Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giáo sư Võ Tòng Xuân kiến nghị những biện pháp dứt khoát để nông dân Việt giàu như nông dân Nhật

Giáo sư Võ Tòng Xuân kiến nghị Chính phủ thực hiện các biện pháp dứt khoát để nông dân Việt có cơ hội giàu như nông dân Nhật Bản.

Trong bài viết gửi VTC News, Giáo sư Võ Tòng Xuân tỏ ra hết sức sốt ruột vì Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ra đời hơn một năm nay, nhưng các địa phương nông thôn Việt Nam vẫn còn rất lúng túng, không biết phải đầu tư như thế nào và để làm gì cho bớt diện tích lúa - thứ nguyên liệu thô mà suốt 40 năm nay chưa làm cho nông dân ta giàu được.

Nghị quyết lịch sử 

Đây là một nghị quyết lịch sử, thể hiện tầm nhìn rất thực tế của Chánh phủ, để cho nông dân đổi đời cơ cực. Chúng ta cần biết cách thực tế hóa tầm nhìn này mới có thể thực hiện thành công nghị quyết.

Nếu như khuynh hướng của phần lớn các bộ ngành Trung ương và các địa phương của ĐBSCL hiện nay, vẫn tiếp tục xin Thủ tướng duyệt kinh phí khổng lồ đem nguồn nước ngọt rất giới hạn hiện nay về làm ngọt hóa các vùng mặn để trồng lúa thì thật là vô phước cho nông dân miền Tây Nam Bộ.

Tại sao chúng ta không biết làm như những lãnh đạo của Nhật Bản, từ một đất nước thiếu ăn, do chiến tranh nguyên tử tàn phá, đến dư ăn và trở nên cường quốc kinh tế sau Mỹ chỉ sau 25 năm nhờ chính sách phát triển nông nghiệp với lực lượng nông dân hùng mạnh trong hệ thống Liên hợp tác xã (LHTX) để thúc đẩy nhanh khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu mở ra một chân trời hy vọng cho kinh tế nước ta phát triển mạnh từ năm 2018.

Nước ta sau hơn 40 năm phát triển trong hòa bình thống nhất, lực lượng lao động đông nhất là nông dân của chúng ta vẫn còn nghèo mặc dù đã có nhiều tiến bộ. Nông nghiệp nước ta, nhất là trong những năm thời tiết thuận lợi, cụ thể là năm 2017-2018 đã bội thu, xuất khẩu tăng rõ rệt nhất là mặt hàng trái cây nhiệt đới và thủy sản.

Hai mặt hàng đang được nông dân sản xuất một cách tự phát, manh mún bởi hàng triệu cá thể nhỏ lẻ, không có kinh phí đầu tư của nhà nước. Trong khí đó nhà nước lại đầu tư kinh phí rất lớn để làm thủy lợi đem nước ngọt về cho nông dân trồng lúa tại vùng mặn, phải gánh những thiệt hại to lớn do thiên tai hạn mặn năm trước đã tàn phá hơn 200 ngàn hecta lúa.

Trong khí thế thắng lợi của nông nghiệp Việt Nam năm 2017 chúng ta hoan nghênh Chánh phủ đã gỡ xuống cái kim cô “an ninh lương thực” trên mọi người dân để thay vào đó một tư duy mới rất phù hợp trong thời biến đổi khí hậu: không coi nước mặn là một trở ngại nữa mà nên biến nó thành cơ hội, bớt diện tích lúa để dành đất và tiết kiệm nước ngọt trồng những cây ăn trái có giá trị cao hơn.

Và nhà nước khuyến khích các địa phương đầu tư cho nông dân có thể lợi dụng cơ hội đó để chung tay nâng cao GDP của đất nước, nhờ có Nghị quyết 120/NQ.CP ban hành vào cuối năm 2017, mở ra một chân trời hy vọng cho kinh tế nước ta phát triển mạnh từ năm 2018. Mục tiêu cuối cùng của Đảng và Nhà nước muốn đạt tới là thật sự làm tăng lợi tức của nông dân bằng sản xuất có giá trị cao hơn, thay vì chỉ sản xuất lúa quá nhiều.

 Giáo sư Võ Tòng Xuân (phải) tại một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng.

