Khảo sát của VTC News trên website cũng như tại phòng vé của các hãng bay nội địa cho thấy, nhiều chặng bay đến điểm du lịch thời giai từ giữa tháng 7 đến cuối tháng 8/2022 có giá vé tăng mạnh, hầu như không còn giá rẻ như các hãng quảng cáo. Trong đó, chặng bay trục Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Nha Trang, Hà Nội - Phú Quốc đều tăng 20 - 30% so với tháng trước.
Giá vé máy bay cao ngất do nhu cầu du lịch tăng đột biến. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, giá vé khứ hồi của hãng Vietjet Air hành trình Hà Nội - TP.HCM chiều đi ngày 12/7, chiều về ngày 15/7 (đã bao gồm thuế phí) có giá 3,4 - 4,8 triệu đồng/vé; các hãng khác cùng ngày, cùng hành trình có giá dao động 4,2 - 5,9 triệu đồng/vé.
Đường bay Hà Nội - Nha Trang cũng có giá vé bay khứ hồi cao vút. Theo đó, Vietjet Air niêm yết giá 4,3 - 6,1 triệu đồng/vé, Vietnam Airlines bán 4,6 - 6,3 triệu đồng/vé, Bamboo Airways bán vé với giá 4,5 - 6,6 triệu đồng và Pacific Airlines bán 4,4 - 4,7 triệu đồng/vé. Đây là chặng bay nội địa không dài nhưng lại có giá vé cao nhất trong tháng 7.
Một hành trình khứ hồi khác có giá vé khác biệt rõ rệt giữa các hãng là Hà Nội- Phú Quốc. Theo đó, giá rẻ nhất là của hãng Vietjet Air với 2,83 triệu đồng/vé, kế đến là của Bamboo Airways giá 3,93 triệu đồng/vé và cao nhất là của Vietnam Airlines lên đến 7,44 triệu đồng/vé.
Khách du lịch tăng đột biến, sân bay quá tải
Chia sẻ với VTC News, ông Trần Hoài Phương, Giám đốc Cảng vụ Miền Bắc cho biết, thời gian qua, lượng khách đi máy bay tại các chặng nội địa tăng đột biến, liên tục lập đỉnh mới mỗi ngày, trong đó đông nhất là đi đến các điểm du lịch như Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Lâm Đồng...
Cụ thể, trong đợt cao điểm hè tháng 6 và đầu tháng 7, sản lượng vận chuyển qua cảng đã tăng 40% so với đợt cao điểm nhất trước dịch COVID-19. Trung bình mỗi ngày sân bay Nội Bài phục vụ khoảng 580 chuyến bay, trong đó 470 chuyến quốc nội với 83.300 lượt khách và 110 chuyến quốc tế với 10.200 lượt khách quốc tế. Đáng chú ý có những ngày, sản lượng đạt hơn 600 chuyến với hơn 104.000 khách, riêng sản lượng bay nội địa đạt 93.000 lượt khách.
“Từ đầu tháng 7 đến nay, sản lượng vận chuyển qua sân bay Nội Bài vẫn ở mức cao với trung bình 602 chuyến bay, trong đó 472 chuyến nội địa, với 80.300 khách và 130 chuyến quốc tế với 12.000 khách quốc tế”, ông Phương nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó giám đốc Cảng vụ hàng không miền Nam cũng cho biết, hành khách đi lại dịp hè đang tăng mạnh, trung bình sân bay Tân Sơn Nhất phục vụ 650-800 chuyến bay mỗi ngày, sản lượng khách 110.000 - 120.000 khách/ngày.
"Đây là tín hiệu phục hồi tích cực nhưng đặt ra áp lực rất lớn về quản lý vận hành tại sân bay. Tuy tần suất bay và sản lượng khách tăng xấp xỉ gần bằng mùa Tết nhưng tập trung chủ yếu ở ga quốc nội, còn ga quốc tế vẫn thông thoáng. Với hạ tầng chật hẹp tại ga quốc nội, khách đi lại đông dẫn đến tình trạng quá tải", ông Tuấn nói.
Làm gì để không bị lỡ, trễ chuyến?
Ông Trần Hoài Phương khuyến cáo: Kể từ đầu tháng 6 đến nay, trung bình mỗi ngày có từ 100-200 trường hợp hành khách vướng giấy tờ tùy thân khi làm thủ tục đi máy bay phải chậm chuyến, hủy chuyến. Phần lớn là giấy tờ bị hết hạn sử dụng hoặc mờ, trẻ em đủ 14 tuổi nhưng chưa kịp làm chứng minh nhân dân/căn cước công dân; trẻ em dưới 14 tuổi chỉ mang giấy khai sinh bản photocopy, thậm chí có hành khách quên không mang theo giấy tờ tùy thân...Hành khách chủ quan không kiểm tra trước từ nhà, chỉ khi lên đến sân bay, qua cửa an ninh hàng không mới phát hiện ra và bị từ chối chuyến bay.
"Để thực hiện các thủ tục hàng không thuận lợi, chúng tôi khuyến cáo hành khách khi mua vé tàu bay, cần đọc kỹ thông tin hoặc hỏi kỹ nhân viên của hãng hàng không về quy định giấy tờ đi tàu bay và hành lý mang theo chuyến”, ông Phương nói.