Bộ Quốc phòng Nga bác tin tên lửa Nga bắn trúng một tòa chung cư ở Kiev, đồng thời khẳng định thiệt hại này là do phòng không Ukraine gây ra.
"Thông tin lan truyền trên mạng xã hội về một cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga vào một tòa nhà dân cư trên Đại lộ Lobanovsky ở Kiev là không đúng sự thật. Thiệt hại của tòa nhà cho thấy nó bị trúng tên lửa phòng không. Điều này có thể thấy rõ trong video", Tass dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin trên.
"Liên quan đến cuộc đàm phán dự kiến với giới lãnh đạo Ukraine, Tổng thống Putin chiều 25/2 ra lệnh tạm dừng đà tiến công của lực lượng Nga. Tuy nhiên, do phía Ukraine từ chối đàm phán, Nga tiếp tục chiến dịch tấn công vào chiều 26/2", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo.
Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin hôm 26/2 khẳng định Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã rời Kiev tới Lvov.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ông Volodin nói thêm, thông tin nhà lãnh đạo Nga rời Kiev được nghị sỹ Ukraine cung cấp.
Tuyên bố được ông Volodin đưa ra không lâu sau khi tờ Washington Post đưa tin chính quyền Biden bày tỏ ý định sơ tán Tổng thống Ukraine do lo ngại an toàn của ông. Tuy nhiên, tờ báo Mỹ cho biết ông Zelensky quyết ở lại thủ đô Kiev.
Sputnik dẫn lời đại diện Hạm đội Biển Đen cho biết, 82 binh sĩ Ukraine đầu hàng hải quân Nga sau cuộc giao tranh trên đảo Zmeiny đã được chuyển đến cảng Sevastopol.
Thiếu tướng Mikhail Yasnikov, Phó tư lệnh phụ trách hậu cần của Hạm đội Biển Đen cho biết: “Các binh sĩ Ukraine đã hạ vũ khí và quyết định trở về với gia đình”.
Tướng Yasnikov nói Hạm đội Biển Đen tôn trọng quyết định của các binh sĩ biên phòng Ukraine. Một hành lang an toàn đã được mở để họ có thể trở về với gia đình.
Ông Yasnikov nói thêm: “Sau khi trải qua các thủ tục pháp lý và được sự đồng ý của phía Ukraine, 82 lính biên phòng trên đảo Zmeiny sẽ được đưa về nhà trên các chuyến xe buýt đặc biệt”.
Sky News cho biết, tổng cộng 27 nước đồng minh bao gồm Mỹ, Anh và một số nước châu Âu đang chuẩn bị viện trợ thêm vũ khí, vật tư y tế và viện trợ quân sự khác cho Ukraine nhằm giúp Kiev chống lại cuộc tấn công của Nga.
Cũng theo Sky News, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace đã chủ trì một hội nghị giữa các nước đồng minh về viện trợ quân sự cho Ukraine vào tối 25/2.
Một tòa chung cư bị hư hại trong các cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine tại Kiev. (Ảnh: Sky News)
Tất cả 25 quốc gia được đề nghị hỗ trợ quân sự cho Ukraine đều đồng ý với đề xuất của Bộ trưởng Wallace. Các nước thành viên NATO cũng sẽ tham gia vào kế hoạch này.
Kế hoạch hỗ trợ quân sự từ 27 nước sẽ bao gồm, vũ khí bộ binh, đạn dược, vũ khí chống tăng, vũ khí phòng không và vật tư y tế.
Trước đó, trong một bài đăng trên Twitter, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các đồng minh và đối tác đang gửi vũ khí tới Ukraine giúp nước này phòng thủ trước cuộc tấn công của Nga.
"Một ngày mới trên mặt trận ngoại giao bắt đầu bằng cuộc điện đàm với Tổng thống Emmanuel Macron. Vũ khí và trang thiết bị từ các đối tác đang trên đường đến Ukraine", Tổng thống Zelensky viết trên Twitter.
