghi rõ họ tên, năm sinh, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định làm thủ tục kết hôn.
Ví dụ: Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với chị Nguyễn Thị T, sinh năm 1992, CMND số 031331332, tại UBND xã Lập Lễ, huyện Thuỷ Nguyên, thành phố Hải Phòng.
- Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh Nguyễn Việt K, sinh năm 1962, Hộ chiếu số: B123456, tại UBND huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
- Giấy này được cấp để làm thủ tục kết hôn với anh SON CHA DUEK, sinh năm 1965, Hộ chiếu số: M234123, tại Hàn Quốc.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật
Theo luật sư Diệp Năng Bình, căn cứ khoản 3, khoản 4 Điều 12 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật hộ tịch, có hiệu lực từ ngày 16 tháng 7 năm 2020 và thay thế Thông tư số 15/2015/TT-BTP quy định:
Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích kết hôn thì cơ quan đăng ký hộ tịch chỉ cấp một bản cho người yêu cầu. Trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn.
"Trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để sử dụng vào mục đích khác, không phải để đăng ký kết hôn, thì người yêu cầu không phải đáp ứng điều kiện kết hôn; trong Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân phải ghi rõ mục đích sử dụng, không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn. Số lượng Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được cấp theo yêu cầu", luật sư Diệp Năng Bình phân tích.
Ví dụ giấy này được cấp để làm thủ tục mua bán nhà sẽ không có giá trị sử dụng để đăng ký kết hôn.
"Như vậy điều này được hiểu là Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn thì sẽ phải xác nhận tình trạng hôn nhân, phải ghi rõ họ tên, năm sinh, quốc tịch, giấy tờ tùy thân của người dự định kết hôn, nơi dự định đăng ký kết hôn. Còn nếu trong các trường hợp dùng cho mục đích khác thì không cần ghi các thông tin người mình dự kiến kết hôn", luật sư Bình cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo Trưởng Văn phòng Tinh Thông Luật, việc quy định như vậy là không cần thiết bởi lẽ một công dân họ muốn sử dụng giấy này vào mục đích gì là quyền của họ miễn sao không vi phạm pháp luật, vi phạm điều cấm.
Ngoài ra, thực tiễn cuộc sống cho thấy nhiều trường hợp dự định kết hôn với một người nhưng sau đó lại không duyên nợ đành phải kết hôn với người khác.
"Nếu một người dự định kết hôn 3 lần nhưng đều lỡ duyên thì chắc họ sẽ không dám xin xác nhận lần nữa. Hiện nay, nhiều bộ, ngành đang giảm thiểu thủ tục hành chính, giấy tờ thì những quy định này là rườm rà này và không cần thiết. Đáng lưu ý là trong trường hợp yêu cầu cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân để kết hôn với người cùng giới tính hoặc kết hôn với người nước ngoài tại cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam thì cơ quan đăng ký hộ tịch từ chối giải quyết. Như vậy nếu nam dự tính kết hôn với nam hoặc nữ dự tính kết hôn với nữ thì trong trường hợp này cũng sẽ không được giải quyết", luật sư Diệp Năng Bình nói.