Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giám đốc BV Lê Văn Thịnh: ‘Mong có thêm nhiều sức khỏe để chăm sóc người dân’

(VTC News) -

“Chỉ mong muốn đơn vị có thêm nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị, con người, chúng tôi có nhiều sức khỏe để chăm sóc người dân”, BS Khanh nói.

Nhân kỷ niệm 67 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) có những chia sẻ với VTC News về nghề, về cuộc chiến chống dịch COVID-19 vừa qua.

BS Khanh hỏi thăm sức khỏe bệnh nhân. (Ảnh: BVCC)

- Thưa BS, ngày 27/2 năm nay với BS có gì khác trong bối cảnh thành phố vừa trải qua “cơn bão” COVID-19? 

Đối với tôi dịp Kỷ niệm 67 năm Ngày thầy thuốc Việt Nam năm nay khác hơn các năm khác. Thường niên, đơn vị sẽ tổ chức họp mặt đẩy đủ các nhân viên y tế, nhưng mà năm nay thì không. Bởi một số y bác sĩ phải ở bệnh viện điều trị các bệnh nhân thông thường, một số anh em (kể cả lãnh đạo, quản lý) phải trực gác ở các bệnh viện thu dung điều trị COVID-19.

Trong ngày lễ đặc biệt của người thầy thuốc, nhưng niềm vui không trọn vẹn, khi hiện nay người dân đến khám bệnh tại Bệnh viện, các bệnh lý nền còn rất nhiều, hơn nữa một số khoa, nhất là khoa bệnh nặng đang quá tải; chưa kể các ca F0 trở nặng, các ca F0 cách ly tại nhà cho nên ngành y tế nói chung, trong đó có Bệnh viện Lê Văn Thịnh luôn túc trực, sẵn sàng để tiếp nhận, điều trị, theo dõi và chăm sóc các bệnh nhân này. Do đó, mặc dù ngày vui, nhưng luôn trong tâm thế sẵn sàng phục vụ người dân, không thể họp mặt.

Đáng lẽ ra anh em có một ngày để nghỉ nhưng do dịch bệnh kéo dài, với trách nhiệm và tinh thần của người thầy thuốc, lúc nào cũng canh cánh bên lòng nhiều người bị nhiễm bệnh, nhiều F0 trở nặng vẫn còn đó thì anh em vẫn phải tập trung công việc.

Dù vậy, các y bác sĩ không lấy đó là chuyện buồn phiền. Bởi đã gắn bó với nghề rồi dù có gian nan, cực khổ tới đâu thì các y bác sĩ luôn sẵn sàng, miễn sao người dân được bảo vệ sức khỏe tốt nhất. 

- Trải qua cuộc chiến chống COVID-19 vừa qua, thời điểm khó khăn làm BS nhớ nhất? Bệnh viện đã vượt qua như thế nào?

Trong giai đoạn cao điểm, "chống dịch như chống giặc", nhưng giặc mình biết từ đâu đến, còn chống dịch COVID-19, có tính bất ngờ “không biết từ đâu đến”, có thể xung quanh, không thể lường trước được.

Tôi nhớ thời điểm dịch bùng phát mạnh tại thành phố, chỉ trong 24 giờ đồng hồ, chúng tôi phải vận hành một bệnh viện dã chiến quy mô 3.000 giường. Lúc đó phải tập trung nguồn lực: nhân viên y tế, hậu cần, thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc, các quy trình chuyên môn, quy trình tiếp nhận và điều trị,..

Với một khối lượng công việc khổng lồ như vậy trong thời gian ngắn tường chừng như bất khả thi, chỉ có bằng sự quyết tâm, bằng sự nỗ lực, sự hy sinh tất cả vì người bệnh thì mới có thể làm được. Và cuối cùng, bằng tất cả tinh thần đó, chúng tôi đã làm được. Sau khi vận hành hơn 1 tuần, bệnh viện đã đi vào nề nếp. Trong hơn 10 ngày, chúng tôi đã tiếp nhận và chăm sóc cả về bệnh lý lẫn tâm lý cho hàng trăm bệnh nhân COVID-19. Đó là nỗ lực của cả bệnh viện.

Có một hình ảnh cũng khiến tôi nhớ mãi. Đó là, chúng tôi tập trung 50% lực lượng của bệnh viện đi chống dịch, tham gia khu điều trị tiếp nhận bệnh nhân, đi lấy mẫu cộng đồng cùng với ngành y tế TP Thủ Đức, trong đó có lấy mẫu ở chợ đầu mối, các khu chung cư có các ca F0.

Có lần lấy 2.000 mẫu, trong thời gian ngắn, anh em làm xuyên đêm, làm sao để nhanh chóng truy vết, chặn đứng nguồn lây ở chợ đầu mối.

Làm việc vất vả, công việc cường độ cao, kéo dài, có một nhân viên y tế đã ngất xỉu, sau khi khỏe lại nhân viên này lại tiếp tục công việc. Dù bệnh viện có cho nghỉ mấy ngày để dưỡng sức, nhưng em không nghỉ mà vẫn làm việc vì dịch thời điểm đó rất căng thẳng. “Mọi người đang cần em, em không sao” - câu nói của nhân viên y tế, là hình ảnh khiến tôi khó phai, nhớ mãi trong cuộc đời làm y của mình.

Đó là kỷ niệm của một nữ "chiến sĩ" chưa đầy 25 tuổi, nhưng tinh thần rất quyết tâm, trách nhiệm với công việc. Chính vì vậy khơi gợi lên tinh thần của các y bác sĩ khác ở thời điểm đó.

