Quên đi mệt mỏi, hỗ trợ tối đa cho người bệnh
Điều dưỡng Đỗ Thị Thu Thủy, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội và đồng nghiệp vừa kết thúc một chuyến xe hỗ trợ đưa F0 đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Tranh thủ chút thời gian ngắn ngủi, chúng tôi có cuộc trò chuyện nhanh với điều dưỡng Đỗ Thị Thu Thủy.
Chị Thủy chia sẻ, đó là một bệnh nhân nữ hơn 60 tuổi ở quận Hoàng Mai. Bệnh nhân có tiền sử bệnh K xương giai đoạn 3 và tăng huyết áp. Khi kíp xe của Cấp cứu 115 đến, điều dưỡng Thủy và đồng nghiệp thực hiện đo chỉ số SPO2 cho người bệnh. Mặc dù bệnh nhân vẫn tỉnh táo nhưng không đi lại được nên cần phải hỗ trợ.
Kíp xe của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội nhận nhiệm vụ lên đường hỗ trợ bệnh nhân.
“Chúng tôi cùng y tế phường phải hỗ trợ để đưa bệnh nhân lên xe. Do chỉ số oxy máu của bệnh nhân đã xuống thấp, có dấu hiệu suy hô hấp nên ngay khi đưa bệnh nhân lên xe, chúng tôi nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy để hỗ trợ và đưa thẳng tới Bệnh viện”, điều dưỡng Đỗ Thị Thu Thủy cho biết.
Được biết, để phối hợp nhịp nhàng trong việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện kịp thời, ê kíp của điều dưỡng Thủy trước đó phải kiểm tra phía bệnh viện chuyển người bệnh đến đã sẵn sàng tiếp nhận. Nếu bệnh viện sẵn sàng, việc vận chuyển và bàn giao bệnh nhân tới cơ sở y tế sẽ được thực hiện rất nhanh, kịp thời.
Kíp xe của Trung tâm Cấp cứu 115 vận chuyển F0 tới bệnh viện.
Chị Thủy chia sẻ, Trạm Trung tâm Cấp cứu 115 tại Phan Chu Trinh có 3 kíp xe. Thời điểm này, một số nhân viên phải nghỉ do bị F0 khiến nhân lực thiếu hụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, Trạm luôn cố gắng điều phối nhân lực hợp lý để luôn đảm bảo việc vận chuyển, cấp cứu người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời, an toàn.
“Có những ngày mỗi xe phải chạy 22 chuyến cả cấp cứu và vận chuyển F0 vào bệnh viện. Công việc rất căng thẳng, mệt mỏi, không có thời gian nghỉ ngơi nhưng chúng tôi luôn phải cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ cấp cứu người bệnh”, điều dưỡng Thủy nói.
Kíp trưởng Ngô Thị Hà cũng chia sẻ, với nhân viên y tế của Cấp cứu 115, thời gian di chuyển trên xe liên tục là chuyện thường tình. Những ngày cao điểm vừa vận chuyển bệnh nhân cấp cứu thường, vừa vận chuyển bệnh nhân F0, chuyến nối tiếp chuyến nhưng chẳng ai kêu than, chùn bước. Điều mà họ mong mỏi lúc này là luôn cố gắng đảm bảo sức khỏe tốt nhất để phục vụ công việc cấp cứu người bệnh.
Cũng theo chị Hà, đặc thù công việc của nhân viên Cấp cứu 115 rất khác. Khi đến cấp cứu các bệnh nhân F0, người nhà cũng hạn chế tiếp xúc, không hỗ trợ được nên nhân viên y tế phải đảm nhiệm mọi việc.
“Các thao tác, kỹ thuật trên xe phải cẩn thận hơn rất nhiều để cấp cứu bệnh nhân và giữ an toàn cho mình. Với các bệnh nhân cần cấp cứu chúng tôi cũng phải làm việc như bình thường, như một bệnh nhân bình thường, chúng tôi xác định ưu tiên cấp cứu cho bệnh nhân, điều gì có lợi nhất cho bệnh nhân thì chúng tôi phải hỗ trợ”, kíp trưởng Ngô Thị Hà nói.
Đầu line tiếp nhận thông tin người bệnh đổ chuông liên tục
Phòng Điều phối cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội là nơi tiếp nhận các thông tin từ người bệnh, kết nối, điều xe vận chuyển người bệnh tới bệnh viện. Hơn 10 đầu máy đổ chuông liên tục, không khí làm việc hối hả, khẩn trương. Mỗi kíp trực “điều phối” gồm 6 nhân viên được chia thành 3 nhóm để tiếp nhận, xử lý thông tin về các ca bệnh và bố trí kíp xe.
Phòng Điều phối cấp cứu của Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, bộ phận Điều phối cấp cứu cho biết, vào thời điểm này khi dịch COVID-19 trên địa bàn TP Hà Nội diễn biến phức tạp, số ca mắc liên tục tăng khiến công việc của họ áp lực hơn rất nhiều. Có những ngày Trung tâm tiếp nhận tới 2.000 cuộc gọi ở tất cả các đầu số. Các cuộc gọi đổ về liên tục, khiến nhân viên điều phối cũng xoay như chong chóng, không kịp trở tay.
