Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giải mã những chiếc lồng sắt trên tháp pháo xe tăng Nga ở Ukraine

(VTC News) -

Ngay từ cuối năm 2021, những chiếc xe tăng Nga với hệ thống giáp lồng trên nóc tháp pháo đã xuất hiện gần biên giới Ukraine.

Qua các cuộc chiến ở Syria, Libya và Nagorno-Karabakh, lực lượng thiết giáp Nga đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm để đối phó với nguy cơ đến từ tên lửa chống dẫn đường lẫn máy bay không người lái. Điều này dẫn đến việc những chiếc xe tăng Nga tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine ít nhiều được cải tiến giúp tăng khả năng sống sót trên chiến trường.

Vì sao xe tăng Nga gắn lồng sắt lên tháp pháo?

Theo The Drive, ngay từ cuối năm 2021, hình ảnh những chiếc xe tăng Nga với hệ thống giáp lồng bảo vệ xung quanh tháp pháo đã xuất hiện trong các cuộc tập trận gần biên giới Ukraine.

Xe tăng T-72B3 của Nga được gắn thêm giáp lồng trên nóc tháp pháo trước xung đột ở Ukraine. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga)

Đến cuối tháng 2/2022, quân đội Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Đó cũng là lúc những chiếc xe tăng gắn lớp giáp lồng phát huy tác dụng.

Theo các chuyên gia quân sự của The Drive, lớp giáp lồng đặc biệt trên xe tăng Nga được thiết kế đối phó với máy bay không người lái (UAV) và các loại vũ khí khác tấn công vào nóc tháp pháo, điểm yếu nhất trên xe tăng.

Cải tiến này dường như đến từ trên những kinh nghiệm quân đội Nga đúc kết được từ các cuộc xung đột gần đây. Điển hình như trong cuộc giao tranh tại Nagorno-Karabakh, quân đội Azerbaijan nhiều lần dùng UAV tự sát lao từ trên xuống nóc tháp pháo, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng tăng thiết giáp của quân đội Armenia.

"Giáp lồng hoặc tấm chắn trên nóc tháp pháo của xe tăng Nga là cấu trúc đơn giản nhằm bảo vệ chúng trước đòn tấn công từ bên trên", cây bút Thomas Newdick của The Drive phân tích. "Tuy nhiên, quân đội Nga dường như chưa tiêu chuẩn hóa kiểu giáp này. Họ có thể đang thử nghiệm hoặc trang bị ngẫu nhiên".

Thế nhưng từ cuộc xung đột ở Ukraine có thể thấy lớp giáp lồng trên nóc xe tăng Nga được sử dụng để đối phó với các loại tên lửa chống tăng dẫn đường tiên tiến có khả năng "đột nóc" xe tăng  của quân đội Ukraine, ví dụ như FGM-148 Javelin của Mỹ, NLAW (Anh). Về cơ bản giáp lồng không thể ngăn hoàn toàn tên lửa Javelin, song có thể giảm xác suất diệt mục tiêu của vũ khí này.

Sở dĩ quân đội Nga lo sợ tên lửa Javelin vì nó được thiết kế để tiêu diệt xe tăng, xe bọc thép của đối phương với chế độ tấn công "đột nóc".

Cụ thể, ở chế độ tấn công "đột nóc", tên lửa sau khi rời bệ phóng sẽ bay lên độ cao 150m so với mục tiêu rồi đánh vào phần nóc xe tăng, xe thiết giáp vốn là nơi có phần giáp mỏng nhất. Hầu hết các dòng xe tăng trên thế giới không thể sống sót trước đòn tấn công từ trên cao của Javelin.

Lồng sắt trên xe tăng Nga được cho là để đối phó với các loại tên lửa chống tăng có khả năng đột nóc của Ukraine.

Ngoài giáp lồng, quân đội Nga gần đây trang bị các loại giáp khác cho xe tăng, như những tấm kim loại quây quanh thân. Các lực lượng tham chiến tại Libya hay Syria cũng sử dụng các loại giáp tương tự để bảo vệ xe tăng khỏi đạn chống tăng. Ngoài ra, quân đội Nga còn treo nhiều túi cát nhỏ quanh xích xe tăng, kết hợp với giáp lồng để tăng mức độ bảo vệ trước đạn chống tăng bay tới từ bên hông.

