Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Chưa bao giờ người thầy có nhiều tâm tư như bây giờ

(VTC News) -

Theo ông Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, thách thức lớn nhất của giáo dục là niềm tin của xã hội và chưa bao giờ người thầy có nhiều tâm tư như bây giờ.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 do Bộ GD&ĐT tổ chức chiều 18/8, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nêu lên những thách thức ngành giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng đang gặp phải trong bối cảnh hiện nay.

Ông Quân cho rằng: "Thách thức lớn nhất về niềm tin của xã hội đối với giáo dục. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ".

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM phát biểu chiều 18/8.

Ngoài ra, các thách thức khác cũng được ông nêu lên như: nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ chưa thúc đẩy tự chủ đại học.

Mặt khác tình trạng mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.

Theo ông, những thách thức trên phần nào tác động đến tiến trình thực hiện tụ chủ ở các trường đại học hiện nay. Để giải quyết những thách thức trên, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM nêu 3 kiến nghị.

Thứ nhất, tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.

Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng.

Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.

Thứ hai, về chính sách tín dụng cho sinh viên vay. Ông Vũ Hải Quân đề xuất một số số giải pháp cụ thể như: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay.

Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Thứ ba, tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu. Giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Việc này giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu".

Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Khoa học xã hội, nhóm ngành Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông-Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng từng đánh giá, năm học 2022 - 2023 vấn đề tự chủ giáo dục đại học đã từng bước đi vào thực chất, gắn với thực hiện trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch thông tin theo quy định.

Bộ GD&ĐT đang đánh giá đúng hệ thống quản trị nhà trường được ưu tiên kiện toàn, hoàn thiện, đồng thời công tác tuyển sinh giáo dục đại học cơ bản giữ ổn định qua các năm, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tiếp tục được đẩy mạnh.

Hà Cường - Khánh Sơn

Tin mới