Sputnik dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov trong cuộc họp báo hôm nay 26/2 cho biết, quân đội nước này đã phá hủy 821 mục tiêu thuộc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt.
"Trong số đó có 14 sân bay quân sự, 19 sở chỉ huy và trung tâm thông tin liên lạc, 24 hệ thống tên lửa phòng không S-300 và Osa, 48 trạm radar. 7 máy bay chiến đấu, 7 trực thăng, 9 máy bay không người lái, 87 xe tăng, nhiều phương tiện chiến đấu bọc thép, 28 hệ thống pháo phản lực phóng loạt và 118 xe quân sự”, tướng Konashenkov nói.
Thiếu tướng Igor Konashenkov - người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga. (Ảnh: Bộ quốc phòng Nga)
Cũng theo tướng Konashenkov, hải quân Nga đã phá hủy 8 tàu quân sự của hải quân Ukraine trong các cuộc tấn công.
Đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho biết, hầu hết các cuộc tấn công của nước này đều diễn ra vào ban đêm và sử dụng tên lửa hành trình để vô hiệu hóa các cơ sở quân sự ở Ukraine.
"Trong đêm (25/2), Lực lượng vũ trang Liên bang Nga đã tiến hành một cuộc tấn công bằng vũ khí chính xác tầm xa, sử dụng tên lửa hành trình trên không và trên biển nhằm vào cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine", tướng Konashenkov cho biết.
Ông Konashenkov nói rằng các lực lượng vũ trang Nga đã thiết lập toàn quyền kiểm soát đối với thành phố Melitopol ở miền nam Ukraine.
Về phía Bộ Quốc phòng Ukraine, họ cho biết đã tiêu diệt được 2.800 quân Nga kể từ khi Moskva mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở miền đông Ukraine (24/2).
Reuters dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Malyar cho biết, lực lượng Nga đã mất khoảng 2.800 binh sĩ và 80 xe tăng trong cuộc tấn công vào Ukraine.
Bà Malyar cũng nói thêm rằng quân đội Nga cũng mất khoảng 516 phương tiện chiến đấu bọc thép, 10 máy bay và 7 máy bay trực thăng, dữ liệu này được thống kê từ các khu vực xảy ra giao tranh giữa hai bên.
Bộ trưởng Y tế Ukraine Viktor Liashko cho biết 198 người Ukraine, trong đó có 3 trẻ em thiệt mạng kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở nước này.
Trong bài đăng trên Facebook, ông Liashko nói thêm rằng 1.115 người Ukraine bị thương, trong đó có 33 trẻ em trong 3 ngày giao tranh giữa quân đội Nga và Ukraine.
Không rõ thương vong này có bao gồm binh lính Ukraine hay chỉ là thống kê về dân thường.
Theo hãng tin AFP, nhiều người dân Ukraine chưa từng cầm súng nhưng họ sẵn sàng tham gia lực lượng dân quân tình nguyện bảo vệ thủ đô Kiev.
Trả lời phỏng vấn với AFP trên một con đường ở Kiev, nhà sử học Yuriy Korchemniy (35 tuổi) cho biết anh chưa từng cầm súng, nhưng vẫn cùng nhiều người khác sẵn sàng cầm vũ khí tham gia lực lượng tình nguyện bảo vệ thủ đô Kiev.
Korchemniy nhấc khẩu súng trường tấn công Kalashnikov khỏi thùng vũ khí vừa được dỡ xuống từ xe tải. Đây là số súng được quân đội Ukraine cấp phát cho các đơn vị phòng thủ tình nguyện mới thành lập vào ngày 25/2, ngày thứ hai Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào nước này.
Người dân Ukraine tình nguyện tham gia lực lượng dân quân phòng thủ Kiev được phát súng. (Ảnh: EPA)
“Họ phát súng cho tôi, chuẩn bị sẵn đạn và chúng tôi đã sẵn sàng”, Korchemniy cho biết.
Cũng theo chia sẻ của Korchemniy, anh không biết cách sử dụng hết các tính năng súng và chưa từng được đào tạo quân sự.