"So với các loại giáp lồng quanh xe, giáp phản ứng nổ và các hệ thống phòng thủ chủ động trước đây, giáp lồng trên tháp pháo xe tăng Nga là điểm mới lạ", chuyên gia quân sự Petri Makela nhận xét. "Chúng dường như được áp dụng riêng lẻ ở cấp đơn vị, thay vì được chế tạo theo mẫu chung. Chúng trông thô sơ nhưng có vẻ hiệu quả".

Thiệt hại của xe tăng Nga ở chiến trường Ukraine

Khi chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine bước sang tuần thứ 9, nhiều tổn thất về xe tăng đã được ghi nhận. Hình ảnh về những chiếc xe tăng Nga bị phá hủy đã được đăng tải và chia sẻ trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội kể từ đầu cuộc chiến.

Một trong số các lý do khiến phương tiện chiến đấu bọc thép của Nga bị tổn thất nặng nề là do quân đội Ukraine được trang bị các  tên lửa chống tăng do phương Tây cung cấp như NLAW và Javelin. Sự chuẩn bị của Nga nhằm đối phó với tên lửa chống tăng Ukraine có thể đã không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ukraine, tính đến ngày 22/4, quân đội Nga đã mất hơn 800 xe tăng và hơn 2.100 phương tiện bọc thép.

T-72B3 của Nga với giáp lồng trên nóc tháp pháo bị bắn hạ ở Ukraine.

Còn theo Bộ Quốc phòng Nga, kể từ đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tới nay, nước này đã triển khai 2.388 xe tăng và 2.232 phương tiện quân sự đặc biệt đến Ukraine.

Nếu như những con số do phía Ukraine đưa ra là chính xác thì họ đã phá hủy 1/3 số xe tăng Nga, tuy nhiên rất khó để xác định thông tin này vì các bên thường có xu hướng thổi phồng chiến tích hoặc giảm nhẹ thiệt hại so với thực tế.

Thiệt hại của xe tăng Nga ở Ukraine khiến giới phân tích đặt ra câu hỏi liệu phương tiện chiến đấu bọc thép này đang trở nên lỗi thời trong chiến tranh hiện đại.

Theo Scott Boston, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại RAND Corporation - một tổ chức tư vấn chính sách toàn cầu thì “chưa hẳn là như vậy”.

Chuyên gia Boston chia sẻ trên Yahoo News: “Bằng chứng đầu tiên và rõ ràng nhất mà tôi có được là quân đội Ukraine vẫn đang yêu cầu các nước đồng minh cung cấp nhiều xe bọc thép hơn. Họ rất muốn nhận được sự hỗ trợ từ Mỹ và phương Tây với nhiều xe bọc thép và nhiều xe tăng hơn”.

Theo ông Boston, một lý do khiến xe tăng Nga bị phá hủy với số lượng lớn là do Nga đang đóng vai trò là bên tấn công, nghĩa là Ukraine đang ở thế phòng thủ vì vậy họ phải tiêu diệt nhiều phương tiện của đối phương hơn.

Các chuyên gia quân sự vẫn đánh giá cao xe tăng Nga nhưng chiến thuật của Moskva ở Ukraine đang bị nghi ngờ là không hiệu quả dẫn đến thiệt hại lớn cho lực lượng thiết giáp. (Ảnh: Nikkei Asia)

Tuy nhiên, điều này có thể sẽ thay đổi và nhiều xe tăng của Ukraine sẽ bị phá hủy khi nước này chuyển sang giai đoạn phản công.

Cũng theo chuyên gia Boston, các đơn vị thiết giáp của Nga bị thiệt hại nhiều phương tiện, phần lớn là do bị bỏ lại chứ không phải do đối phương trực tiếp tấn công.

Nicholas Drummond, một cựu sĩ quan quân đội Anh và hiện là nhà phân tích quân sự quốc phòng cho biết: “Mọi người nên cẩn thận để tránh đưa ra kết luận sai lầm về xe tăng khi nhìn vào cuộc chiến ở Ukraine”.

Ông Drummond cho rằng, chiến thuật của lực lượng thiết giáp Nga ở Ukraine đã không hiểu quả như họ kỳ vọng, các mũi tiến công bằng thiết giáp của Nga thiếu sự hỗ trợ hỏa lực từ pháo binh lẫn không quân trong khi phạm vi chiến trường lại quá rộng. Tất nhiên điều này sẽ dẫn đến những tổn thấy cho bên tấn công.

Trà Khánh

Tin mới