Bây giờ có Nghị quyết rồi, chúng ta phải làm sao đây? Nông dân đang ngon trớn trồng lúa, các địa phương đang ngon trớn dốc hết kinh phí tổ chức cho nông dân trồng lúa mà thôi, và chỉ tiêu pháp lệnh tăng trưởng GDP hàng năm Trung ương giao cho địa phương phải đạt được tính theo sản lượng lúa.

Mặc dù giá lúa thấp, nhưng trong khi chưa có cây gì, con gì có giá trị cao hơn, thì việc tăng diện tích lúa vẫn là hướng đi dễ thực hiện vì cơ sở hạ tầng đã có sẵn, chỉ cần mở rộng ra thêm. Như vậy muốn thực hiện NQ120, các địa phương sẽ giảm diện tích lúa để trồng cây gì có giá trị cao hơn nhưng tiêu tốn nước ngọt ít hơn, hoặc nuôi thủy sản có giá trị cao.

Các địa phương đang rất lúng túng, vì “trồng cây gì” hoặc “nuôi con gì” đều phải bảo đảm có người tiêu thụ chắc chắn, nếu không thì vẫn cứ phải trồng lúa mới giữ vững được chỉ tiêu pháp lệnh GDP, mà như thế thì lại trở về đường cũ, lợi tức của nông dân không tăng bao nhiêu. Thể hiện hướng đi đang bị tranh cãi này là dự án sông Cái Lớn – Cái Bé.  

Phá vòng lẩn quẩn của cây lúa nhất thiết các địa phương cần phải có tầm nhìn cao hơn và rộng hơn, phải thấy rằng không chỉ có cây lúa mà còn có những cây trồng vật nuôi giá trị cao hơn lúa. Chúng ta sản xuất lúa vừa phải để bảo đảm an ninh lương thực, ngoài diện tích này là để cho nông dân làm giàu bằng cách sử dụng đất cho mục đích khác. Nói cách khác, chúng ta phải biết kinh doanh nông nghiệp đa dạng thông minh hơn chứ không chỉ trồng lúa. 

 

 

 
Những cố gắng của Nhà nước, Trung ương và địa phương, cùng các nhà doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới của người nông dân.

Chúng ta cần quy hoạch lại các địa bàn nông nghiệp để bố trí những vùng lúa nào cần được thay thế, rồi tìm và khuyến khích các doanh nghiệp –nhất là doanh nghiệp nước ngoài - về đầu tư sản xuất cây trồng, vật nuôi mà họ có đầu ra chắc chắn, rồi nhà nước địa phương cùng doanh nghiệp đó mới cùng nhau tổ chức sản xuất lại tại vùng có quy hoạch mới đó.

Bây giờ chúng ta mới thấy vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp có công nghiệp chế biến và có khả năng tiêu thụ nông sản, không thể thiếu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp theo NQ120. Không có doanh nghiệp thì sẽ không có đầu ra cho sản phẩm của nông dân.

Nhất thiết phải có nông dân đổi mới

Tất cả những cố gắng của nhà nước Trung ương và địa phương, cùng các nhà doanh nghiệp đều như công dã tràng nếu không có sự đổi mới thứ hai: đó là sự đổi mới của người nông dân.

Phần lớn nông dân Việt Nam ngày nay là những người làm ăn nhỏ lẻ trên diện tích đất đai manh mún của mình, nhất là nông dân trồng lúa. Phần lớn bà con nông dân còn nghèo, hoặc rất nghèo. Suy cho cùng cái nghèo của nông dân ta một phần vì chỉ biết trồng lúa giá quá rẻ mà chi phí quá cao, một phần vì chính họ luôn luôn chỉ suy nghĩ nhỏ lẻ, thiển cận.

Họ không thấy xa hiểu rộng, chỉ khư khư giữ lấy miếng đất nhỏ bé của mình, từ cái bờ ruộng nhỏ hẹp cũng không muốn phá đi, không chịu cùng nhau dồn điền đổi thửa để có một trang trại lớn với những kênh tưới, kênh tiêu theo đúng kỹ thuật hiện đại.