Hiện Korchemniy cùng một số tình nguyện viên khác đang canh giữ một cây cầu dẫn vào Kiev, đa phần đều là những người ngoài 50 tuổi.
Con đường nhóm dân quân đang canh giữ dẫn tới khu phức hợp hành chính nơi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky làm việc. Chiều ngược lại của con đường chạy qua một quận với nhiều tòa nhà xây dựng kiểu Liên Xô dành cho tầng lớp lao động, khu vực này vài giờ trước đã xảy ra một vụ đấu súng chết người với lực lượng Nga.
Trước đó, giới chức Ukraine cho biết, khoảng 18.000 khẩu súng với đạn dược đã được phân phối cho quân dự bị ở khu vực Kiev.
CNN ngày 25/2 dẫn một tuyên bố chung của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov và Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Valeriy Zaluzhniy cho biết sẽ có nhiều vũ khí hơn đang được đưa tới.
Tổng thống Zelensky cũng đã ra lệnh tổng động viên quân đội. Ông Zelensky nói rằng, “để đảm bảo quốc phòng, duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu và huy động của Lực lượng vũ trang Ukraine và các lực lượng quân sự khác”, lệnh tổng động viên ở Kiev và tất cả các thành phố lớn đã được đưa ra. Theo đó, tất cả nam công dân từ 18-60 tuổi không được rời khỏi Ukraine.
Bộ chỉ huy quân sự Ukraine cho biết, khu vực gần các thành phố Sumy - nằm ở phía đông nước này, Poltava - ở miền trung và Mariupol ở phía đông nam bị tấn công bởi các cuộc không kích hôm 25/2. Theo cơ quan này, tên lửa hành trình Kalibr của Nga đã được phóng từ Biển Đen.
Video: Phòng không Ukraine chống trả quân Nga
Thủ đô Kiev sau những đợt tấn công quân sự của Nga:
Hôm 26/2, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã chiếm được thành phố Melitopol ở vùng Zaporizhzhya, đông nam của Ukraine.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, quân đội nước này đã sử dụng tên lửa hành trình từ máy bay và trên tàu chiến để thực hiện các cuộc không kích trong đêm vào các mục tiêu quân sự ở Ukraine. Cũng theo cơ quan này, quân Nga đã tấn công hàng trăm mục tiêu cơ sở hạ tầng quân sự và phá hủy một số máy bay và hàng chục xe tăng, xe bọc thép và pháo binh.
Hiện Ukraine chưa bình luận về thông tin này.
Hôm 25/2, Hungary đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết ông đã điện đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov và Andriy Yermak – cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho rằng, Budapest "có thể đóng vai trò là một địa điểm an toàn cho cả phái đoàn đàm phán của Nga và Ukraine". "Hai bên đều không từ chối đề nghị này và đang xem xét. Tôi thực sự hy vọng rằng trong vòng vài giờ hoặc vài ngày tới sẽ có một thỏa thuận về việc bắt đầu các cuộc đàm phán", Ngoại trưởng Peter Szijjarto cho biết thêm.
Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden đồng ý cung cấp khoản hỗ trợ lên tới 350 triệu USD cho Ukraine. Đây là lần cung cấp kinh phí hỗ trợ thứ 3 của chính quyền Biden cho Ukraine. Trước đó, Mỹ đã cấp lần lượt là 60 triệu USD và 250 triệu USD. Thông cáo này của Nhà Trắng được đưa ra sau cuộc điện đàm kéo dài 40 phút giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 25/2, trong đó hai bên thảo luận về các khoản "hỗ trợ quốc phòng cụ thể”.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington (Mỹ), các lực lượng Nga đã giành quyền kiểm soát khu vực phía bắc Ukraine, bên ngoài thủ đô Kiev, trong đó có cả Chernobyl. Quân Nga cũng đã kiếm soát thành phố Kherson, phía bắc bán đảo Crimea.
