Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảng viên người Nga yêu tiếng Việt từ những chuyến công tác của cha

(VTC News) -

Đối với cô Svetlana Glazunova, Việt Nam là một phần của cuộc đời mình, nơi đây mang đến cho cô cảm giác thân thuộc như đang ở trên chính quê hương.

Vào một ngày hè đầu tháng 5, chúng tôi may mắn có cơ hội trò chuyện cùng cô Svetlana Glazunova (tên tiếng Việt là Hằng) - giảng viên tiếng Việt tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva (MGIMO).

Nếu không được trò chuyện trực tiếp và nắm rõ thông tin về cô Svetlana Glazunova từ trước đó, chắc hẳn sẽ có không ít người lầm tưởng cô là người Việt Nam. Bởi cô Hằng nói tiếng Việt “sõi” không khác gì người bản địa.

Có thể nói, từ trong sâu thẳm tâm hồn, cô đã xem Việt Nam là quê hương thứ hai của mình. Cô Hằng luôn mong muốn tiếng Việt có thể đến với nhiều người trẻ trên thế giới, giúp ngôn ngữ này không bị mai một.

Việt Nam là nhà

Cô Svetlana Glazunova, giảng viên tiếng Việt tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva.

Ngay từ ngày bé, cô Svetlana Glazunova đã cảm thấy bản thân may mắn hơn bạn bè cùng trang lứa khi được cầm trên tay chiếc nón lá - đồ vật gắn liền với hình ảnh con người Việt Nam  - tại nước Nga xa xôi. Việt Nam còn đi vào vào tiềm thức của cô gái nhỏ bé năm ấy thông qua những loại quả đặc trưng như vải, chôm chôm, dứa, na,...

Cha tôi là một nhà Việt Nam học và tình yêu đối với tiếng Việt của tôi cũng bắt nguồn từ công việc của cha. Mỗi lần đi công tác tại Việt Nam dài ngày về, những người bạn Việt Nam của ông đem cho tôi nào xoài, vải, chôm chôm, dứa, na… và cả chiếc nón lá mà không một bạn nào cùng lứa tuổi tôi có được”, cô Svetlana Glazunova chia sẻ.

Khi những người bạn Việt Nam của cha sang Moskva công tác, cô Svetlana Glazunova cũng thường cùng cha đưa mọi người đến nhà hát, rạp xiếc và những trung tâm văn hoá lớn của thủ đô.

Những kỷ niệm đẹp tuổi thơ đóng vai trò quan trọng để tôi quyết định tiếp nối tình yêu Việt Nam của cha và theo đuổi ngành ngôn ngữ tiếng Việt, trở thành giảng viên tiếng Việt tại MGIMO cho đến thời điểm hiện tại”, nữ giáo viên Nga tâm sự.

Những kỷ niệm đẹp tuổi thơ đóng vai trò quan trọng để tôi quyết định tiếp nối tình yêu Việt Nam của cha và theo đuổi ngành ngôn ngữ tiếng Việt, trở thành giảng viên tiếng Việt tại MGIMO cho đến tận bây giờ”, nữ giáo viên Nga tâm sự.

Năm 1993, cô Svetlana có cơ hội cùng cha trở lại Việt Nam thăm nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình lần thứ hai. Tấm ảnh đen trắng chụp cha con cô cùng đoàn chuyên gia của Nga ở công trường nhà máy thủy điện Sông Đà ở thời điểm đó vẫn được cô lưu giữ đến nay.

Với những ký ức sâu đậm về Việt Nam được cha mình mang đến từ thủa bé, Svetlana Glazunova cảm giác như đang quay trở về nhà sau nhiều năm ở thời điểm cô đến Việt Nam trong kỳ thực tập đại học vào năm 1995.

“Sau nhiều năm quay trở lại Việt Nam tôi nghĩ mọi thứ sẽ rất xa lạ, nhưng lúc bước xuống thang máy bay, nhìn thấy bầu trời Việt Nam tôi có cảm giác rất quen thuộc, giống như quay trở về nhà của chính mình vậy. Tại đây, mọi người đã giúp đỡ tôi rất nhiều, có cả những người bạn của cha năm ấy”, cô Svetlana Glazunova nói.

Cô Hằng luôn tìm cách để sinh viên có thể đến gần với văn hóa Việt Nam hơn.

Suốt quãng thời gian thực tập tại Việt Nam, giảng viên trường MGIMO dành nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống, văn hóa, lịch sử của con người nơi đây. Vì đối với cô, muốn học tốt và dạy tốt bất kỳ ngôn ngữ nào cũng cần phải hiểu rõ nguồn gốc ngôn ngữ đó.

Quãng thời gian thực tập tại Việt Nam mang lại cho nữ giảng viên người Nga nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng để phục vụ tốt công việc dạy học tiếng Việt sau này tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva.

Cô Hằng cho biết thêm, khi tìm hiểu và nghiên cứu sâu về tiếng Việt, bản thân càng cảm thấy thú vị vì có rất nhiều điều chỉ khi đi vào nghiên cứu sâu mới thấy được. Thời gian này cô Hằng đang tìm hiểu về lối chơi chữ trong tiếng Việt để giảng dạy cho sinh viên.

