Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Giá vàng trong nước ngược chiều thế giới

Giá vàng trong nước tháng 4 giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số giá vàng trong nước tháng 4 giảm 1,9% so với tháng trước nhưng tăng 13,8% so với cùng kỳ 2020 và bình quân 4 tháng đầu năm 2021 tăng 20,8%.

Hiện tại giá vàng miếng SJC trong nước đang giao dịch quanh mức 55,65 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 55,3 triệu đồng/lượng mua vào.

Tổng cục Thống kê nhận định giá vàng trong nước tháng 4 biến động ngược chiều với thế giới. Hiện giá vàng thế giới bình quân giao dịch mức 1.770 USD/ounce theo Kitco, tăng 2,1% so với tháng 3.

Lý do là lợi suất trái phiếu Mỹ giảm khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư. Thêm vào đó, lực mua lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới, đã đóng góp không nhỏ vào sự phục hồi giá vàng.

Như vậy, dù giá vàng trong nước giảm so với tháng trước nhưng vẫn cao hơn giá vàng thế giới khoảng 6 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới 6 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Chí Hùng).

Trong khi đó, giá USD trên thị trường thế giới tăng trong bối cảnh lãi suất tại Mỹ được kiểm soát chặt chẽ và triển vọng tiêm chủng vaccine phòng chống dịch COVID-19 ở châu Âu được cải thiện. Tính đến ngày 24/4, chỉ số USD trên thị trường quốc tế đạt mức 92,01 điểm, tăng 0,14 điểm so với tháng trước.

Ở trong nước, dự trữ ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước bảo đảm đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nhập khẩu. Giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.170 đồng. Chỉ số giá USD tháng tăng 0,29% so với tháng trước và giảm 1,4% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm, giá USD trong nước giảm 0,8%.

Về lạm phát cơ bản tháng 4, Tổng cục Thống kê cho biết chỉ số này tăng 0,07% so với tháng trước, tăng 0,95% so với cùng kỳ 2020. Bình quân 4 tháng đầu năm, lạm phát cơ bản tăng 0,74% so với cùng kỳ 2020.

Tổng cục Thống kê cũng cho biết tốc độ tăng lạm phát thấp hơn mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân chung (0,89%). Điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm và giá xăng, dầu tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 4 và 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước đều là các con số thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Mức tăng 0,89% của CPI sau 4 tháng đầu năm cũng là mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tổng cục Thống kê cho biết các nguyên nhân kéo CPI tăng là giá gạo trong nước tăng 7,76%, giá các mặt hàng thực phẩm tăng 0,2%, giá ăn uống ngoài gia đình tăng 2,07%, giá gas tăng 14,69%, giá xăng dầu tăng 2,49%, giá dịch vụ giáo dục tăng 4,48% trong 4 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2020.

Trong khi đó, giá điện sinh hoạt bình quân 4 tháng đầu năm giảm 5,88%, giá vé tàu hỏa giảm 7,39%, giá vé máy bay giảm 17,4%, giá du lịch trọn gói giảm 3,32%.

Nguồn: Zing News

Tin mới