Nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng trình Quốc hội ban hành Luật Nhà giáo được đặt ra từ năm 2004 tại Chỉ thị 40. Tuy nhiên, đến nay gần 20 năm nhiệm vụ này chưa hoàn thành sau 2 lần bị hoãn.
Lần đầu bị hoãn vào năm 2008, khi Quốc hội dự kiến đưa Luật Nhà giáo vào chương trình dự án luật và giao Bộ GD&ĐT chủ trì. Thời điểm đó, Quốc hội chuẩn bị thông qua Luật Viên chức, nên Luật Nhà giáo bị hoãn. Lần thứ hai, năm 2018, thời điểm xây dựng và trình Quốc hội Luật Giáo dục sửa đổi nên Luật Nhà giáo tiếp tục bị hoãn.
Đến 2022, Bộ GD&ĐT tiếp tục đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, vị trí quan trọng, đặc thù lao động nghề nghiệp của nhà giáo, tạo động lực để nhà giáo gắn bó, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục.
Giáo viên dạy học. (Ảnh minh hoạ)
Quy định đặc thù, không cào bằng
PGS.TS Hoàng Bích Liên, Viện nghiên cứu giáo dục cho rằng, Luật Giáo dục sửa đổi 2019 dù có chương IV với 14 điều quy định nhưng chỉ mang tính chất chung để ngành quản lý, cán bộ quản lý thực thi nhiệm vụ đối với giáo viên, chưa quy định cụ thể rõ ràng mức độ, tính chất đặc trưng, đặc thù của nhà giáo…
Do đó, rất cần luật riêng, quy định về chức năng, nhiệm vụ, đặc thù của giáo viên. Khi Luật Nhà giáo được ban hành, vị thế thầy cô được nâng lên tầm cao mới. Nhà giáo với công việc đặc thù cần những quy định riêng, không phải chung chung, cào bằng cùng với những công chức, viên chức trong các ngành nghề khác trong Luật viên chức như hiện nay, chuyên gia nói.
Đồng thời, luật cần làm rõ khái niệm “nhà giáo” vì hiện nay chúng ta chưa có định danh đầy đủ, tường minh về nhà giáo dưới góc độ pháp lý. Khi xác định các khái niệm về nhà giáo một cách đầy đủ, tường minh sẽ làm cơ sở để xác định phạm vi điều chỉnh và đề xuất các chính sách về nhà giáo…
Các vấn đề khác cũng cần được quy định trong luật như: quy hoạch đội ngũ nhà giáo, chế độ tuyển dụng và sử dụng nhà giáo, quyền của nhà giáo, vấn đề tiền lương của nhà giáo, vấn đề huy động các lực lượng xã hội có khả năng tham gia giảng dạy, giáo dục…
Luật Nhà giáo cũng cần các quy định kiến tạo chính sách thu hút, phát triển đội ngũ, đãi ngộ, tôn vinh, khen thưởng, làm động lực để ngành có thể thu hút được người giỏi, tạo động lực cho thầy cô cống hiến, tận tâm với nghề.
Quy chuẩn mới cho nhà giáo
Theo PGS.TS Trần Thị Minh Hằng (Học viện Quản lý Giáo dục), Luật Nhà giáo khi ban hành cần thể chế hóa hành vi, thái độ, giao tiếp ứng xử… mà nhà giáo được và không được làm. Những điều không được cần cụ thể hóa mức độ vi phạm ra sao, chịu hình thức kỷ luật của Luật thế nào... Ví dụ, khi giáo viên giao tiếp, ứng xử với học sinh, phụ huynh cần quy định rõ chuẩn mực, mức độ phù hợp
Cô Nguyễn Thị Thuận, nguyên giáo viên THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) cũng nêu nhiều vấn đề liên quan đến giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục nhưng nếu chỉ dừng lại ở thông tư, nghị định và các văn bản khác thì chưa thể giải quyết hết. Hoặc nếu giải quyết được thì có thể xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các văn bản. "Có Luật Nhà giáo, sẽ giải quyết được những vướng mắc trên, đồng thời bảo đảm quyền lợi giáo viên", cô nói.
Hiện giáo viên miền núi, dù dạy ở vùng I nhưng điều kiện còn nhiều vất vả, thiếu thốn chẳng khác gì giáo viên vùng khó, nhưng lại không được hưởng các chế độ chính sách ưu đãi… Khi Luật Nhà giáo ban hành với những quy định đặc thù, cơ chế khuyến khích, tạo động lực sẽ trở thành hành lang pháp lý để giáo viên yên tâm công tác, cống hiến.
Sớm trình Quốc hội ban hành
Nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh (đoàn Hà Nội) cho biết, số lượng nhà giáo bị thiếu hụt do nghỉ việc, chuyển việc sau đại dịch COVID-19 làm tăng áp lực đối với nhiều địa phương, nhất là giáo viên mầm non.
Mặt khác, áp lực công việc ngày càng lớn, yêu cầu về tiêu chuẩn của nhà giáo ngày càng cao, nhưng chính sách tiền lương lại chưa tương xứng với công sức của họ bỏ ra, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám, không giữ chân được người tài. Sinh viên được đào tạo bài bản nhưng ra trường không mặn mà với nghề, đặc biệt là giáo viên mầm non. Điều này dẫn đến hệ lụy rất lớn cho tương lai phát triển của đất nước.
Đại biểu Dương Minh Ánh đề nghị, Quốc hội chỉ đạo nghiên cứu sớm đưa Luật Nhà giáo vào xem xét tại các kỳ họp tới của Quốc hội để các nhà giáo an tâm công tác, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục của đất nước.
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình) kiến nghị, cần quan tâm nghiên cứu, xây dựng Luật Nhà giáo trình Quốc hội trong thời gian sớm nhất. Trong đó có chính sách tốt hơn đối với nhà giáo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mặt khác, nhanh chóng hoàn thiện ban hành Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2022-2030 và tầm nhìn đến 2045. Đảm bảo ngân sách 20% cho giáo dục, có lộ trình tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp lên tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, sự thành bại của đổi mới giáo dục có vai trò quyết định của nhà giáo, nên cần quan tâm tới chính sách cho nhà giáo, có giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, ưu tiên biên chế nhà giáo, nhất là quan tâm đến chính sách đào tạo đội ngũ, bồi dưỡng việc dạy học, chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là những môn học đang dạy theo phương pháp tích hợp.
Theo lộ trình công bố hồi tháng 10/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đề xuất trình dự án Luật Nhà giáo tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024), trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024). Thời gian luật có hiệu lực dự kiến từ 1/7/2025.
5 nhóm chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo gồm: Định danh, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quyền và nghĩa vụ nhà giáo, Tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo, Quy hoạch, đào tạo, phát triển nghề nghiệp nhà giáo, Đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo và Quản lý nhà nước về nhà giáo.