Sau gần 30 năm không sinh sản, 3 con voi nhà ở huyện Lắk (Đắk Lắk) lần lượt mang thai nhờ sự nỗ lực, hỗ trợ của các chuyên gia và sự đồng tình hưởng ứng của chủ voi. Tuy nhiên, niềm hy vọng về một thế hệ voi mới ra đời đã không trọn vẹn…
Hộp chờ voi đẻ
Hơn 2 năm qua, anh Y Jư Uông (ở buôn Cuôr, xã Yang Tao, huyện Lắk) vẫn chưa quên ngày buồn của gia đình khi voi cái Bắc On (40 tuổi) sinh con không thành. “Làm sao quên được hình ảnh voi con có 2 chiếc ngà mới nhú ra nằm bất động dưới đất, còn voi mẹ gầm khóc khi biết con đã chết. May có voi bảo mẫu động viên. Vài tháng sau, voi mẹ Bắc On mới nguôi ngoai nỗi đau mất con”, anh Y Jư nhớ lại.
Các chuyên gia siêu âm đánh giá tình trạng voi con. (Ảnh: P.Thịnh)
Bắc On là con voi cuối cùng mang thai và sinh con trong chương trình “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng (Elephas maximus) tại tỉnh Đắk Lắk” từ năm 2017 - 2020. Trước đó, 2 voi cái khác đã sinh nhưng voi con đều chết ngạt.
Do đó, cả chủ voi và những người làm công tác bảo tồn đặt hết niềm hy vọng cuối cùng vào Bắc On. Chủ voi cắt cử 4-5 người/nhóm thay phiên nhau ăn ngủ trong rừng theo dõi sức khỏe Bắc On. Còn Trung tâm Bảo tồn voi thành lập tổ bác sĩ thú y, có sự tham gia của ông Willem (bác sĩ thú y cao cấp ở Hà Lan). Vị chuyên gia này dùng thiết bị, máy siêu âm hỗ trợ can thiệp cho voi Bắc On sinh sản.
Từ ngày 27/1/2020, tổ thú y đã túc trực 24/24 giờ thực hiện xét nghiệm nội tiết tố (hormone), siêu âm, truyền dịch hỗ trợ voi Bắc On chuyển dạ. Đến trưa 2/2 năm đó, qua hình ảnh siêu âm, tổ thú y thấy voi con ra ngoài khung xương chậu nhưng sau đó lại thụt vào. Các thành viên trong tổ thú y tiến hành xoa bóp giúp tử cung tăng co bóp, đồng thời kéo voi con ra ngoài. Tuy nhiên, voi con đã bị chết dù các thành viên trong tổ tiến hành hô hấp nhân tạo. Mọi nỗ lực, hy vọng cứu voi con đã thất bại.
“Voi Bắc On là thành viên đặc biệt của gia đình. Lúc biết voi mang thai, tôi vui lắm, hồi hộp chờ suốt 2 năm đến ngày voi đẻ. Vậy mà…” Y Jư thở dài. Sau khi voi con chết, chủ voi tổ chức an táng theo phong tục truyền thống. Xác voi được đặt trên một tấm vải thổ cẩm và cũng được xây mộ, dựng bia, chôn gần mồ mả ông bà trong gia đình.
Gia đình anh Y Yoni Bhôk (xã Yang Tao, huyện Lắk) cũng mang nỗi buồn khi voi Bặc Khăm không được mẹ tròn con vuông. “Sáng 31/1/2019, tôi đi chặt cỏ cho voi thì nhận tin Bặc Khăm có dấu hiệu chuyển dạ. Tôi tức tốc chạy về, Bặc Khăm cùng voi bảo mẫu dẫn nhau vào bụi rậm. Ông bà tôi dặn, lúc voi đẻ, nó không muốn ai nhìn thấy. Tôi hồi hộp đứng xa quan sát tầm khoảng 20 phút thì nghe Bặc Khăm gầm lên. Chúng tôi chạy vào đã thấy voi mẹ dùng chân đạp nhưng voi con không cử động. Nhìn voi mẹ gầm khóc, nước mắt giàn giụa, tôi buồn lắm”, Y Yoni nhớ lại.