Nhìn nhận từ thực tế, cô Svetlana Glazunova bày tỏ mong muốn sinh viên Nga khi theo học tiếng Việt tại MGIMO sẽ có nhiều cơ hội thực tập trực tiếp tại Việt Nam.

“Dù hiện nay, sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội đã giúp gắn kết con người dễ dàng hơn nhưng vẫn không thể so sánh với cơ hội để sinh viên Nga được thực tập trực tiếp tiếng Việt tại Việt Nam. Trong quá trình học, sinh viên luôn bày tỏ tình yêu với Việt Nam, sự thú vị của văn hóa, bản sắc và con người Việt Nam”, cô Svetlana Glazunova bày tỏ mong muốn.

Cô Hằng kể về những kỷ niệm và tình yêu đặc biệt của cô với Việt Nam.

Lan tỏa tiếng Việt trên nước Nga

Cô Svetlana Glazunova luôn tâm niệm sử dụng tiếng Việt thành thạo là cơ hội giúp học trò hiểu hơn về Việt Nam. Do đó, trong mỗi giờ học ngoài học phát âm, ngữ pháp tiếng Việt, sinh viên MGIMO còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán của Việt Nam.

Ví dụ như khi học đại từ nhân xưng, cô Svetlana Glazunova sẽ giới thiệu thêm về phong tục thờ cúng tổ tiên, vai trò của gia đình và Nho giáo trong văn hoá Việt Nam. Hay khi học phát âm, sinh viên được học thêm về giọng vùng miền Bắc-Trung-Nam.

“Đối với sinh viên năm 4, tôi luôn cố gắng dành nhiều thời gian cho sinh viên đọc và dịch bài báo về Việt Nam hiện đại, như “Văn hoá giao tiếp trong kinh doanh của 3 miền Việt Nam”. Điều này không chỉ giúp sinh viên luyện được khả năng dịch thuật mà còn giúp sinh viên hiểu hơn về Việt Nam ở quá khứ cũng như hiện tại”, cô Svetlana Glazunova nói.

Những câu chuyện cha đã từng kể về Việt Nam cũng được cô Svetlana Glazunova đưa vào trong các tiết học. Giảng viên người Nga luôn tâm niệm tình cảm của cô và cha đối với đất nước, con người Việt Nam chính là mạch nguồn cảm xúc khơi dậy tình yêu tiếng Việt trong lòng sinh viên.

Ngoài giảng dạy tiếng Việt, văn hóa, lịch sử con người Việt Nam, nữ giáo viên Nga còn tranh thủ thời gian truyền tải đến sinh viên kinh nghiệm du lịch, giao tiếp khi đến Việt Nam. Cô luôn mong muốn sinh viên của mình hiểu về Việt Nam từ những chi tiết nhỏ bé nhất.

Sinh viên của cô Svetlana Glazunova luôn bày tỏ sự thích thú khi học tiếng Việt.

Cô Svetlana Glazunova cũng thường xuyên phối hợp với nhiều thầy cô giáo khác tổ chức các buổi hoạt động ngoại khóa giao lưu tiếng Việt giữa sinh viên Nga và Việt Nam. Những hoạt động này đã và đang mang lại nhiều kết quả tích cực, thu hút số lượng lớn thành viên tham gia.

Đặc biệt, cuộc thi dịch thuật tiếng Việt toàn Nga đã trở thành “sân chơi” khám phá tri thức bổ ích dành cho sinh viên Nga đang nghiên cứu tiếng Việt. Cuộc thi không chỉ đòi hỏi sinh viên thông thạo tiếng Việt mà còn phải am hiểu sâu về chính trị, xã hội, đời sống, văn hóa Việt Nam.

“Đây là cuộc thi đòi hỏi kiến thức rộng, tư duy nhanh nhạy và kỹ năng dịch thuật tốt. Trong 40 giây, các nhà Việt Nam học tương lai sẽ phải chuyển ngữ từ tiếng Nga mẹ đẻ sang tiếng Việt và ngược lại thông tin về chuyến thăm chính thức cấp nhà nước, thực trạng nền kinh tế Nga hay vai trò của ASEAN”, cô Svetlana Glazunova thông tin.

Ngoài ra, cô Svetlana Glazunova cùng các giảng viên cấp cao khác đã tổ chức thành công Câu lạc bộ Đàm thoại Tiếng Việt, thu về nhiều kết quả tích cực. Câu lạc bộ không chỉ có sự tham gia của sinh viên MGIMO mà còn có cả sinh viên học tiếng Việt tại ISAA, MSLU, VUMO, Học viện Ngoại giao Bộ Ngoại giao Nga, VAVT.

“Câu lạc bộ là nơi để rèn luyện kỹ năng, thực hiện các cuộc thảo luận bằng tiếng Việt. Sau khi kết thúc buổi họp, thời gian được phân bổ để trao đổi tự do giữa các sinh viên. Nhờ đó, sinh viên Nga có cơ hội hiểu rõ về ngôn ngữ, văn hóa của người Việt hơn”, cô Hằng cho biết.

