Sáng 8/12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM bước sang ngày làm việc thứ 2 với phiên chất vấn Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Chất vấn Giám đốc Sở Y tế, đại biểu Phạm Văn Rậm cho hay, theo báo cáo, số lượng nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc gần đây đáng lo ngại. “Trước tình hình dịch bệnh dù kiểm soát được nhưng còn phức tạp, Sở Y tế thành phố có tham mưu chính sách gì để thu hút nhân lực y tế cơ sở tiếp tục công tác”, đại biểu Rậm đặt câu hỏi.
Toàn cảnh kỳ họp HĐND TP.HCM lần thứ 4. (Ảnh: Zing)
Tiếp đó, đại biểu Tăng Hữu Phong nêu nhận định, thời gian qua đội ngũ y tế chống chịu ở mức cao nhất, sắp tới sẽ còn chống chịu nữa, nhất là đối mặt với việc nhiều nhân viên nghỉ việc.
Đại biểu Phong dẫn chứng Thông tư 08 liên tịch giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định trạm y tế chỉ có 5 người, với trạm y tế phường và thị trấn trên 8.000 dân thì cứ tăng 2.000 - 3.000 dân sẽ thêm 1 biên chế, tổng không quá 10 biên chế. Như vậy, một trạm y tế có 18.000 dân trở lên sẽ có 10 người.
“Thành phố cần nhiều nhân lực y tế nữa ở phường, xã để vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia. Lượng nhân viên y tế trên địa bàn còn đủ để tuyển dụng không hay tuyển dụng ở tỉnh, thành bạn, khi nào thực hiện và kinh phí ra sao?”, đại biểu Phong đặt câu hỏi và cho biết tỉ lệ nhân viên y tế trên 1 vạn dân ở TP.HCM chỉ đạt 2,31%; trong khi cả nước là 7.42%, Hà Nội là 6,06%.
Trả lời các câu hỏi chất vấn, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng khẳng định, bài học về củng cố, kiện toàn và nâng cao hiệu quả hoạt động y tế cơ sở và y tế dự phòng cho TP là việc mà ngành y tế đang đeo đuổi.
Do đó, ngành y tế xây dựng đề án, đề xuất cơ chế chính sách nâng cao năng lực y tế. Cụ thể là chính sách giữ chân nhân viên y tế, để nhân viên y tế yên tâm công tác.
"Nhân viên y tế nghỉ việc dùng từ kiệt sức cũng không sai, hơn 8 tháng họ không được nghỉ ngơi với mức thu nhập quá thấp", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói.
Theo ông Thượng, ngành y tế đã xây dựng đề án trình UBND TP đề xuất cơ chế chính sách nâng cao năng lực y tế cơ sở với 3 giải pháp lớn.
Cụ thể, về giữ chân nhân viên y tế an tâm công tác, ngành y tế kiến nghị chính sách trước mắt hỗ trợ về lương. Bác sĩ nhận thêm khoản bằng 1,5 lần lương tối thiểu vùng, còn điều dưỡng nhận thêm 1 lần lương tối thiểu vùng. Trước đây, TP.HCM đã có hỗ trợ cho nhân viên y tế cơ sở nhưng khá thấp, từ 400.000 - 1 triệu đồng/tháng.
Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng.
Về chính sách thu hút nhân viên y tế đến các trạm, ông Thượng cho biết Sở Y tế đã làm việc với các trường đại học, đặc biệt là Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch về cơ chế mới để thu hút bác sĩ mới tốt nghiệp. Hiện theo quy định, bác sĩ mới tốt nghiệp phải về bệnh viện thực hành 18 tháng mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Nay ngành y tế kiến nghị bác sĩ mới tốt nghiệp về trạm y tế thực hành 12 tháng, 6 tháng ở bệnh viện. Điều này có lợi cho cả 2 phía.
“Việc này rất có lợi cho cả hai phía, một là bác sĩ về cơ sở để gần dân, hiểu dân, sau này công tác ở đâu cũng thuận lợi hơn, hai là mỗi năm ước tính ít nhất 500 bác sĩ về trạm y tế vừa thực hành vừa lấy chứng chỉ”, ông Thượng nói và cho biết có kiến nghị thành phố hỗ trợ một phần chi phí sinh hoạt trong thời gian xuống cơ sở, tương ứng 6 triệu đồng/ tháng.
Ông Thượng mong Quốc hội xem xét điều chỉnh lại, phân biên chế trạm không theo địa giới hành chính mà theo quy mô dân số. Lý tưởng nhất là 1 vạn dân sẽ có một trạm y tế hoặc tăng gấp đôi số hiện hữu, tối thiểu 10 nhân viên và tối đa 20 nhân viên.
Theo ông Thượng, đối với các trạm y tế, ngoài lực lượng bác sĩ, các trạm này rất cần thêm hộ lý, bảo vệ, nhân lực khác… Ngoài ra, lực lượng nhân viên y tế công cộng cũng rất cần thiết.