Những vị trí quân Nga kiểm soát (màu hồng) tính đến hôm 26/2.
Hôm 25/2, hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies cung cấp cho thấy, dòng xe ô tô và xe tải đang cố gắng rời Ukraine tới Romania. Đoàn xe dài 6,5 km gần cửa khẩu Siret ở phía tây nam của nước này. Trước đó, CNN đưa tin, Ba Lan đang chứng kiến sự gia tăng lớn người Ukraine sang nước này trong bối cảnh chiến sự đang leo thang.
Hình ảnh vệ tinh do công ty Maxar Technologies cung cấp cho thấy, dòng xe ô tô và xe tải đang cố gắng rời Ukraine tới Romania, (Ảnh: Maxar Technologies)
Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cảnh báo các công dân Mỹ rằng “tình hình có thể xấu đi”, khuyên họ nên tìm nơi trú ẩn gần nhất.
“Tình hình an ninh trên khắp Ukraine vẫn còn nhiều biến động và các điều kiện có thể xấu đi. Công dân Mỹ nên cảnh giác và biết vị trí của nơi trú ẩn hoặc không gian được bảo vệ gần nhất”, thông cáo của Đại sứ quán Mỹ tại Ukraine cho biết.
Hôm 25/2, Nhà Trắng cho biết Bộ Ngoại giao Mỹ đã liên lạc với những người Mỹ vẫn còn ở Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Biden vẫn giữ nguyên quyết định không cử quân đội đến để giúp họ sơ tán.
Một đám cháy trên đại lộ Peremohy ở Kiev, gần ga tàu điện ngầm Beresteiska. (Ảnh: Telegram)
Vụ nổ ở ga tàu điện ngầm Beresteiska, phía tây Kyev. (Ảnh: Nexta)
Khói và lửa bốc lên do các cuộc giao tranh ở Kiev rạng sáng nay. (Ảnh: Nexta)
Video: Giao tranh tại thủ đô Ukraine rạng sáng 26/2. Video: NY Times.
“Chào buổi tối mọi người! Chủ tịch đảng đang ở đây. Lãnh đạo chính quyền đây. Thủ tướng Shmyhal đây. (Cố vấn Văn phòng Tổng thống) Mykhailo Podoliak cũng ở đây. Và tổng thống đây”, ông Zelensky vừa nói vừa chỉ những người xung quanh và chính mình.
“Chúng tôi đều ở đây. Quân đội chúng ta ở đây. Người dân và xã hội của ta ở đây. Chúng tôi ở đây để bảo vệ độc lập, đất nước và sẽ luôn như thế”, ông nói.
Ảnh chụp màn hình clip.
Mục đích là tránh việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bị bắt hoặc bị giết bởi lực lượng Nga. Đến nay, Tổng thống Zelensky vẫn chưa rời Ukraine. Hồi tháng 1, Giám đốc CIA William J. Burns đưa ra cảnh báo, lưu ý ông Zelensky phải hết sức chú ý đến an ninh cá nhân của mình.
Phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hôm 25/2 đã có những tràng pháo tay sau khi đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya kêu gọi dành khoảnh khắc để vinh danh những người đã thiệt mạng ở Ukraine.
"Tôi yêu cầu tất cả các bạn dành một khoảng thời gian mặc niệm để cầu nguyện cho linh hồn của những người đã bị giết, cho linh hồn của những người có thể bị giết”, Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya nói. Ông cũng mời Đại sứ Nga Vassily Nebenzia tham gia cầu nguyện.
Lời kêu gọi này diễn ra sau khi Nga sử dụng quyền phủ quyết của mình để ngăn chặn một nghị quyết của Hội đồng Bảo an lên án cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Sau đó, đại sứ Nga Vassily Nebenzia cũng nói rằng Hội đồng Bảo an cũng nên vinh danh những người đã thiệt mạng ở vùng Donbass.
Hội đồng bảo an Liên hợp quốc họp về Ukraine.
