Trả lời VTC News, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu Phương Nam nhận định, trong kỳ điều hành tới (thứ 5 ngày 28/3), giá xăng RON95 có thể tăng 600 đồng/lít; xăng E5 RON95 tăng 500 đồng/lít; dầu diesel có thể giảm 300 đồng/lít.
"Giá dự báo trên chưa tính đến việc cơ quan chức năng trích lập hoặc chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu”, ông Phương nói.
Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối tại Hà Nội cũng nhận định, giá xăng có thể tăng 500 - 550 đồng/lít, giá dầu giảm từ 200 đến 250 đồng/lít,kg.
Giá xăng trong nước ngày mai được dự báo tiếp tục tăng. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Trong khi đó, theo mô hình dự báo giá xăng dầu của Viện Dầu khí Việt Nam (VPI), giá xăng bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 28/3 có thể tăng 548 - 639 đồng/lít, đưa giá xăng lên mức 23.758 đồng/lít (E5 RON92) và 24.919 đồng/lít (RON95).
Còn giá dầu bán lẻ kỳ này có xu hướng giảm, trong đó giá dầu diesel giảm khoảng 1,4% về mức 20.715 đồng/lít, giá dầu hỏa giảm khoảng 1,3% về mức 20.982 đồng/lít.
Ngày mai, cơ quan điều hành là liên bộ Tài chính - Công Thương có thể sẽ tiếp tục trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg.
Hiện giá xăng dầu bán lẻ đang được áp dụng mức điều chỉnh của kỳ điều hành giá ngày 21/3. Theo đó, giá xăng E5 RON92 tăng 729 đồng/lít, lên mức không cao hơn 23.290 đồng. Giá xăng RON95 tăng 741 đồng/lít, không cao hơn 24.284 đồng/lít.
Giá các loại dầu cũng tăng đồng loạt, trong đó dầu diesel tăng 465 đồng/lít, không cao hơn 21.014 đồng/lít; dầu hỏa tăng 560 đồng, không cao hơn 21.266 đồng/lít và giá dầu mazut tăng 667 đồng/kg, không cao hơn 17.099 đồng/kg.
Tại kỳ này, cơ quan điều hành quyết định trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg và không trích lập quỹ với các sản phẩm còn lại.
Cơ quan quản lý cũng không chi sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với tất cả các mặt hàng.
Trên thị trường thế giới, giá dầu tuần qua diễn biến trái chiều. Tính chung cả tuần, giá dầu Brent tăng 0,09 USD/thùng trong khi giá dầu WTI giảm 0,41 USD/thùng. Sang tuần này, giá dầu thế giới ở thế giằng co, sau khi tăng lại quay đầu giảm nhẹ.
Còn tại thị trường Singapore, trong kỳ vừa qua, giá xăng thành phẩm bình quân ở thị trường này tăng so với kỳ trước, mức tăng tương đối lớn.
Ngày 27/3, giá dầu Brent giao dịch ở mức 85,92 USD/thùng, giảm 0,83 USD so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 81,29 USD/thùng, giảm 0,33 USD.
Giá dầu giảm trong bối cảnh chính phủ Nga ra lệnh cho các công ty cắt giảm sản lượng trong quý II để đáp ứng mục tiêu 9 triệu thùng/ngày nhằm tuân thủ các cam kết với OPEC+.
Theo tính toán của Reuters, công suất lọc dầu của Nga, 1 trong 3 nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới và là 1 trong những nhà xuất khẩu sản phẩm dầu lớn nhất, đã giảm tới 14%, chịu tác động bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào các cơ sở lọc dầu của nước này.
Reuters cho biết, các số liệu quan trọng trong tháng 2 như chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào ngày 29/3.
Frank Monkam, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Antimo LLC nhận xét: “Fed đã hứa về những đợt cắt giảm lãi suất nhưng thực sự không có gì đảm bảo rằng nó sẽ được thực hiện ngay lập tức, vì vậy thị trường đang giao dịch ngập ngừng".