Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Loạt cơ sở mầm non tư thục rao bán, phụ huynh lo sau dịch con không có chỗ học

(VTC News) -

Hàng loạt cơ sở giáo dục mầm non tư thục rao bán vì chủ trường không đủ khả năng kinh tế duy trì làm phụ huynh lo con không có chỗ học sau dịch.

"Do tình hình dịch COVID-19 kéo dài, không đủ kinh phí hoạt động nên trường buộc phải đóng cửa, sang nhượng cho đơn vị khác. Mong quý phụ huynh và các bé thông cảm. Nhà trường sẽ bồi hoàn lại những khoản phí thoả thuận phụ huynh từng đóng góp trước đó", dòng tin nhắn của Hiệu trưởng trường mầm non Hoạ Mi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) khiến chị Ngô Thu Trúc, 33 tuổi, vừa buồn vừa hoang mang vì không biết con chị sẽ học ở đâu sau mùa dịch.

Hai vợ chồng chị Trúc đang là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Phú Thị. Từ quê Nam Định lên Hà Nội thuê trọ nên chị muốn đăng ký cho con học trường công lập rất khó, bởi liên quan đến nhiều thủ tục giấy tờ đăng ký tạm trú. Mặt khác, do đặc thù công việc đi sớm về khuya, làm việc theo ca nên vợ chồng chị Trúc thường xuyên đón con muộn, trong khi trường công chỉ mở cửa tới 5h chiều. Do vậy, gia đình bắt buộc phải lựa chọn cho con học trường tư.

Bán trường, giáo viên, phụ huynh hoang mang sau dịch biết cho con học ở đâu?. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Nghe tin trường học giải thể, chị và chồng lo hết dịch xin cho con học trường nào thuận tiện đưa đón và quan trọng là phù hợp với tình hình tài chính eo hẹp.

"Tìm trường chắc không khó nhưng tìm chỗ học sao cho phù hợp với kinh tế gia đình là điều tôi lo lắng. Nếu con thay đổi môi trường học không biết có phù hợp, cha mẹ và cô giáo tương tác có vui vẻ như trường cũ, bao nhiêu bé/lớp hay sĩ số đông...? Nói chung trường lớp quen thuộc sẽ đỡ hơn là bắt đầu ở trường mới mà phụ huynh chưa biết", vị phụ huynh than thở. 

Giống như nhiều bậc cha mẹ khác, chị Trần Thanh Tuyền, 30 tuổi (quận 2, TP.HCM) đứng ngồi không yên khi nghe tin trường mầm non của 2 con thông báo giải thể cách đây ít ngày. Gia đình chị vội vàng gọi điện "cầu cứu" bạn bè giới thiệu cho một vài trường tốt để chuyển hồ sơ cho con. 

Con lớn của chị đang học lớp 5 tuổi, sang năm vào lớp 1 mà trường học bỗng nhiên đóng cửa sẽ ảnh hưởng ít nhiều tới việc chuyển cấp cho con sau này. "Thực lòng, mong sao cho dịch bệnh qua nhanh, con cái được đến trường chứ phụ huynh chúng tôi chỉ muốn lịch sinh hoạt được diễn ra bình thường. Trẻ đi học, hai vợ chồng đi làm chứ không muốn mọi thứ bị đảo lộn như bây giờ", chị Tuyền tâm sự. 

Giáo viên ngậm ngùi 

Trường học giải thể, không chỉ phụ huynh, học sinh bị ảnh hưởng và các giáo viên cũng ngậm ngùi. Cô Nguyễn Thu Oanh, giáo viên trường Mầm non Liên Hoa (TP Phan Thiết, Bình Thuận) buồn bã vì gắn bó với ngôi trường hơn 6 năm kể từ khi tốt nghiệp đại học đến nay.

Trước khi đóng cửa, chủ trường gửi một khoản phụ cấp 3 triệu đồng cho giáo viên phải nghỉ việc. "Trường học đóng cửa, tôi và đồng nghiệp không biết đi đâu về đâu. Người quyết định ở nhà làm nội trợ để chồng con đi làm, người lại chuyển hướng làm công nhân. Ngày chia tay, chúng tôi rơi nước mắt và hẹn nhau nếu sau dịch được đi dạy ở đâu thì rủ nhau cùng làm việc", cô Oanh chia sẻ.