Tìm bạn tình cho voi
Việc 3 cá thể voi nhà mang thai nhưng sinh con ra đều bị chết ngạt đã đặt dấu hỏi lớn về năng lực của Trung tâm bảo tồn Voi. Đại diện trung tâm cho hay, việc cho voi nhà mang thai và sinh con đã là thành công bước đầu, bởi trước đó voi nhà ở tuổi sinh sản nhưng chưa một lần sinh con. Quá trình hỗ trợ cho voi ghép đôi, mang thai và sinh con đã giúp trung tâm hoàn thiện quy trình sinh sản, mở ra hy vọng bảo tồn voi nhà.
Thời gian thực hiện đề tài hỗ trợ voi nhà sinh sản đã kết thúc cách đây gần 2 năm nhưng đến nay, Đắk Lắk vẫn chưa có chương trình tương tự kế tiếp. Ông Trần Xuân Phước - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Voi khẳng định, việc cho voi ghép đôi sinh sản sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
Kinh phí hỗ trợ voi nhà sinh sản trong Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh Đắk Lắk được thông qua vào tháng 12/2021. Nghị quyết 11 đã bổ sung, sửa đổi một số quy định trong Nghị quyết 78/2012 về công tác bảo tồn voi. Cụ thể, trong quá trình voi gặp gỡ, động dục, chủ voi cái được hỗ trợ 500.000 đồng/ngày, chủ voi đực 600.000 đồng/ngày, nài voi 200.000 đồng/ngày trong vòng 29 tháng đối với nài voi cái và 30 ngày đối với nài voi đực. Quá trình voi mang thai, sinh sản, chủ voi sẽ nhận trên 400 triệu đồng…
Trung tâm Bảo tồn Voi cho biết, trung tâm đang hoàn tất phương án báo cáo để xin chủ trương thực hiện. Trong lúc chờ các chương trình hành động, hỗ trợ của chính quyền, một số chủ voi vẫn duy trì việc lấy mẫu máu xét nghiệm hormone sinh sản, canh thời gian rụng trứng để tiến hành ghép đôi cho voi.
Anh Y Thăn Bdap (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) - nài voi Ban Nang (voi sinh con đầu tiên trong chương trình Nghiên cứu khả năng sinh sản trên voi thuần dưỡng tỉnh Đắk Lắk vào năm 2017) cho biết, anh vẫn nuôi hy vọng Ban Nang lại mang thai. Cứ đến tháng 12 hằng năm, anh lại cho voi vào rừng tìm bạn tình. Tuy nhiên, gia đình anh không đủ điều kiện thuê voi đực cả tháng để ghép đôi khi voi cái đến “mùa yêu”.
Hỗ trợ đẩy voi con ra ngoài. (Ảnh: P.Thịnh)
“Tôi sốt ruột lắm. Càng qua ngày, voi cái càng già đi cũng đồng nghĩa cơ hội mang thai giảm dần. Nếu chính quyền không quyết liệt hành động, hỗ trợ thì bao nhiêu nỗ lực cho voi sinh sản trước đó đều bỏ hết. Gia đình tôi luôn sẵn sàng để voi Ban Nang tiếp tục ghép đôi, tìm kiếm cơ hội sinh sản”, anh Y Thăn trải lòng.
Nài voi Y Vinh Êung (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) cho hay, gia đình có truyền thống nuôi voi lâu đời. Bản thân anh luôn xem voi là thành viên trong gia đình nên rất mong muốn làm việc gì đó hỗ trợ bảo tồn đàn voi nhà. Trước đó, chứng kiến một nữ thực tập sinh người ngoại quốc ở bên kia bán cầu lặn lội đến buôn làng hỗ trợ chăm sóc voi, anh rất cảm kích.
Từ đấy, anh tình nguyện nhận nhiệm vụ lấy mẫu máu của các con voi cái trong vùng cho Trung tâm Bảo tồn Voi thực hiện xét nghiệm hormone, xác định thời gian rụng trứng để ghép đôi sinh sản; vận động các chủ voi tham gia chương trình cho voi nhà sinh sản.
“Nhiều năm về trước, các chủ voi ở huyện Lắk đã kiến nghị chính quyền quy hoạch khu chăn thả cho đàn voi khi nhận thấy môi trường sinh sống của chúng ngày càng bị thu hẹp. Voi cũng cần có không gian riêng để tìm hiểu, ghép bạn và một khu chăn thả đủ rộng là điều kiện tiên quyết. Tuy nhiên kiến nghị trên của chủ voi đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Nếu không hành động nhanh, cơ hội sinh sản của đàn voi nhà sẽ không còn” Nài voi Y Vinh nói.