“Người dân có vấn đề gì đều gọi đến Cấp cứu 115 từ các F0 điều trị tại nhà cần tư vấn, đến các trường hợp F0 trở nặng phải chuyển đi bệnh viện. Chúng tôi tập trung ưu tiên vận chuyển các F0 thuộc tầng 2, tầng 3”, chị Huyền chia sẻ.
Chị Nguyễn Thanh Huyền, bộ phận Điều phối Cấp cứu 115.
Để điều phối nhịp nhàng, tránh việc các cuộc gọi vào trung tâm điều phối không được giải quyết, những khi quá tải, xe của Trung tâm không còn chuyến, các nhân viên của phòng điều phối tìm cách kết nối với hệ thống các đơn vị xe hỗ trợ để cố gắng vận chuyển các F0 trở nặng đến cơ sở y tế một cách nhanh nhất.
“Khi nhận được cuộc gọi từ các F0, chúng tôi phải liên hệ với phường, xã để kiểm tra thông tin người bệnh, kiểm tra việc phối hợp xem đã liên hệ chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế nào, chúng tôi sẽ phối hợp để đưa người bệnh đi”, chị Huyền cho biết.
Chủ động đảm bảo nhân lực để hoạt động
Từ đầu tháng 8/2021 đến nay, Trung tâm Cấp cứu 115 chủ yếu tập trung cho nhiệm vụ vận chuyển người bệnh COVID-19. Đặc biệt, từ tháng 11/2021 đến nay, khi số lượng ca mắc tăng cao, Trung tâm tập trung vận chuyển các F0 mức độ trung bình, nặng thuộc tầng 2, tầng 3 và bệnh nhân nguy kịch.
Trao đổi với phóng viên VOV.VN, BS Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội cho biết, số lượng cấp cứu vận chuyển F0 vẫn tăng từng ngày.
BS Trần Anh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội.
Mỗi ngày Trung tâm điều khoảng 100 - 130 chuyến/ngày, trong đó có tới 60 - 70 chuyến là vận chuyển F0 tương ứng gần 100 bệnh nhân F0/ngày. Khi có cuộc gọi của người dân đến, trên hệ thống sẽ sàng lọc các bệnh nhân ở các tầng. Nếu có nhiều trường hợp gọi đến, Trung tâm phải ưu tiên các bệnh nhân tầng 3, tầng 2 trước.
BS Trần Anh Thắng cũng cho biết, từ khi dịch COVID-19 diễn biến dịch phức tạp tại TP.HCM, Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã dự liệu trước và khẩn trương có đề án trình Sở Y tế Hà Nội về nâng cao năng lực điều phối, điều hành xe cấp cứu toàn TP Hà Nội. Vì vậy, Trung tâm cũng đã chủ động ngay từ đầu về nguồn nhân lực, trang thiết bị, tăng cường các đầu máy trực cấp cứu từ 6 lên 24 đầu line. Tại thời điểm này, Trung tâm sử dụng 12 đầu line.
Bên cạnh đó, Phòng Điều phối của Trung tâm cũng tiếp nhận 4 đầu line của tổng đài 1022 tư vấn F0 khi có vấn đề cần hướng dẫn về cấp cứu sẽ trượt vào đầu máy 115 để nhân viên tiếp nhận cuộc gọi và tư vấn.
Thời điểm này, nhiều nhân viên là F0, F1 phải cách ly, nhưng về cơ bản vẫn đảm bảo được công việc.
Để đảm bảo nhân lực hoạt động tại Trung tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 cho biết, ngay từ đầu mùa dịch, Trung tâm đã liên tục tập huấn công tác phòng hộ, phòng tránh lây nhiễm cho toàn bộ nhân viên. Đồng thời trang bị các loại trang phục bảo hộ tốt nhất, đảm bảo tránh lây nhiễm tối đa. Trung tâm cũng linh hoạt thay đổi cách bố trí giờ làm việc để giảm việc nhân viên tiếp xúc với nhau.
“Hiện trong các ca trực, mỗi người làm 24 tiếng, nghỉ 48 tiếng để công việc thông suốt, vừa để nhân viên có thời gian nghỉ ngơi vừa giảm thời gian tiếp xúc với nhau, hạn chế lây nhiễm chéo”, BS Trần Anh Thắng cho biết.
Đến nay Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội chưa xảy ra tình trạng lây nhiễm trong quá trình cấp cứu bệnh nhân. Các nhân viên y tế cũng luôn có ý thức phòng hộ khi làm việc. Bên cạnh đó, trước mỗi ca trực, tất cả nhân viên y tế đều được test sàng lọc COVID-19 để sớm phát hiện các trường hợp mắc, kịp thời ngăn chặn lây nhiễm, bảo đảm an toàn tối đa trong công việc.