8h sáng, vừa dắt xe ra khỏi nhà, chị Nguyễn Bích Hằng (Hà Nội) nghe bác hàng xóm hỏi: “Cô giáo hôm nay đi dạy muộn thế”. Chị cười trừ, chào hỏi bác rồi chạy xe đến cơ sở kinh doanh spa của chị gái. Cách đây hơn 1 tháng, chị Hằng (Hà Nội) nộp đơn xin nghỉ việc. Do 10 năm thâm niên trong nghề, nên quyết định này của chị khiến ai cũng bất ngờ.
Chị Hằng tốt nghiệp đại học năm 2012, cùng năm, chị thi đỗ viên chức và được phân vào làm tại một trường mầm non trên địa bàn thành phố Hà Nội. Mức lương khởi điểm của chị theo bậc trung cấp, hệ số lương 1,86 là khoảng 2,7 triệu đồng/tháng. Năm 2021, lương của chị được nâng hạng lên cao đẳng, bậc 3 với hệ số lương 2,72 là khoảng 4 triệu đồng/tháng. Cộng cả tiền phụ cấp và đăng ký làm thêm bán trú, một tháng chị nhận tổng khoảng 6 triệu đồng.
Trước đây chị từng nhiều lần muốn nghỉ việc nhưng đều bị gia đình phản đối vì “bao người ước được vào biên chế giáo viên mà không được ” và “phụ nữ thì chỉ cần một công việc ổn định như vậy”. “Mọi người nói thế vì không biết những khó khăn, áp lực tôi phải trải qua”, chị Hằng nói.
10 năm làm nghề, ngày nào chị cũng đi làm từ 6h30 sáng để kịp giờ đón trẻ vào lớp. Có ngày phụ huynh đến đón con muộn, 6h tối chị mới về đến nhà.
Công việc nào cũng có áp lực, nhưng với giáo viên mầm non, chị phải chịu áp lực từ nhiều phía. Có lần một phụ huynh xông vào lớp, yêu cầu cô giáo giải thích tại sao con lại có vết bầm tím trên người. Họ liên tiếp dùng những lời nặng nề với chị, nói chị không có đạo đức nghề giáo.
Dù chị nhiều lần giải thích và khuyên đi bác sĩ kiểm tra, nhưng phụ huynh vẫn nói giọng thách thức “sẽ không để yên”. Sau đó, khi biết con bị bầm tím do tụt tiểu cầu, gây xuất huyết ngoài da, phụ huynh này cũng không gửi lời xin lỗi.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều những áp lực mà chị Hằng từng trải qua.
Điều khiến chị trăn trở nhiều nhất là mức lương không thể lo cho 2 con (1 bé 2 tuổi, 1 bé 8 tuổi) với cuộc sống đủ đầy. Đồng nghiệp của chị, những người vẫn kiên trì bám nghề đều là người có hậu phương vững chắc hoặc nghề tay trái đủ thêm thu nhập.
Giáo viên mầm non nghỉ việc vì tiền lương không đủ trang trải cuộc sống. (Ảnh minh hoạ)
Cũng như chị Hằng, chị Phạm Thuỵ (Thái Bình) nghỉ việc sau 4 năm. Biết chị nghỉ việc, nhiều người nói "ai cũng nghĩ lương thấp không làm thì trẻ biết học ai", chị trả lời "mỗi người sẽ có một cuộc sống, một hoàn cảnh riêng". Với gia đình chị, chồng lương 7 triệu, vợ lương 4 triệu rất khó để nuôi 3 con nhỏ.
Chị chuyển sang làm công việc tắm cho bé, massage cho mẹ sau sinh. Với công việc này, chị thường xuyên phải di chuyển ngoài đường, không có ngày nghỉ cố định như khi làm giáo viên song đời sống gia đình được cải thiện nhiều.
“Không ai muốn bỏ nghề mình đã học và gắn bó, nhưng gánh nặng về kinh tế đè nặng thì đam mê buộc phải đặt về phía sau”, chị Thuỵ chia sẻ.
Trong báo cáo gửi đại biểu Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm học 2021-2022, 16.265 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành, trong đó giáo viên công lập là 10.407 người, giáo viên ngoài công lập là 5.858 người.
Làm rõ về tình trạng số lượng giáo viên công lập nghỉ việc cao gần gấp đôi giáo viên ngoài công lập, Bộ trưởng cho rằng chủ yếu là do chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.
“Giáo viên công tác trong 5 năm đầu thu nhập bình quân từ lương và phụ cấp khoảng 6 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, chi phí thiết yếu cho cuộc sống (ăn, ở, nuôi con, chăm sóc sức khỏe…) khá cao. Điều này khiến một số giáo viên phải chuyển sang làm các công việc khác thu nhập cao hơn”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Bộ trưởng đề nghị Quốc hội cho phép xây dựng Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến tiêu chuẩn, tuyển dụng, quản lý, đãi ngộ, tôn vinh… phù hợp với vai trò, đặc thù lao động nghề nghiệp. Đồng thời quan tâm tới chính sách tiền lương và các chế độ ưu đãi khác của viên chức giáo dục để tiền lương và thu nhập cơ bản đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống. Ngoài chính sách chung của nhà nước, các địa phương căn cứ điều kiện kinh tế - xã hội, cần có các chính sách hỗ trợ khác về thu nhập, điều kiện làm việc, nhà công vụ, đi lại cho giáo viên.
Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (đoàn Đồng Tháp), hơn 16.000 giáo viên nghỉ việc trong năm học 2021-2022 là hoàn toàn chuyển ra khỏi ngành giáo viên. "Qua giám sát cho thấy giáo viên trường công chuyển sang tư rất ít. Đây là hiện tượng không bình thường và không chỉ là vấn đề một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc. Số lượng giáo viên nghỉ quá lớn trong bối cảnh đang triển khai đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông, cần rất nhiều giáo viên. Bên cạnh đó, giáo viên nghỉ nhiều không phải đều trên cả nước mà chủ yếu tập trung ở các tỉnh, địa bàn đông khu đô thị, khu công nghiệp”, bà Mai Hoa nói.
Bà Hoa cho rằng, nguyên nhân dẫn đến thực trạng giáo viên nghỉ việc có vấn đề về lương thấp, áp lực và một bộ phận không đủ điều kiện đáp ứng chương trình mới. Bà đề nghị thời gian, ngành giáo dục cần tham mưu cho Chính phủ về việc có cần thiết thực hiện ngay biện pháp để giải quyết vấn đề thiếu giáo viên.
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) đề nghị Quốc hội sớm xem xét xây dựng Luật Nhà giáo để có chính sách tổng thể trong phát triển và quản lý đội ngũ giáo viên phù hợp với chiến lược giáo dục. Đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu các cơ chế đặc thù hỗ trợ nhà giáo nói chung và giáo viên mầm non nói riêng để các nhà giáo yên tâm công tác.