Không đủ thời gian, thiếu tiền…
20h, ngày 19/11/…, bước chân vào cửa hàng mĩ phẩm trên phố Nguyên Hồng với mục đích lựa quà cho cô giáo của con, tôi khá ngỡ ngàng khi nhận ra nhân viên bán hàng là Trâm – giáo viên chính phụ trách lớp mầm non con mình đang theo học.
Trâm kể cô làm ở đây đã được gần 3 tháng. Mỗi buổi chiều sau khi phụ huynh đón các bé về hết, cô lại ăn tạm miếng bánh hoặc gói mì tôm rồi vội vàng tới cửa hàng và làm tới 10h đêm. “Lương ở trường mỗi tháng 3 triệu, bình thường đã không đủ tiền đường sữa cho con. Giờ suy thoái kinh tế, chồng em ít việc nên phải cố đi làm thêm chị ạ. Cũng may là có chị phụ huynh mở cửa hàng mĩ phẩm này, cho mình cơ hội làm việc. Nhiều khi nghĩ đến con nhỏ chưa đầy tuổi đêm hôm ở nhà khát sữa mẹ cũng xót lắm nhưng vẫn phải cố thôi. Mỗi tháng em cũng kiếm thêm được chút ít để trang trải”, Trâm tâm sự.
Những câu chuyện giống như Trâm không phải là hiếm. Rất nhiều giáo viên mầm non tư phải kiếm việc làm thêm ngoài giờ để kiếm tiền trang trải sinh hoạt phí, dù mỗi ngày họ đã phải làm việc hơn 10 tiếng đồng hồ ở trên lớp.
Với chính sách đổi mới giáo dục, việc dạy học, chương trình học đã được giảm tải khá nhiều. Tuy nhiên, ở bậc mầm non, quy định giáo viên chỉ phải dạy 6 tiếng/ ngày đối với nhóm trẻ học 2 buổi và 4 giờ /ngày đối với nhóm trẻ học một buổi gần như không bao giờ được áp dụng trong thực tế, nhất là đối với giáo viên mầm non tư thục quy mô nhỏ. “Ngoài việc chuyên môn, việc dạy trẻ trên lớp, các cô còn phải đảm nhận rất nhiều việc như soạn giáo án, làm đồ dùng, các công việc do hiệu trưởng quy định để đảm bảo 40 giờ làm việc trong tuần theo quy định. Đấy là chưa kể những việc không tên khác…”, cô Thanh Hà - quản lý trường mầm non tư thục Funny House cho biết.
Nếu như công chức các ngành thường bắt đầu giờ làm vào lúc 8h thì các cô giáo mầm non phải tới trường từ trước 7h sáng. Khởi đầu bằng việc vệ sinh phòng học, chuẩn bị dụng cụ học tập trong ngày và đón trẻ. Sau đó các cô sẽ phải cho các bé ăn sáng. “Đặc thù của trường tư là số lượng cháu ít hơn trường công. Một cô chỉ phải chăm ăn từ 4 đến tối đa là 10 cháu thay vì hơn 20 cháu như các cô trường công. Nhưng bù lại bữa ăn của các bé nhiều món hơn, kéo dài hơn và việc chăm sóc cũng đòi hỏi phải tỉ mỉ hơn, từ việc vệ sinh dụng cụ cho tới hỗ trợ các bé ăn”, cô Khuyên – giáo viên trường mầm non tư thục Sao Mai chia sẻ. Sau bữa sáng là hoạt động thể dục, ngoại khoá, bài học theo chương trình quy định, kê dọn bàn ghế, chuẩn bị bữa trưa… Chưa kể các cô cũng là người trực tiếp phải lau dọn khi các bé bị nôn ói, vệ sinh cho các bé, cho các bé ăn đồ ăn, uống thuốc phụ huynh gửi kèm theo… Đa số các trường mầm non đều sử dụng học phẩm “handmade”, cho nên khi các bé ngủ trưa thì các cô lại phải tranh thủ làm dụng cụ học tập, đồ trang trí trường lớp…. Tới chiều lại giúp các bé ôn bài buổi sáng, ăn bữa phụ, lau chùi lớp học, thu gom dụng cụ, chuẩn bị cho các bé vệ sinh để phụ huynh đón con về. Giờ đón trẻ quy định của trường là 4h30 đến 5h, nhưng phần lớn các trường mầm non tư thục cha mẹ thường đón con muộn hơn, có bé 6h mẹ mới tan làm tới đón. Cho đến khi các bé về hết thì các cô mới được về. Nhiều hôm làm hơn 10 tiếng đồng hồ liên tục vẫn không hết việc.