Dĩ nhiên ngày nay chúng ta cũng có một số nông dân giàu, nhưng đây là những nông dân thấy xa hiểu rộng, dám nuôi, trồng những gì khác hơn cây lúa, trên diện tích lớn. Làm sao cho người nông dân nhỏ lẻ chịu thấy xa hiểu rộng để tự họ cũng sẽ làm giàu được? Đây là một thách thức lớn nhất đối với xã hội nông thôn nước ta hiện nay.

 

Người dân thành phố Tokyo ra ngoại ô ở tỉnh Saitama đem quần áo đổi lấy khoai tây đang thu hoạch trên đồng.

(Ảnh do GS Kenji Cho, ĐH Kyushu cung cấp)

Trước đây chúng ta “đổ thừa” cho nhà nước ép dân trồng lúa, lúa và lúa; nhưng bây giờ nhà nước đã đổi mới tư duy cho chánh quyền địa phương đầu tư đa dạng hơn cây lúa, thì đến lượt nông dân nhỏ lẻ cũng phải tham gia với nhà nước trong chiến lược mới đã được chỉ ra trong NQ120.

Người nông dân đổi mới mà đất nước ta cần trong thời đại này là những người nông dân tuy diện tích đất manh mún nhưng biết tự giác thỏa thuận đứng chung nhau trong những hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới (HTXNNKM) để tạo thành một cánh đồng lớn sẵn sàng liên kết với các nhà đầu tư lớn xây dựng vùng công nghiệp sản xuất rau quả chế biến, hoặc vùng công nghiệp thủy sản chế biến cung cấp cho thị trường trong nước và thị trường quốc tế.

Sự tổ chức hợp lý của nhà đầu tư và nhà nước những người nông dân đổi mới này sẽ không bị mất đất, mà đất của mọi người trong HTXNNKM sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, cày xới và trang bằng thành cánh đồng lớn được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật khoa học, có hệ thống giao thông thuận tiện cho việc chăm sóc và vận chuyển cây trồng hoặc thủy sản của bà con đến khu chế biến và bảo quản trước khi xuất kho giao cho khách hàng.

 

 
Theo các kinh tế gia giàu kinh nghiệm của Nhật, có thể nói trình độ nông thôn Việt Nam hiện nay đang ở vào thời điểm năm 1947 của Nhật.

Như vậy mỗi nông dân xã viên của HTXNNKM đều được chia lại diện tích (trừ tỉ lệ bỏ ra để làm kênh mương và đường giao thông) để canh tác, chăm sóc cây trồng, vật nuôi của mình dưới sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp.

Người nông dân đổi mới cộng tác trong môi trường mới này sẽ không còn lo lắng gì nữa trong quá trình nuôi trồng của mình, và cũng không lo bị thương lái ép giá. Mọi thứ đều có nhà doanh nghiệp đầu tư lo. Người nông dân đổi mới sẽ thật sự đổi đời, lợi tức thu nhập ổn định cao hơn. Doanh nghiệp cũng có thu nhập ổn định cao hơn, nên sẽ làm nghĩa vụ đóng góp vào GDP của địa phương tốt hơn.

Vì sao nông dân Nhật Bản giàu?

Thí dụ điển hình nhất là hệ thống HTXNN của Nhật đã giúp nông dân Nhật thoát cảnh nghèo nàn của những tá điền ngày xưa, và ngày nay trở thành những hộ nông nghiệp giàu sang ngang hàng hoặc có nơi hơn công nhân hoặc viên chức thư lại; luôn luôn giữ vững vị trí an toàn lương thực cho đất nước Nhật.

Ngay sau khi đầu hàng quân Đồng Minh, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu ngay công cuộc sản xuất lương thực để ngăn ngừa nạn đói có thể lan rộng.

Chuyên viên nông nghiệp của Hoa Kỳ trợ giúp chuyên viên Nhật giải quyết vấn đề quan trọng này, đầu tư nghiên cứu khoa học nông nghiệp, phổ biến kỹ thuật cho nông dân đồng thời xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp. Họ cũng sớm nhận ra sự cần thiết phải khuyến nông cho toàn thể nông dân nắm kỹ thuật thích hợp.

Công tác này là phải qua tổ chức nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp. Các chuyên viên đi tìm hiểu so sánh cách tổ chức HTXNN theo kiểu Hoa Kỳ hay kiểu châu Âu (Doco, 2008; Yoshihisa, 2014). Sau cùng họ chọn mô hình châu Âu, cụ thể là HTXNN của Đan Mạch (theo GS Kenji Cho, ĐH Kyushu).

