Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Gian nan hành trình của những thầy cô ngày ngày 'gieo chữ' trên non cao

(VTC News) -

Đường đến với các điểm trường vùng cao như Hà Giang hay Nghệ An đều có địa hình cách trở, dân cư sinh sống thưa thớt cùng điều kiện sống vô cùng khó khăn thiếu thốn.

Tuy nhiên, có những thầy cô giáo tuổi đời còn rất trẻ vẫn tình nguyện vượt rừng, vượt suối đến đây để gieo chữ trên các bản làng.

Hành trình gieo chữ trên non cao

Di chuyển từ Huyện Yên Minh, Hà Giang đến xã Ngọc Long mất 40km, nhưng để đến được điểm trường Bản Dày phải đi đường đất thêm 15km nữa. Mất hơn 2 tiếng đồng hồ theo chân các giáo viên cắm bản chúng tôi mới đặt chân tới điểm lẻ của trường Tiểu học Ngọc Long – điểm trường Bản Dày. Đây là một trong những điểm trường khó khăn nhất của Huyện Yên Minh với 4 thầy giáo cắm bản.

Điểm trường của gần 100 em học sinh tại Bản Dày chỉ là một dãy lớp học lắp ghép nhỏ đã xuống cấp. Không có điện để thắp sáng, mỗi lần cần đọc sách, các thầy lại phải chạy ra cửa lớp để lấy ánh sáng mặt trời. Thiếu thốn là vậy, nhưng nếu so với phòng lưu trú của các thầy giáo nơi đây thì lớp học này vẫn là “thiên đường”.

Vì điều kiện đi lại khó khăn, 4 thầy giáo “cắm bản” sẽ phải ở lại điểm trường từ thứ 2 đến thứ 6 trong một căn nhà tồi tàn tưởng như sắp sập. Tường nhà làm bằng đất đã mủn ra từng mảng với những vết nứt toang toác, nên các thầy phải mang báo, xin bạt từ dưới xuôi đóng tạm lên để hút ẩm và tránh bụi. Ngôi nhà thấp lụp xụp lợp bằng mái xi măng nên mùa nóng thì như thiêu như đốt, mùa lạnh thì rét đến run người.

Còn mùa mưa, các thầy chỉ còn nước dẹp hết đồ đạc chăn chiếu rồi nép vào cửa, phần vì nước chảy tong tỏng vào nhà từ mọi góc, phần vì lo nhà sập chạy không kịp. Đó cũng là những đêm không thể ngủ của 4 người thầy.

Chỗ ở của các thầy giáo tại điểm trường Bản Dày.

Tường nhà làm bằng đất đã mủn ra từng mảng với những vết nứt toang toác, nên các thầy phải mang báo, xin bạt từ dưới xuôi đóng tạm lên để hút ẩm và tránh bụi.

Soạn giáo án trong ánh đèn pin chập chờn, thầy Nguyễn Thế Kỳ chia sẻ: “Hàng ngày “cắm bản” vất vả thế này chúng tôi không thể tránh khỏi những giây phút yếu lòng nhưng vẫn phải kìm lòng mình và tự nói với bản thân phải cố gắng. Có một đêm mưa, gió thổi tung mái nhà, các anh em chỉ biết động viên nhau “sau cơn mưa, trời lại sáng’”.

Thầy Nguyễn Thế Kỳ soạn giáo án bên ánh đèn pin.

Cũng tại Hà Giang, nhưng ở điểm trường Thín Ngài (thuộc trường mầm non xã Thượng Phùng, Mèo Vạc, Hà Giang), cô giáo Hoàng Thị Giang lại hàng ngày phải cuốc bộ hàng chục cây số, băng rừng, lội suối để lên điểm trường chính lấy thực phẩm về nấu ăn cho các em học sinh.

Vào những ngày mưa to, đường đất sình lầy, sông suối nước lũ chảy xiết lại thêm nguy cơ đá lở nguy hiểm nhưng cô giáo với gùi thức ăn hàng chục cân trên vai vẫn đi bộ suốt 5 giờ đồng hồ để các con có được bữa ăn đủ chất.

Nhưng dù đi đường vất vả thế, những món thực phẩm tươi như thịt cũng chỉ bảo quản được tối đa 2 đến 3 ngày, cô Giang phải rất cố gắng mới có thể xoay xở, cân đối dinh dưỡng cho bữa ăn của các con.

