Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Giảm trừ gia cảnh nâng lên 11 triệu, lương bao nhiêu phải đóng thuế?

Ở mức giảm trừ mới, các mốc thu nhập chưa phải nộp thuế là 11 triệu (0 người phụ thuộc); 15,4 triệu (một người phụ thuộc) và 19,8 triệu (2 người phụ thuộc).

Sở hữu công việc với mức thu nhập ổn định từ khi ra trường, anh Trần Đức (26 tuổi) - nhân viên một công ty công nghệ lớn tại TP.HCM - cho biết lương hàng tháng của anh hiện dao động từ 18 cho tới 20 triệu đồng. Với mức lương này, đều đặn mỗi tháng anh phải trích 650.000 đồng đến 900.000 đồng để nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN).

Mức thuế hàng tháng phải đóng đều tương đương 3-4% thu nhập của tôi. Tháng nào thu nhập cao thì số tiền phải đóng lại càng lớn”, anh chia sẻ.

Tuy nhiên, số thuế TNCN anh Đức phải đóng mỗi tháng sẽ giảm trong thời gian tới khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chấp thuận nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người lao động lên 11 triệu đồng và 4,4 triệu đồng cho mỗi người phụ thuộc, áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.

Nuôi 2 con nhỏ, lương dưới 19,8 triệu không phải nộp thuế

Với việc không có người phụ thuộc, hàng tháng thu nhập chịu thuế của anh Đức đều dao động từ 9 cho tới 11 triệu (được giảm trừ bản thân 9 triệu đồng). Khi mức giảm trừ bản thân được nâng lên 11 triệu, mức thu nhập chịu thuế của Đức sẽ giảm xuống còn 7-9 triệu đồng (thuộc bậc tính thuế 1 và 2).

Theo biểu thuế TNCN, mức thuế hàng tháng anh phải nộp theo cách tính mới sẽ dao động trong khoảng 450.000-650.000 đồng/tháng, tương đương 2-3% thu nhập hàng tháng và giảm hơn 30% so với số tiền phải nộp hiện nay.

Cũng sở hữu mức thu nhập tương tự, nhưng chị Lan Anh (28 tuổi, TP.HCM) thậm chí sẽ không phải đóng bất kỳ khoản thuế TNCN nào theo cách tính mới. Nguyên nhân vì ngoài việc được nâng giảm trừ bản thân lên 11 triệu đồng, chị còn đang nuôi 2 con nhỏ và được nâng mức giảm trừ người phụ thuộc từ 3,6 triệu lên 4,4 triệu đồng.

7 bậc tính thuế TNCN hiện nay:

Bậc Thu nhập tính thuế/tháng (Triệu đồng)

Thuế suất (%)

1     Đến 5 5%
2  Trên 5 đến 10 10%
3 Trên 10 đến 18 15%
4 Trên 18 đến 32 20%
5 Trên 32 đến 52 25%
6 Trên 52 đến 80 30%
7 Trên 80 35%

Tổng cộng, mức thu nhập không phải chịu thuế của chị Lan Anh theo cách tính mới sẽ là 19,8 triệu đồng. Với mức thu nhập 18-20 triệu/tháng, phần thu nhập phải tính thuế cao nhất của chị chỉ là 200.000 đồng (chịu thuế bậc 1), tương đương số tiền thuế phải nộp là 10.000 đồng/tháng.

Không riêng chị Lan Anh, với hiện trang thu nhập của người lao động Việt Nam hiện nay, sẽ có khoảng 1 triệu người thuộc diện không phải nộp thuế TNCN theo mức giảm trừ mới.

Cùng với đó, mọi đối tượng nộp thuế sẽ được giảm một phần tiền, trong đó, nhóm bậc thuế thấp sẽ được giảm với tỷ lệ cao hơn so với những người nộp thuế ở bậc cao.