Từ đó Chính phủ Nhật Bản coi HTXNN (viết tắt là JA – Japanese Agriculture) là một công cụ của nhà nước trực tiếp giúp nông dân qua tài trợ ngân sách, hướng dẫn kỹ thuật, lập nhà máy chế biến, xay xát lúa gạo… và lập cửa hàng rau quả,  thịt cá… để xã viên có nơi tiêu thụ hàng hóa sản xuất của mình.

So tình hình kinh tế xã hội nông thôn Việt Nam hiện nay, theo các kinh tế gia giàu kinh nghiệm của Nhật vừa có nhiều kinh nghiệm với nông thôn Việt Nam như Giáo sư Kenji Cho của Khoa Nông nghiệp Đại Học Kyushu, có thể nói trình độ nông thôn Việt Nam hiện nay đang ở vào thời điểm năm 1947 của Nhật, lúc nông dân tá điền của Nhật được Toàn quyền Đồng minh cấp phát sở hửu ruộng đất từ tay các địa chủ.

Tại Việt Nam, Luật HTX đã được Quốc hội thông qua năm 1996 và một số điều của Luật này đã được sửa đổi vào năm 2003 và 2012. Nhà nước cũng đã ban hành quy chế các loại hợp tác xã, kể cả HTXNN. Tính chất của HTXNN khác với các loại HTX khác nên chúng tôi thấy rõ trong nông dân ít thiết tha hăng hái gia nhập.

Chúng tôi tin rằng sẽ có một Luật HTXNN riêng cho lãnh vực nông nghiệp, với quy chế áp dụng cụ thể cho nông nghiệp rất hấp dẫn mà mỗi người nông dân khi tiếp cận với luật sẽ hăng hái xin gia nhập. Có lẽ Việt Nam chúng ta nên tham khảo các mô hình xây dựng HTXNN đơn mục tiêu của Nhật trong giai đoạn đầu. 

Đồng thời nơi nào có điều kiện, mà tinh thần xã viên đoàn kết cao, có nhiều nhân viên chuyên môn có thể thu dụng được, và có nhiều xã viên liên kết thuộc các doanh nghiệp trong vùng, các thành phần mua bán/thương lái, công nghệ chế biến nhỏ, những người cho vay trong nông thôn, thì Nhà nước địa phương có thể cho lập HTXNN đa mục tiêu thí điểm.

Đối với các nhà nông mục tiêu cuối cùng là làm sao bán được sản phẩm có lời nhất để làm giàu, cho nên HTXNN nào tạo điều kiện cho nhà nông đạt mục tiêu đó sẽ được nông dân hăng hái tham gia. Vào năm 2002, để tránh tình trạng nông dân không bán được sản phẩm và nhà doanh nghiệp không mua được nguyên liệu, Nhà nước đã có quyết định 80/2002/QĐ-TTg để gắn nhà nôngnhà doanh nghiệp.

Mô hình cánh đồng lớn giúp giảm giá giá thành sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Nhưng trong thực tế sự gắn kết này rất lỏng lẻo mặc dù cho phí quản lý đối với các doanh nghiệp rất cao. Vẫn còn cảnh mạnh nông dân bán cho ai thì bán, và mạnh doanh nghiệp mua của ai thì mua.

Trong những hoạt động mua bán đó, đã có một số mô hình tương đối thành công hơn tại một số tỉnh, nhất là An Giang và Cần Thơ, khi doanh nghiệp gắn kết chặt chẽ với HTXNN thay vì với nông dân cá thể.