Trường học giải thể, giáo viên ngậm ngùi mất việc. (Ảnh minh hoạ: Đ.H)

Trong báo cáo đầu năm học mới 2021 - 2022 của Sở GD&ĐT TP.HCM, 151 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập (124 nhóm trẻ, 27 trường) giải thể và ngưng hoạt động, dẫn đến giảm 411 phòng học. 

Bà Huỳnh Lê Phương Uyên, chủ hệ thống Trường mầm non B.A (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, hơn 7 tháng đóng cửa, bà huy động mọi nguồn lực để cầm cự giữ lại hệ thống trường lớp mà lâu nay gia đình tạo dựng. Thời gian đầu khi đóng cửa, bà vẫn cố duy trì một khoản tiền hỗ trợ để giữ chân các cô giáo. Nhưng trường đóng cửa quá lâu, trong khi tiền mặt bằng, bảo vệ và nhiều chi phí khác vẫn phải duy trì thì bà đành cắt hoàn toàn việc chi lương cho giáo viên. Hiện 2/3 số giáo viên xin nghỉ việc hẳn. Bà lo lắng khi mở cửa trường trở lại rất khó tìm giáo viên dạy. Mọi thứ có thể phải làm lại từ đầu.

"TP.HCM hiện dự kiến tháng 1/2022 sẽ mở cửa trường nhưng chưa nhắc đến kế hoạch cho bậc mầm non. Rất nhiều trường đã phá sản, bán hết cơ sở vật chất, trả mặt bằng vì không thể cầm cự. Có trường có gồng để giữ lại nhưng đang đuối dần. Hy vọng thành phố sớm có kế hoạch "giải cứu" các trường tư thục", bà Uyên chia sẻ.

Cô Sùng Nghiêm Hoa, giáo viên trường Mầm non Thiên thần nhỏ (Hóc Môn, TP.HCM) chia sẻ, sợ nhất bây giờ là nghe đồng nghiệp nói "muốn xin nghỉ việc hoặc trường học đóng cửa".

"Tuy biết nghề giáo có nhiều khó nhọc nhưng được đến trường, được nhìn thấy các con vui chơi là hạnh phúc nhất của các cô giáo mầm non. Giờ đây trường học phá sản, đồng nghiệp tìm đủ nghề mưu sinh cầm cự lại giữa đại dịch khiến ai cũng thắt lòng. Hy vọng dịch sẽ sớm qua, trẻ được trở lại trường để tôi lại được đi dạy, được múa hát cùng các con mỗi ngày", vị giáo viên này mong muốn.

Dịch bệnh kéo dài, nhiều trường mầm non tư thục không "chống chọi" được buộc phải đóng cửa trong khi số lượng học sinh mầm non ở các địa phương - những nơi đông dân cư, nhiều các khu công nghiệp như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Cần Thơ lại không giảm.

Ngành giáo dục mầm non đang đối diện với ba bài toàn lớn: Thứ nhất, cầm cự trường chờ đến khi học sinh đi học trở lại; Thứ hai, giải quyết bài toán thiếu giáo viên sau đại dịch; Thứ ba, trường giải thể, trẻ mất chỗ học, sắp xếp lại trường lớp thế nào để tránh quá tải.

Đề xuất "giải cứu"

Theo ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), các cơ sở giáo dục tư thục đang gặp nhiều khó khăn về nguồn kinh phí để chi trả cho đội ngũ và các chi phí khác để duy trì hoạt động của trường. Điều này dẫn tới nguy cơ giáo viên mầm non chuyển đổi nghề nghiệp, bỏ việc, nhiều đơn vị phải dừng hoạt động, thậm chí đứng trước khả năng phải giải thể. 

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với các bộ, ban, ngành để đề xuất lên Chính phủ những chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong đó, hai giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra gồm: Thứ nhất, đề xuất Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ để giáo viên các trường tư thục duy trì công việc, tránh bỏ việc.

Thứ hai là đưa vào Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chính sách hỗ trợ số hóa; chính sách ưu đãi tín dụng để các cơ sở giáo dục sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm thiết bị dạy học, trang thiết bị phòng chống dịch... nhằm phục hồi hoạt động đối với các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập.

Minh Khôi

Tin mới