Giáo sư Hà Văn Tấn qua đời lúc 21h ngày 27/11.
Giáo sư Hà Văn Tấn sinh ngày 16/8/1937 tại xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh (cùng làng với đại thi hào Nguyễn Du) - một vùng đất, một dòng họ hiếu học và khoa bảng với nhiều danh nhân hiền tài thời nào cũng có. Dòng họ này có các danh nhân như nhà văn hóa tiến sĩ Hà Tôn Mục, thượng thư tiến sĩ Hà Tông Trình, phó bảng Hà Văn Đại.
Đầu năm 1955, sau khi tốt nghiệp lớp 9, Hà Văn Tấn ra Hà Nội, sau một năm vừa học vừa làm vất vả, Hà Văn Tấn quyết định vào học khoa Sử, Đại học Sư phạm.
Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hà Văn Tấn. (Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội)
Năm 1957, ông tốt nghiệp thủ khoa cử nhân Sử–Địa Đại học Văn khoa Hà Nội và được giữ làm cán bộ giảng dạy. Suốt 50 năm ông gắn bó với giảng đường Đại học Tổng hợp Hà Nội.
Giáo sư Hà Văn Tấn là người sáng lập bộ môn Phương pháp luận sử học ở khoa Sử. Ông nguyên là Viện trưởng Viện Khảo cổ học. Suốt sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu, ông công bố 250 công trình trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước, đồng thời hướng dẫn 20 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học, khảo cổ học.
Năm 1980, ông được Nhà nước phong tặng học hàm giáo sư. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt II về khoa học.
Giáo sư, Nhà giáo ưu tú Hà Văn Tấn được các thế hệ giáo viên và sinh viên khoa lịch sử Đại học Tổng hợp Hà Nội phong là một trong tứ trụ "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (Giáo sư Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn và Trần Quốc Vượng) của nền sử học Việt Nam đương đại.
Sự đóng góp của những người thầy như ông đã làm nên khoa Lịch sử Anh hùng. Tên tuổi ông trở thành niềm tự hào của Khoa Lịch sử, của Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.