Công việc vất vả như vậy nhưng họ lại chỉ được nhận mức lương vô cùng thấp. Nếu như giáo viên mầm non ở các trường tư thục quy mô lớn hoặc trường quốc tế được trả từ 6 tới 8 triệu, thậm chí hơn chục triệu mỗi tháng, thì giáo viên ở các trường mầm non tư thục quy mô nhỏ (dưới 100 cháu, mức học phí từ 3-4 triệu đồng/cháu) chỉ nhận được mức thu nhập bình quân từ 2.5 triệu tới 3.5 triệu mỗi tháng. “Nói giáo viên trường công nhận mức lương thấp kỉ lục thì bọn em thực sự còn bi đát hơn. Bởi lẽ giáo viên trường công ngoài lương cứng còn có trợ cấp, rồi khoản nọ khoản kia, còn bọn em chỉ biết trông vào đồng lương cứng nhận hàng tháng. Làm 10 hưởng 8, quả thực là không đủ để xoay sở, lo lắng cho bản thân và gia đình hàng tháng. Thời gian thì lúc nào cũng thiếu mà tiền thì không bao giờ đủ chị ạ”, Thành An – giáo viên trường mầm non Funny Sun - vừa đứng bán hàng quần áo sau giờ làm vừa tần ngần.
Cả ngày làm việc trên lớp, tối về tranh thủ đi làm kiếm thêm, những người như Trâm, như Thành An… gần như không có thời gian để chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Nhưng được như các cô vẫn còn may mắn, bởi ít ra họ đã có gia đình để đi về, để làm chỗ dựa tinh thần. Rất nhiều giáo viên mầm non tư thục vì công việc quá bận rộn, chiếm quá nhiều thời gian mà không có khoảng trống để hẹn hò và tìm hiểu các mối quan hệ khác. “Hồi học trong trường các chị tiền bối nói tranh thủ yêu đi không ra trường lại không có thời gian. Mình không tin. Nhưng rồi đúng là thế thật. Công việc quá áp lực về thời gian, thu nhập thấp, môi trường làm việc cơ hội tiếp xúc gần như không có… Gặp một người đã khó huống hồ là yêu, tìm hiểu rồi cưới thì quá xa vời. Bây giờ gần 30 tuổi vẫn chưa biết thế nào là hẹn hò… Lớp mình có hơn 20 người làm trường tư thục thì chỉ vài người là may mắn tìm được bến đỗ, đa số còn lại vẫn đi về lẻ bóng, cắm cúi với công việc, với sự hồn nhiên của các bé thôi…”, Hải Anh – Giáo viên trường Bi Bi (Hoàng Ngân) bộc bạch.
Vẫn nghĩ lấy giáo viên là mong muốn của nhiều người đàn ông, nhưng Vành Khuyên – giáo viên trường mầm non tư thục Sao Mai hài hước bảo nó xưa rồi, hoặc ít ra là không đúng đối với những người như cô. Nhiều cô giáo mầm non quá tuổi cập kê, được phụ huynh giới thiệu cho những ông đầu hai thứ tóc, goá vợ, vợ bỏ… thế mà nói là giáo viên mầm non họ vẫn … chạy mất dép. “Nghe không biết nên buồn hay nên xót nữa chị ạ. Giáo viên mầm non tư đi làm từ 6h sáng tới gần 7h tối. Quá nhiều thời gian trên lớp, quá ít thời gian ở nhà, thu nhập lại bèo bọt, điều đó khiến đàn ông chỉ nghe thôi cũng đã thấy nản lòng rồi…”.
Thừa nỗi buồn, dư nước mắt…
Không chỉ thiếu thời gian, thu nhập thấp, ẩn trong mỗi câu chuyện của những giáo viên mầm non tư thục còn ẩn chứa rất nhiều nỗi buồn, sự trăn trở và nước mắt.
Xuất thân từ vùng vải Bắc Giang, cả nhà Trâm đã mừng rơi nước mắt khi cô chân nhảy chân chạy về nhà khoe giấy báo trúng tuyển Cao đẳng sư phạm mầm non Trung ương. Sau ba năm đèn sách, nhìn thấy con gái trở về, cả nhà Trâm lại rơm rớm vì lo. Không tiền, không quan hệ, Trâm thậm chí còn không thể chen chân xin một suất dạy hợp đồng ở những trường mầm non công của tỉnh. Chờ đợi hơn năm trời, cô đành xách va li xuống Hà Nội, xin vào làm giáo viên cho một trường mầm non tư thục nhỏ.
Đa số giáo viên các trường mầm non tư thục nhỏ ở Hà Nội đều có xuất phát điểm giống như Trâm. Là dân ngoại tỉnh, không thể vào dạy biên chế vì thiếu cái này cái nọ, phải xuống Hà Nội xin vào các trường tư thục dạy…
Mặc dù công việc vất vả, lương bổng chẳng được là bao nhưng đa số các cô đều cố gắng vượt qua, duy trì đam mê với nghề và chăm sóc các con hết lòng: “Thiếu thời gian, thiếu tiền đã nản, nhưng buồn nhất vẫn là thiếu sự thông cảm, chia sẻ và thấu hiểu của phụ huynh chị ạ”, Gia Linh – Giáo viên trường Kid Moon bộc bạch.