CNN dẫn lời Cơ quan Liên lạc Đặc biệt của Ukraine vào sớm 26/2 cho biết các cuộc đụng độ đang diễn ra ở một vùng ngoại ô phía đông của thủ đô Kiev.
“Đối thủ đang cố gắng tấn công CHP-6 gần Troieschyna. Lực lượng vũ trang đang chống trả”, cơ quan này thông báo trên Twitter. CHP-6 là một trạm điện của Kiev.
Khoảng 20 phút trước, đội ngũ phóng viên CNN cũng nghe thấy các tiếng nổ lớn truyền tới từ phía tây và nam của thành phố. Bầu trời Kiev lóe sáng thành từng đợt ở phía chân trời.
Khói lửa từ khu vực gần trung tâm Kiev vào sáng sớm ngày 26/2. Ảnh: Reuters.
NBC dẫn các nguồn tin cho biết, Kazakhstan, một trong những đồng minh thân cận nhất của Nga và là nước láng giềng phía nam, từ chối yêu cầu quân đội của nước này tham gia cuộc tấn công ở Ukraine. Kazakhstan cũng cho biết họ không công nhận độc lập cho các nước Cộng hòa Nhân dân Luhansk và Donetsk. Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ ca ngợi quyết định này, cho biết Washington “hoan nghênh việc Kazakhstan từ chối cử lực lượng của mình tham gia cuộc chiến của Nga ở Ukraine”.
Một loạt tiếng nổ vừa vang lên tại vùng ngoại ô của Kiev. Lúc này đang là khoảng 2h ngày 26/2 tại Ukraine. Hiện chưa rõ tính chất và địa điểm chính xác của những vụ nổ này, theo CNN.
Lực lượng vũ trang Ukraine thông báo có giao tranh ác liệt xung quanh Vasylkiv, một thành phố nằm cách thủ đô Kiev khoảng 18 km về phía nam.
Các lực lượng vũ trang cho biết: "Giao tranh ác liệt hiện đang diễn ra tại thị trấn Vasylkiv thuộc vùng Kiev, nơi quân chiếm đóng đang cố gắng đổ bộ". Quân Nga cũng đang tiến về Kiev từ cả phía bắc và phía đông.
Quang cảnh thành phố Kyiv vào sáng sớm thứ Bảy. (Ảnh: CNN)
Nhà Trắng đề nghị Quốc hội Mỹ phê duyệt khoản viện trợ 6,4 tỷ USD để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, bao gồm 2,9 tỷ USD hỗ trợ an ninh và nhân đạo và 3,5 tỷ USD cho Bộ Quốc phòng.
Một quan chức từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng cho biết: “Trong một cuộc trao đổi gần đây với các nhà lập pháp, chính quyền Mỹ xác định sự cần thiết phải hỗ trợ nhân đạo, an ninh và kinh tế bổ sung cho Ukraine và các đối tác Trung Âu do hành động xâm lược vô cớ và phi lý của Nga”.
Chiến sự diễn ra ở Ukraine từ hôm 24/2.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. (Ảnh: AP)
"Tổng thống Volodymyr Zelensky tin rằng Israel là quốc gia dân chủ duy nhất có quan hệ tuyệt vời với cả Nga và Ukraine. Điều đó có thể được sử dụng để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán", Đại sứ Ukraine tại Israel Yevgen Korniychuk nói.
Đại sứ Yevgen Korniychuk cho rằng, Jerusalem thích hợp hơn Minsk - nơi các cuộc đàm phán trước đây đã diễn ra, vì Belarus là đồng minh thân cận của Nga.
"Chắc chắn cần phải thay đổi địa điểm và chúng tôi tin rằng Jerusalem có thể là một nơi tốt cho điều đó", Đại sứ Korniychuk nhấn mạnh.
Đề cập đến phản ứng của Israel trước yêu cầu của Tổng thống Volodymyr Zelensky, Đại sứ Korniychuk nói rằng Israel "không đồng ý hay phủ nhận đề nghị này, họ đang xem xét, và đó là một dấu hiệu tích cực".
