Cuộc khủng hoảng đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ đang ở cao trào. Thời điểm này, những người có phương tiện đến hạn đăng kiểm thì chỉ có một ước mong “đăng kiểm được”. Để giải quyết tình thế, lực lượng cảnh sát giao thông đã tăng cường nhân lực hỗ trợ hệ thống đăng kiểm tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đăng kiểm phương tiện giao thông.
Đây là giải pháp tình thế, trước mắt nhưng về lâu dài đã có “điều ong tiếng ve” rằng lực lượng công an muốn “đặt chân” vào hệ thống đăng kiểm và từng bước thâu tóm hoạt động này. Thời điểm này câu chuyện “ai sẽ quản lý đăng kiểm” đang được nhiều người quan tâm, luận bàn.
Xe xếp hàng chờ vào Trung tâm Đăng kiểm 29-08D.
Thực tế cho thấy, hoạt động đăng kiểm lâu nay đã được xã hội hóa. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn lỏng lẻo nên đã để xảy ra nhiều tiêu cực, trong đó đã có những cá nhân phải trả giá về mặt pháp lý. Hiện có rất nhiều đơn vị làm công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới và đường thủy như: công an, quân đội, đăng kiểm tàu cá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn...
Riêng lĩnh vực đăng kiểm xe cơ giới, Bộ Công an quản lý hệ thống phương tiện ô tô, xe máy lớn thuộc ngành công an, có hệ thống các trạm đăng kiểm tiên tiến; có đội ngũ sỹ quan đăng kiểm chuyên nghiệp được cấp chứng nhận đăng kiểm viên vẫn thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm, kiểm soát nhiệm vụ an toàn phương tiện của lực lượng công an nhân dân.
Cục Xe - Máy, Tổng cục Kỹ thuật (Bộ Quốc phòng) là đơn vị phụ trách đăng kiểm ô tô cho lực lượng quân đội. Hiện Cục Xe - Máy đang quản lý 15 trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Mạng lưới trung tâm này có chức năng kiểm định cho các ô tô vận tải thuộc biên chế quân đội (xe biển đỏ).
Cơ sở vật chất, hạ tầng để làm nhiệm vụ đăng kiểm của công an, quân đội hiện chỉ làm nhiệm vụ phục vụ “nội bộ”. Điều này cho thấy, lâu nay nguồn lực này đang bị phân tán do quy định quản lý của chúng ta chưa hợp lý, chưa huy động tổng lực, tạo cạnh tranh lành mạnh trong công tác đăng kiểm.
Việc “bó cứng” nhiệm vụ đăng kiểm cho Cục Đăng kiểm như thời gian qua đã gây ra biết bao khó khăn, hạn chế với người dân, doanh nghiệp và những hệ lụy hiện nay cả xã hội phải gánh chịu.
Bài toán đặt ra lúc này không phải “ai sẽ quản lý đăng kiểm” mà chúng ta cần giải quyết câu chuyện huy động các lực lượng tham gia đăng kiểm như thế nào cho khỏi lãng phí nguồn lực, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; tạo cơ chế giám sát chéo lẫn nhau giữa các đơn vị đăng kiểm… để tránh những tiêu cực và hậu quả đáng tiếc như thời gian vừa qua. Khi đã có bộ tiêu chí, tiêu chuẩn minh bạch, khoa học thì các đơn vị đăng kiểm của công an, quân đội hoàn toàn có thể tham gia đăng kiểm phương tiện giao thông dân sự.
Bài học về việc “mở toang” cánh cửa cho nhiều thành phần tham gia vào một lĩnh vực chúng ta đã có, rõ nhất là lĩnh vực viễn thông. Đăng kiểm cần được coi là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Các cơ quan quản lý chỉ làm nhiệm vụ điều tiết, hậu kiểm chứ không nhất thiết phải một đơn vị ôm khư khư như hiện nay khiến công việc dồn ứ, quá tải, người dân thì vất vả, khổ sở.