Nếu như các cô giáo trường công được phụ huynh hết lòng quan tâm, chăm sóc thì với các cô giáo trường mầm non tư thục lại hoàn toàn… ngược lại. Không ít phụ huynh quan điểm quan hệ giữa họ và giáo viên là quan hệ… khách hàng. Họ bỏ ra một số tiền lớn hơn so với học phí trường công và đòi hỏi giáo viên phải đáp ứng những mong muốn của họ đối với con mình. Nhiều phụ huynh trì chiết các cô ngay trước mặt các bé, đòi hiệu trưởng phải “xử lý”, sa thải các cô vì đã dám… trách phạt con mình.
Làm việc từ sáng sớm tới chiều muộn, hết lòng yêu thương, chăm sóc các con tỉ mỉ từng li từng tí nhưng không ít lần các cô phải nuốt nước mắt khi bị phụ huynh hết lời trách mắng chỉ vì một vết xước nhỏ hay một vết đỏ xuất hiện trên tay chân các bé khi đi học về. “Vẫn biết có rất nhiều chuyện về giáo viên mầm non tư thục đối xử không tốt với các bé đăng trên báo trên đài khiến phụ huynh bức xúc. Nhưng đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh thôi chứ không phải tất cả đều như vậy. Bọn em phần lớn đều theo đuổi nghề vì cái tâm với nghề, đều yêu thương, chăm sóc các con thật lòng nhưng nhiều khi không tránh khỏi sai xót. Các con đùa nghịch với nhau, chạy nhảy va chạm cái này cái kia có thể gây ra vết thương nhỏ ở tay hoặc chân. Đó là trách nhiệm bọn em phải gánh nhưng phản ứng của các bố bác mẹ nhiều khi khiến bọn em phải suy nghĩ, phải đau lòng chị ạ”, Thành An bộc bạch.
Phần lớn các gia đình gửi con tới trường tư thục đều có điều kiện và bố mẹ đều khá bận rộn. Nhiều phụ huynh không có thời gian để tìm hiểu và chia sẻ với giáo viên về tình hình hàng ngày của bé. Họ chỉ quan tâm đến “kết quả” của con mình sau mỗi ngày và trách các cô khi “kết quả” đó không được như mong muốn. “Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy, nhưng chữ “yêu” đó quả thực là rất khó để có thể được áp dụng ở những trường tư thục như thế này”, Vành Khuyên buồn bã.
Ngày 20.11, ngày đặc biệt dành cho các nhà giáo Việt Nam lại sắp tới. Trong khi các cô giáo trường công dù mức lương cơ bản rất thấp, họ vẫn háo hức, vẫn đợi chờ bởi đó là ngày họ thực sự cảm thấy hạnh phúc với những bó hoa tươi thắm, những gói quà, những lời chúc mừng… Còn với những giáo viên mầm non tư thục như Trâm, như Vành Khuyên, như Thành An, Minh Phương… chỉ mong một ngày các con tới lớp đầy niềm vui, không có bất cứ vết xước hay sự cố gì, không có lời trách mắng… Nếu như có được một bó hoa nhỏ cùng lời chúc với tình cảm chân thành thì đúng là ngày vui nhất trong năm rồi….
“Ngày nhà giáo Việt Nam lại là ngày bọn em dễ chạnh lòng nhất. Có cô bạn hàng xóm nửa đùa nửa thật làm osin lương 3,5 triệu một tháng, không phải trả tiền nhà, không lo ăn uống, cũng chả mất công đèn sách mấy năm trời, sướng hơn cậu gấp mấy lần. Giáo viên mầm non bạc vậy, chẳng được coi trọng như vậy sao còn cố theo làm gì? Nhiều lúc cũng suy nghĩ, cũng nản lòng lắm chị ạ. Nhưng đó là nghề nghiệp mình đã chọn, là công việc mình đam mê, được chăm sóc, yêu thương các bé là lại thấy vui… Thế nên lại cố, lại cố nhiều hơn nữa. Hi vọng một ngày nào đó suy nghĩ đối với giáo viên mầm non tư sẽ thay đổi…”. Trâm vẩn vơ.
Người ta vẫn nói thời đại bây giờ giáo dục mầm non được coi là nền tảng của nhân cách con người, xã hội… bởi phần lớn nhân cách, kĩ năng sống ở một người bình thường gần như được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên của cuộc đời. Chất lượng, sự cống hiến của giáo viên mầm non được đòi hỏi cao hơn, nhưng chế độ dành cho họ dường như lại không thay đổi là mấy… Đến bao giờ chính sách tiền lương dành cho giáo viên mầm non tư thục được cải thiện, những cái nhìn của phụ huynh dành cho thấu hiểu hơn, chia sẻ hơn thì có lẽ lúc ấy đời sống của họ mới bớt khổ, bớt gian nan, nỗi buồn của họ cũng mới phần nào vơi đi… Nhưng, bao giờ mới đến ngày ấy?