Người phát ngôn của Bennett sẽ không bình luận gì thêm ngoài thông tin chính thức được công bố về cuộc gọi, vốn không đề cập đến yêu cầu hòa giải.
Trước đó, trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Naftali Bennett vào sáng 25/2, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã yêu cầu Jerusalem đóng vai trò trung gian hòa giải với Nga để giúp giải quyết xung đột quân sự giữa các nước.
Điện Kremlin cho biết, Tổng thống Vladimir Putin đã sẵn sàng cử một phái đoàn tới Belarus để đàm phán với Ukraine. Tuy nhiên, theo người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov, các quan chức Ukraine đã đảo ngược hướng đi và nói rằng họ không muốn đến Minsk để đàm phán, thay vào đó đề xuất Warsaw làm địa điểm tổ chức.
Lực lượng vũ trang Ukraine nên "nắm quyền" kiểm soát đất nước và đàm phán thỏa thuận hòa bình với Nga, Tổng thống Vladimir Putin nhận định trong cuộc họp Hội đồng An ninh Nga ngày 25/2.Ông cũng cáo buộc chính phủ Ukraine đang sử dụng dân thường làm "lá chắn phòng thủ" trong cuộc tấn công của Nga vào Ukraine.
Tổng thống Putin cho rằng quân đội Ukraine không được để chính phủ sử dụng "vợ con và những người yêu quý của họ làm lá chắn phòng thủ" - một chiến thuật mà theo ông đang được Kiev sử dụng trong chiến dịch quân sự của Moskva.
"Hãy nắm lấy quyền lực trong tay!", nhà lãnh đạo Nga nói và nhận định, quân đội là đối tác dễ đàm phán hơn các chính trị gia ở Kiev.
Quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ một máy bay vận tải quân sự Nga chở lính dù. AP dẫn thông báo của quân đội Ukraine cho biết chiếc Il-76 của Nga bị bắn hạ ở gần Vasylkiv. Thành phố này cách Kyiv 40 km.
Quân đội Nga chưa bình luận về thông tin này. Tuyên bố của quân đội Ukraine chưa thể kiểm chứng độc lập.
Trong thông báo trên Facebook, Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny nhắc tới vụ việc một máy bay mẫu tương tự bị bắn rơi trên bầu trời thành phố Luhansk vào năm 2014, làm chết gần 50 lính dù Ukraine. Sự việc này xảy ra vào đầu cuộc chiến ly khai do Nga nhen nhóm ở miền cực Đông Ukraine sau khi Moskva chiếm bán đảo Crimea.
“Đây là đòn trả đũa vì sự việc ở Luhansk năm 2014”, ông Zaluzhny nói, theo Financial Times.
Hôm 25/2, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố, Tổng thống Vladimir Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov cùng với các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Nga sẽ bị trừng phạt. Các biện pháp trừng phạt sẽ bao gồm lệnh cấm đi lại của Mỹ.
“Phù hợp với quyết định của các đồng minh châu Âu, Mỹ sẽ tham gia cùng họ trong việc trừng phạt Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Lavrov và các thành viên của Hội đồng An ninh quốc gia Nga”, Thư ký Báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP)
Trước đó, EU nhất trí đóng băng tài sản ở châu Âu liên quan đến Tổng thống Nga Putin và Ngoại trưởng Lavrov. Quyết định được giới lãnh đạo EU thông qua hôm nay sau cuộc thảo luận suốt đêm về gói trừng phạt mới với Nga.
"Họ phải chịu trách nhiệm về cái chết của những người vô tội ở Ukraine, và vì đã chà đạp lên hệ thống quốc tế. Chúng tôi, với tư cách là những người châu Âu, không chấp nhận điều đó", Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói.
Anh đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với cá nhân Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Lavrov vào tối 25/2. Thủ tướng Boris Johnson thúc giục EU và Mỹ cũng cấm Nga tham gia mạng lưới ngân hàng SWIFT để “gây ra tổn thất lớn hơn đối với ông Putin và chính quyền Nga".