Cô Hoàng Thị Giang phải băng rừng vượt suối hàng chục km để đi lấy thức ăn cho học sinh

Không khá hơn là bao, các thầy giáo ở điểm trường Tri Lễ 4, huyện Kỳ Phong tỉnh Nghệ An cũng đang phải gồng gánh với những khó khăn, áp lực để hết mình với việc “gieo chữ” nơi rẻo cao.

Điểm trường “2 không” Tri Lễ 4: Không điện, không nước sạch…

Các thầy giáo phải sử dụng đèn pin soạn giáo án.

Điểm trường không có nước sạch nên các thầy phải bắt ống dẫn nước từ núi về để làm nước sinh hoạt. Mùa lạnh thì còn đỡ, nhưng đến mùa hè nước lúc nào cũng đục ngầu vì lẫn cả bùn đất, phân trâu, phân bò trên thượng nguồn chảy xuống. Các thầy phải để thật lắng mới dám dùng nhưng cũng không thể đảm bảo vệ sinh. Điện cũng không có nên ánh sáng le lói của chiếc đèn pin bên những trang giáo án của các thầy đã trở thành biểu tượng của khát vọng thắp sáng con chữ nơi rẻo cao thiếu thốn đủ điều, là tinh thần vượt nghịch cảnh bám trường, bám lớp của thầy trò nơi đây.

Cùng các thầy cô thắp sáng ước mơ của học trò vùng cao

Khi học sinh cả nước đang hướng đến ngày tri ân thầy cô 20/11 với tưng bừng cờ hoa, thì trên non cao, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank cùng chương trình “Cặp lá yêu thương” của Đài Truyền hình Việt Nam cũng đã nhanh chóng đồng hành với các thầy cô thắp sáng ước mơ cho học trò vùng cao bằng những hành động thiết thực.

Đại diện VPBank tại điểm trường Bản Dày.

Với 700 triệu đồng tặng 3 điểm trường, VPBank đã hỗ trợ 15 chiếc tủ lạnh và dụng cụ bếp cho các điểm trường của mầm non Thượng Phùng; 200 triệu đồng lắp đặt điện năng lượng mặt trời, hệ thống dẫn, chứa nước… tại điểm trường Tri Lễ 4 và 300 triệu đồng để xây dựng lại nhà lưu trú trình tường cho các giáo viên tại điểm trường Bản Dày.

Thầy Hà Văn Bốn điểm trường Tri Lễ 4 đã không giấu được sự vui mừng: “Như vậy là từ giờ đã có thể yên tâm về nguồn nước để cho các em học sinh sử dụng”.

Còn cô Phan Thị Lệ Quyên, hiệu trưởng trường mầm non Thượng Phùng cho biết: “Những chiếc tủ lạnh tưởng như chỉ có trong bài giảng của các cô giờ đây đã trở thành hiện thực đến với các em học sinh. Như vậy những bữa ăn tới của các con sẽ được đảm bảo hơn, các cô giáo không cần đi lại nhiều để lấy thực phẩm, dành thời gian để công tác giảng dạy được hiệu quả hơn”.

Không nói quá khi gọi họ là những “chiến sĩ cầm bút, cầm phấn”, bởi nếu không yêu nghề, yêu trò thì khó trụ vững nơi khó khăn đã khiến bao người phải sờn lòng…” đại diện VPBank chia sẻ. “Mong rằng sự hỗ trợ của VPBank sẽ phần nào giảm bớt những khó khăn, mang lại thêm niềm vui và cảm hứng để các con tiếp tục bám trường, bám lớp, cùng thắp sáng ước mơ của các học trò vùng cao”.

Đại diện VPBank đi khảo sát cùng các thầy tại điểm trường Tri Lễ 4 về hệ thống dẫn nước trước khi lắp đặt

Với tổng ngân sách lên tới 6 tỷ đồng, chuỗi thiện nguyện "Cặp lá yêu thương, em vui đến trường" của ngân hàng VPBank phối hợp cùng VTV sẽ tiếp tục hỗ trợ các điểm trường vùng cao khó khăn trên cả nước, tập trung vào việc cải tạo, sửa sang, xây mới cơ sở vật chất, xây dựng Bếp ấm tuổi thơ và cải thiện bữa ăn cho các em học sinh. Những món quà này chính là lời tri ân sâu sắc và ý nghĩa gửi đến các thầy cô giáo vùng cao đang ngày đêm cống hiến cho hành trình “cõng chữ lên non”.

Bảo Anh

Tin mới