Trong thực tế hiện tại, nhìn chung phần lớn doanh nghiệp và nông dân không gắn kết nhau, mà cả hai chỉ gắn với thương lái là chính. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục, cành được mùa rớt giá, bẻ kèo lẫn nhau, cho cả bộ máy chính trị của Đảng và Nhà nước phải ra tay tiêu thụ dùm cho nông dân. Trong điều kiện thuận lợi của NQ 120, chúng tôi đề nghị một cách tiếp cận thực tế phù hợp hơn như sau:

Bước đi cần thiết nhất ngay lúc này để gắn nông dân và doanh nghiệp theo chuỗi giá trị:

1. Nhà nước trung ương và địa phương cần chỉnh lại qui hoạch của đất nước ta, xem xét kỹ những vùng không thích hợp với cây lúa thì không nên cưỡng thiên nhiên như thời gian trước đây tiêu tốn ngân sách quá nhiều mà lợi ích cho nông dân không được bao nhiêu. Dự kiến một số cây, con có giá trị cao, thích nghi với các vùng đó để kêu gọi đầu tư;

2. Chuẩn bị sẵn điều kiện cho nông dân trong các vùng qui hoạch mới đó có thể xây dựng HTXNN sản xuất cụ thể những cây, con nói trên làm nguyên liệu gắn với nhà doanh nghiệp đầu tư cần nguyên liệu đó.

3. Tích cực kêu gọi đầu tư, với những điều kiện ưu đãi (vốn vay nhẹ lãi, ân hạn đóng thuế, diện tích đất đai được bảo đảm theo dự án).

4. Từ đó thiết kế điều lệ thành lập HTXNN cho phù hợp mô hình đã xác định; gắn HTXNN đó với nhà doanh nghiệp đầu tư đang cần nguyên liệu do HTXNN này sản xuất.

 

 5. Sau đó mới phát động phong trào học tập điều lệ HTXNN trong toàn nông hộ ở địa phương mình trước khi tiến hành việc thành lập HTXNN chính thức.

 6. Tiến hành cho thành lập một số HTXNN kiểu mới như mô tả trên đây cho đủ diện tích lớn mà doanh nghiệp cần đầu tư.

 7. Đất của tất cả xã viên sẽ được dồn điền đổi thửa để doanh nghiệp quy hoạch lại bờ vùng, bờ thữa bên cạnh các kênh tưới, kênh tiêu theo hệ thống thủy lợi của vùng. Sau đó từng xã viên sẽ nhận lại phần diện tích đất mình (trừ tỉ lệ dùng làm đường giao thông nội đồng và các kênh mương, trụ sở nhà máy chế biến, v.v.).

 8. Sau khi đã có đại hội xã viên gồm cả đại diện của doanh nghiệp gắn kết, các viên chức của HTXNN đã được xã viên bầu ra một cách dân chủ sẽ được đào tạo nghiệp vụ cụ thể hầu có thể quản lý và kinh doanh hữu hiệu.

 9. Nhà máy chế biến, bảo quản nguyên liệu và thành phẩm sẽ được khởi công xây dựng khi dự án được phê duyệt và HTXNN được bắt đầu thành lập.

 10. Doanh nghiệp tổ chức điều hành khu nông công nghiệp phức hợp này. Có đủ chuyên viên và vật tư nông nghiệp hỗ trợ cho tất cả xã viên sản xuất đúng theo qui trình GAP từ khâu làm đất đến thu hoạch nguyên liệu.

 11. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí xúc tiến thương mại tại các hội chợ trong nước và ngoài nước, giúp hàng hóa được tiêu thụ nhanh hơn.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Anh hùng Lao động, được biết đến nhiều nhất nhờ sự đóng góp của ông giúp đưa Việt Nam từ một nước nhập khẩu gạo thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai trên thế giới.

Ông từng giữ các chức vụ: Hiệu trưởng ĐH Cần Thơ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL; Hiệu trưởng ĐH An Giang và hiện là Hiệu trưởng ĐH Nam Cần Thơ.

Giáo sư đang đảm đương chương trình trồng lúa ở châu Phi, chương trình “4 nhà và cây lúa”, chương trình cây mía ở Tây Ninh, dự án khu công nghệ cao ở Hậu Giang.

Giáo sư nhận rất nhiều danh hiệu, trong đó có Huy chương Công trạng Nông nghiệp Pháp, Bằng tưởng lệ của Thủ tướng Canada về "Phụng sự và đóng góp vào khoa học thế giới",...

Ngoài ra, ông cũng là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế, như Quỹ Rockefeller, Viện Quản lý châu Á và Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế…

Video: 9 giải pháp không thể thiếu để phát triển nông nghiệp Việt Nam

>>> Đọc thêm: GS Võ Tòng Xuân: Quên ngay cụm từ 'vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long' đi

GS. Võ Tòng Xuân

Tin mới