Ông Putin không nằm trong số mục tiêu của các lệnh trừng phạt sâu rộng mà Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố hôm 24/2. Ông Biden cho biết các biện pháp trừng phạt nhằm gây ra tác động lâu dài làm tê liệt nền kinh tế Nga.
Sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo NATO, Tổng thư ký Jens Stoltenberg cho biết, NATO cam kết tiếp tục cung cấp hỗ trợ cho Ukraine, bao gồm cả các hệ thống phòng không.
“Chúng tôi đang triển khai lực lượng phản ứng NATO lần đầu tiên trong bối cảnh phòng thủ tập thể. Chúng tôi nói về con số hàng nghìn quân. Chúng tôi nói về khả năng hàng không và hàng hải", ông Jens Stoltenberg nói.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Getty)
Lực lượng ứng phó của NATO bao gồm các lực lượng hoạt động đặc biệt và các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển. Chỉ một phần trong số 40.000 người thuộc đội ngũ này đang được triển khai.
Ông Soltenberg cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin cố gắng lật đổ “chính phủ được bầu cử dân chủ ở Ukraine”.
“Chúng tôi thấy những lời hùng biện, những thông điệp đang chỉ ra rõ ràng rằng mục đích là xóa bỏ chính phủ được bầu cử dân chủ ở Kiev", Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc cũng cho biết Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine, và đang tìm cách thức tốt nhất để cung cấp sự hỗ trợ này.
"Chúng tôi sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh bổ sung cho Ukraine. Chúng tôi chắc chắn sẽ làm. Cách thức thực hiện vẫn đang được thảo luận", phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby nói.
"Đêm này sẽ rất khó khăn, và kẻ thù sẽ sử dụng tất cả các lực lượng hiện có để phá vỡ sự kháng cự của người Ukraine", Tổng thống Volodymyr Zelensky nói.
Ông Zelensky kêu gọi người dân Ukraine "phải giữ vững lập trường", nhấn mạnh "số phận của Ukraine đang được quyết định ngay bây giờ".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Trong thông điệp gửi đến toàn dân, Tổng thống Zelensky nói: "Chúng ta đang chiến đấu cho đất nước của chúng ta trên tất cả các chiến tuyến: Ở phía Nam, phía Đông, phía Bắc, tại nhiều thành phố của đất nước xinh đẹp này".
Ông Zelensky nói rằng: "Ukraine cũng đang chiến đấu trên chiến tuyến ngoại giao".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết các lực lượng Nga đang áp sát Kiev, tiến về thủ đô từ phía bắc và phía đông.
"Mục tiêu chính của chúng ta là kết thúc cuộc tàn sát này. Tổn thất của kẻ thù là rất nghiêm trọng - hàng trăm binh lính thiệt mạng khi vượt qua biên giới của chúng ta”, ông Zelensky nói.
Sau khi chiếm một căn cứ không quân ngay phía bắc thành phố Kiev hôm 25/2, các lực lượng Nga hiện đã tiến gần đến thủ đô Kiev. Họ cũng đang tiến theo 2 tuyến đường từ phía bắc và ít nhất một tuyến từ phía đông.
Quân Nga áp sát thủ đô Kiev.
Nga ngày 25/2 phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lên án "hành động gây hấn" của nước này đối với Ukraine và yêu cầu Moskva rút quân ngay lập tức.
11 trong số 15 thành viên Hội đồng bỏ phiếu thuận cho kiến nghị do Mỹ và Albania đồng chắp bút. Trung Quốc, Ấn Độ và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bỏ phiếu trắng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp bàn về Ukraine.
Nghị quyết đứng trước nguy cơ thất bại vì quyền phủ quyết của Moskva với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã tạo cơ hội quan trọng cho khán phòng lên tiếng về quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin khi phát động cuộc tấn công vào Ukraine.
"Bạn có thể phủ quyết nghị quyết này nhưng không thể phủ quyết tiếng nói của chúng tôi", Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho hay.