Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo viên làm đủ nghề cầm cự qua mùa dịch, đầu tư cả chứng khoán

(VTC News) -

Kinh doanh online, bán chè, đầu tư chứng khoán… là một trong những phương án tạm thời được nhiều giáo viên lựa chọn khi chờ trường mở cửa trở lại.

Dịch COVID-19 vẫn đang tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội, nhiều ngành nghề, trong đó có nghề giáo. 

Tham gia chứng khoán

Từng nghĩ chứng khoán là thị trường nhiều rủi ro nên anh Phạm Văn Minh (32 tuổi, giáo viên ở Hà Nội) chưa bao giờ có ý định tham gia. Nhưng anh không ngờ lĩnh vực này lại "cứu" mình trong đợt dịch này.

Vợ anh Minh là nhân viên công ty thực phẩm ở Hà Nội. Công việc của chị không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi dịch, hàng ngày chị vẫn đi làm đều đặn từ sáng thứ 2 đến trưa thứ 7. Từ người làm trụ cột chính chuyển sang vai trò của người nội trợ, khiến anh cảm thấy khá áp lực. Nhiều đêm anh không thể ngủ, trằn trọc tìm hướng đi mới.

Anh Minh bắt đầu nghiên cứu thị trường chứng khoán bằng việc tham gia hội nhóm, đọc các trang báo nghiên cứu về tài chính, hỏi bạn bè có kinh nghiệm. “Khi tìm được một vài mã ưng, tôi bắt đầu chia vốn để đầu tư, vốn ban đầu bỏ ra khoảng 30 triệu đồng. May mắn ⅔ mã mình theo cũng mang lại lợi nhuận, một mã lỗ nhưng không đáng kể”. anh Minh nói. Khi có kinh nghiệm, anh mạnh dạn đầu tư vốn, lúc lỗ, lúc lãi, nhưng vẫn mang lại khoản thu nhỏ không thường xuyên.

Dù vậy, mong muốn lớn nhất với anh lúc này là dịch sớm qua đi để được tiếp tục đứng trên bục giảng. “Thi thoảng đi qua trường, tôi lại tưởng tượng ra cảnh học sinh nô đùa, chạy nhảy ngoài sân, cảnh được đứng lớp… thực sự rất nhớ nghề", anh Minh chia sẻ.

Dịch COVID-19 khiến nhiều trường tư thục đóng cửa, giáo viên cầm cự đủ nghề để kiếm sống. (Ảnh minh họa: VnExpress)

Kinh doanh online

Gắn bó với nghề giáo viên mầm non 4 năm, nhưng đây là năm đầu tiên cô Nguyễn Thị Linh (27 tuổi, giáo viên Mầm non ở Tiên Lữ, Hưng Yên) phải ở nhà lâu đến vậy. Để có thu nhập trong thời gian chờ đợi trường mở cửa, chị tìm cách nhập một số món đồ lưu niệm như vòng tay, khuyên tai... và bán trên Facebook.

Trung bình mỗi ngày chị bán 2-3 đơn hàng. Thu nhập không quá cao nhưng chị coi đây là công việc “chữa cháy” trong thời gian chờ đón trẻ trở lại trường. “Số lượng người mua không nhiều nhưng tôi thấy vui hơn là không làm gì”, chị Linh nói.

Chị Nguyễn Thị Thúy (29 tuổi), giáo viên trường THCS quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự. Một hôm tình cờ lướt Facebook chị thấy một quán chè có đến hàng trăm đơn cùng lúc. Cho rằng đây là sản phẩm khá tiềm năng, trong khi nơi chị ở rất ít quán chè hiện đại, chủ yếu là truyền thống, nên khi đó chị nảy ý định bán mặt hàng này. Chị bắt đầu công việc vào tháng 5/2021.

Chị Thúy chuẩn bị nguyên liệu để nấu chè bưởi.

Để món ăn trở nên “đặc biệt”, chị Thúy cẩn thận từ việc lựa chọn nguyên liệu và tập trung vào việc tạo hình cho sản phẩm. Chè ngọt vừa phải, nhiều topping, sản phẩm được bán ở mức giá tầm trung.

Chị chủ yếu bán bằng hình thức online, đăng bài lên trang cá nhân hoặc các hội nhóm. Thời gian đầu, chị chưa có khách quen, mỗi ngày chỉ bán 10 - 20 cốc, dần dần tiếng lành đồn xa, đến nay chị có khoảng 300 khách quen, thường xuyên ghé thăm cửa hàng, với số lượng 50 - 70 cốc/ngày. Giá sản phẩm giao động từ 20.000 - 25.000 đồng/cốc. Trừ chi phí mỗi ngày chị lãi từ 500 - 1 triệu đồng.

Không chỉ chè, chị còn bán thêm trà sữa và nhiều món ăn khác mà bạn trẻ thích. May mắn các món ăn của chị được khách hàng đón nhận và phản hồi tích cực.

Các đơn hàng lần lượt được chuẩn bị vận chuyển cho khách.

Không phủ nhận việc kinh doanh online mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều so với nghề giáo viên, song chị Thúy nói thích đi dạy học hơn. Hiện nữ giáo viên này vẫn dành nhiều thời gian cho việc dạy online và chấm bài vở. Sau khi hoàn thành công việc ở trường, chị chuyển sang đăng bài bán hàng, làm chè ngoài quán. "Nếu việc kinh doanh tiếp tục thuận lợi như thời điểm hiện tại, mình sẽ phải thuê thêm nhân viên hoặc mở thêm một cơ sở mới", Chị Thúy chia sẻ.

Vũ Vân

Tin mới