Hầu hết các sinh viên do cô Svetlana Glazunova giảng dạy sau khi tốt nghiệp đều làm việc trong những lĩnh vực liên quan đến ngành học. Trong đó, đa số sinh viên sau khi tốt nghiệp đều chọn Việt Nam là nơi làm việc và phát triển sự nghiệp của riêng mình. Cũng có một số sinh viên chọn học nghiên cứu sinh ngành Việt Nam học tại các trường đại học Việt Nam thay vì quay trở lại Nga.

Ngoài việc giảng dạy bộ môn tiếng Việt cho sinh viên tại Đại học Quan hệ quốc tế Moskva, cô Svetlana Glazunova còn giảng dạy tại nhà một số sinh viên thuộc các trường đại học khác có mong muốn học thêm tiếng Việt. 

Mang sách về Bác đến với người Nga

Song song với hoạt động giảng dạy tiếng Việt tại MGIMO, cô Svetlana Glazunova còn tham gia hoạt động biên dịch và phiên dịch. Hiện tại, cô đã biên dịch thành công cuốn hồi ký “Bác Hồ viết di chúc” của tác giả Vũ Kỳ và cuốn “Hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Liên Xô (1923-1938)”, chủ biên PGS, TS. Nguyễn Thị Kim Dung thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sang tiếng Nga.

Đặc biệt, cuốn hồi ký “Bác Hồ viết di chúc” được ra mắt ở Nga đúng năm chéo hữu nghị Việt Nam - Liên bang Nga. Đối với cô Svetlana Glazunova, đây là vinh dự lớn lao khi được tiếp nối con đường dịch sách cha mình.

“Tôi luôn tâm niệm rằng muốn hiểu về tâm hồn Việt Nam thì trước tiên phải tìm hiểu về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hy vọng với bản dịch tiếng Nga tôi có thể giúp bạn đọc Nga hiểu thêm về Bác Hồ, về lịch sử, văn hoá và con người Việt Nam”, cô Svetlana Glazunova chia sẻ.

Để dịch được một tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài không chỉ đơn thuần là thông thạo ngôn ngữ mà còn cần tới sự hiểu biết về đất nước, văn hoá và tình cảm dành cho Việt Nam.

Đồng thời, để có được bản dịch chính xác, đòi hỏi dịch giả phải thường xuyên tra cứu, tìm hiểu về những sự kiện đã diễn ra, gắn với nhiều tên nhân vật nước ngoài, địa danh lịch sử.

Cô Svetlana Glazunova đã dành rất nhiều thời gian để đọc tài liệu, tìm hiểu thông tin từ Internet trong quá trình dịch hai cuốn sách nêu trên. Việc cha mình từng tham gia biên dịch một cuốn sách khác về Việt Nam trước đó cũng giúp cho cô giáo người Nga rất nhiều.

“Khi dịch một cuốn sách lịch sử của Việt Nam ra tiếng Nga yêu cầu người dịch phải biết đúng tên của nhân vật hoặc chức vụ. Tôi đã phải đọc và mất rất nhiều thời gian tìm hiểu từ internet, các tài liệu khác nhau. Nhưng may mắn, trước đây cha tôi từng biên dịch cuốn “Khi người Việt Nam đầu tiên vào Điện Kremlin” nên đã giúp tôi rất nhiều trong quá trình biên dịch”, cô Hằng cho hay.

Ngoài ra, để dịch được một tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, không chỉ cần hiểu biết về đất nước, văn hoá mà còn cần tới tình cảm sâu sắc, gắn bó với Việt Nam. Điều hiếm người nước ngoài nào có thể làm được trong thời gian qua.

Năm 2019, cô Svetlana Glazunova quay trở lại Việt Nam công tác và chụp hình kỷ niệm cùng tượng Bác Hồ.

Không chỉ dịch sách về Bác Hồ, trong các giờ dạy học trên lớp cô Svetlana Glazunova thường xuyên yêu cầu sinh viên tự nghiên cứu và đọc thêm tài liệu về Người, đặc biệt là tư tưởng, đường lối đối ngoại.

“Việc tìm hiểu tìm hiểu các cuộc đấu tranh giải phóng đất nước Việt Nam khỏi ách thực dân, đế quốc, giải phóng miền Nam, quá trình thống nhất đất nước và thông tin về Bác Hồ - vị lãnh tụ vĩ đại của Việt Nam sẽ giúp cho sinh viên hiểu hơn về nơi làm việc trong tương lai. Vì tôi rất muốn sinh viên của mình có cơ hội đến Việt Nam thực tập và làm việc”, cô Hằng nhấn mạnh.

Thời gian tới, cô Hằng mong muốn có thể mở rộng chương trình giảng dạy tiếng Việt tại MGIMO. Vì kiến thức về văn học, văn hóa Việt Nam rất cần thiết đối với sinh viên Nga theo học tiếng Việt, nhưng điều này tại MGIMO chưa đáp ứng đủ.

Kông Anh

Tin mới