Bệnh nhân điều trị tại BV Lê Văn Thịnh. (Ảnh: BVCC)

- Một câu chuyện của bệnh nhân khiến BS xúc động trong những ngày cùng tập thể Bệnh viện chống dịch?  

Ở Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 số 3, khi tiếp nhận bệnh nhân, có một gia đình 3 thế hệ gồm ông bà nội, cha mẹ, con cháu, cả 8 người mắc COVID-19, trong đó 2 cụ (82 tuổi) nhập viện với tình trạng thở oxy.

Lúc đó, chưa tiêm vaccine, thuốc cũng chưa có đầy đủ như bây giờ và kinh nghiệm điều trị của y bác sĩ cũng chưa nhiều, nhưng các y bác sĩ đã tận tình cứu chữa. Điều trị hơn nửa tháng, 8 người trong gia đình đó đã khỏe mạnh xuất viện, về cách ly tại nhà.

Khi đó, các y bác sĩ đã vỡ òa sung sướng. Chúng tôi nghẹn ngào chứng kiến họ ra về, mừng cho gia đình đó, đồng thời cũng mừng cho sự tập trung, tận tụy của cả tập thể chiến sĩ áo trắng, đội tình nguyện, dân quân tự vệ, hậu cần... Họ đã chiến đấu mạnh mẽ, tất cả vì người bệnh.

Rồi đợt xuất viện đầu tiên là là 49 người trên tổng số gần 2.300 F0. Điều đó làm chúng tôi rất xúc động, động lực để chúng tôi cố gắng nhiều hơn nữa, để hạn chế tối đa việc tử vong do COVID-19 lúc bấy giờ.

Sau đó, các y bác sĩ còn tình nguyện đi Cần Giờ, Củ Chi, ở cho hết dịch mới về. Tôi rất xúc động, đó là hình ảnh khó quên trong chống dịch của bệnh viện. Đó là những hy sinh thầm lặng, cao cả của các “chiến sĩ" áo trắng mà bệnh viện đã có được.

- Trở lại cuộc sống bình thường mới, theo BS điều gì là quan trọng và ý nghĩa nhất đối với người làm nghề y?

Đối với những người làm nghề y trong bình thường mới, tôi nghĩ tất cả đã coi mình là người chiến sĩ trên mặt trận bảo vệ sức khỏe người bệnh, đòi hỏi mỗi y bác sĩ cần tiếp tục tập trung cao độ, tâp trung công việc nhiều hơn, trau dồi về chuyên môn, tính cần cù, sự hy sinh chịu khó để tất cả vì sự nghiệp bảo vệ sự sống, vì sức khỏe của người dân. Đó là điều chúng ta cần để làm sao sống an toàn, linh hoạt với dịch bệnh.

Ngoài chuyên môn, y đức cũng quan trọng không kém, do đó người làm nghề y cần phải luôn luôn ghi nhớ và trau dồi.

Bên cạnh đó, đòi hỏi mỗi người dân cũng là một chiến sĩ trên mặt trận chống dịch, để chúng ta không lặp lại sự mất mát với hơn 20.000 người ở thành phố đã ra đi vì COVID-19. 

BS Khanh tư vấn sức khỏe cho người dân. (Ảnh: BVCC)

- Dự định và những kỳ vọng về sự phát triển của bệnh viện trong thời gian tới?

Tôi luôn mong muốn, làm sao đơn vị có thêm nhiều điều kiện hơn nữa về cơ sở vật chất, thiết bị, về con người để nâng cao chất lượng, tăng chỉ số hài lòng của người bệnh. Làm sao để bệnh viện có cơ hội chăm sóc sức khỏe người dân được tốt nhất. Chúng tôi chỉ mong có thật nhiều nhiều sức khỏe để chăm sóc F0, chăm sóc sức khỏe cho người dân. 

Tôi cũng mong các cấp lãnh đạo, các cấp chính quyền làm sao để tập trung lo cho y tế cơ sở được hoàn thiện, được tốt nhất để từ đó chăm sóc sức khỏe người dân được tốt nhất. Đó là điều những người làm nghề y như chúng tôi mong mỏi nhất.

- BS có nhắn nhủ điều gì với thế hệ sinh viên Y khoa nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2?

Đối với sinh viên ở các nhà trường, nếu có thời gian và điều kiện hãy tham gia tình nguyện phòng, chống dịch. Đây là một cơ hội để phục vụ người dân, đất nước đồng thời cũng là thử thách bước đầu, để hiểu được sự khó khăn của người dân chống chọi với bệnh tật mà biết được trách nhiệm cũng như “sứ mệnh” của người làm nghề y.

Dịch bệnh vẫn chưa hết, chúng ta vẫn phải chiến đấu, do đó làm công tác tình nguyện cũng là cách tiếp cận về y tế, nhất là y tế cộng đồng, qua đó trau dồi, rèn luyện nhân cách, y đức và cả tay nghề.

Trau dồi nghề nghiệp từ xã hội, từ chống dịch để cho mình tâm lý vững vàng, thấy được sự đoàn kết, đùm bọc của người dân đối với ngành y tế trong chống dịch. Để từ đó sau khi ra trường trở thành người làm nghề y “vừa hồng, vừa chuyên” để chăm sóc, phục vụ sức khỏe của người dân được tốt nhất.

- Xin cảm ơn bác sĩ.

MAI CÁT (Thực hiện)

Tin mới