Hiện tại, người lương 9 triệu/tháng (không có người phụ thuộc) chưa phải đóng thuế, tương tự người có thu nhập 12,6 triệu (1 người phụ thuộc) và 16,2 triệu (2 người phụ thuộc) cũng không thuộc diện tính thuế TNCN.

Với mức giảm trừ mới, các mốc lương chưa phải nộp thuế sẽ là dưới 11 triệu (0 người phụ thuộc); 15,4 triệu (1 người phụ thuộc); và 19,8 triệu (2 người phụ thuộc).

Mốc lương phải tính thuế theo các mức giảm trừ:

Đối tượng Hiện tại (triệu/tháng) Cách tính mới (triệu/tháng) Thay đổi
0 người phụ thuộc Trên 9 Trên 11 22%
1 người phụ thuộc Trên 12,6 Trên 15,4 22%
2 người phụ thuộc Trên 16,2 Trên 19,8 22%

Chưa áp dụng đã lỗi thời?

Việc nâng giảm trừ gia cảnh lên 11 triệu và người phụ thuộc lên 4,4 triệu, tương đương với đề xuất trước đó từ Bộ Tài chính. Theo đó, con số tăng nói trên được cơ quan soạn thảo tính toán bằng cách nhân mức giảm trừ hiện tại với mức tăng CPI từ tháng 7/2013 đến cuối năm 2019 là 20%.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng mức giảm trừ này chưa áp dụng đã lỗi thời. Cụ thể, LS Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật BASICO cho rằng, đặt con số lạm phát trên 20% mới điều chỉnh giảm trừ là quá cao so với thực tế tại Việt Nam.

Vị luật sư nêu lý do nếu trong 1-2 năm chỉ số CPI đã vượt mức này thì người lao động sẽ được điều chỉnh ngay và không có vấn đề gì. Nhưng nếu xảy ra trường hợp lạm phát đã tăng 19%, nhưng không vượt trong nhiều năm thì người nộp thuế sẽ bị thiệt trong suốt quãng thời gian này.

TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng Khoa Tài Chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng nếu tính đúng, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu hiện nay phải là 14 triệu và mức miễn trừ người phụ thuộc là 6 triệu/người.

Mức giảm trừ bản thân và người phụ thuộc mới sẽ được áp dụng từ kỳ tính thuế 2020. (Ảnh: Hoàng Hà)

 

Theo ông Bảo, cách tính giảm trừ theo CPI là lấy giá trị của một hàng hoá điều chỉnh theo CPI để quy về trạng thái ngang giá của tài sản cơ sở ở quá khứ và hiện tại. Dễ hiểu hơn, một bữa cơm của gia đình 4 người vào năm 2013 có giá 100.000 đồng thì với cách tính trên năm 2019 là 123.000 đồng và thành phần, số lượng cũng như chất lượng bữa ăn không thay đổi.

Với cách tiếp cận này, lẽ nào sau gần 10 năm, chất lượng cuộc sống của người dân vẫn dẫm chân tại chỗ, không thêm được tí rau tí thịt nào”, ông Bảo nhấn mạnh.

Theo chuyên gia này, cách hợp lý nhất là dùng tốc độ tăng trưởng GDP để đo tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người. Vì đây là “ngưỡng thu nhập chịu thuế” nên phải điều chỉnh bằng tốc độ tăng thu nhập, chứ không phải “tốc độ tăng CPI”.

Như vậy, ước tính rằng tăng trưởng kinh tế bình quân là 6,5%/năm trong giai đoạn 2013-2019, để luật thuế có hiệu lực trong năm 2020 mức tăng trưởng thu nhập tích lũy là hơn 55%.

Vì vậy, ngưỡng thu nhập chịu thuế tối thiểu phải là 14 triệu, tương tự mức miễn trừ với người phụ thuộc phải là 6 triệu/người. Nghĩa là một người có thu nhập bình quân 20 triệu/tháng và nuôi một người phụ thuộc thì không phải đóng thuế TNCN”, ông Bảo nhấn mạnh.

Nguồn: Zing News

Tin mới