Trên Kitco, lúc 15h30 ngày 8/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.717 USD/ounce, tăng 15 USD so với phiên giao dịch trước đó.
Giá vàng hôm nay tăng nhẹ.
Dù quay đầu tăng nhưng giá vàng được đánh giá là chưa thực sự bứt phá khi giá dầu thô - mặt hàng có mối quan hệ mật thiết với kim loại quý - giảm mạnh. Rạng sáng 8/9, giá dầu thô rơi xuống mức 82,65 USD/thùng, mức thấp nhất trong 8 tháng.
+ Giá vàng trong nước
Trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66,10 - 66,90 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 15.000 đồng/lượng cả hai chiều.
Trong khi đó, Công ty SJC niêm yết giá giao dịch ở mức 66,15 - 66,95 triệu đồng/lượng, tăng 15.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 50,90 - 51,50 triệu đồng/lượng, cũng tăng 15.000 đồng ở cả hai chiều.
+ Giá vàng quốc tế
Mở cửa phiên giao dịch sáng nay, giá vàng thế giới ở ngưỡng 1.715,6 USD/ounce, tăng 15 USD/ounce so với đóng cửa phiên trước.
Giá vàng phục hồi trong bối cảnh chỉ số US Dollar Index và lợi tức kho bạc Mỹ đi xuống.
Tâm lý e ngại rủi ro được nâng lên cũng phần nào thúc đẩy thị trường kim loại quý. Trong ngày 7/9 (giờ Việt Nam), báo cáo xuất nhập khẩu trong tháng 8 của Trung Quốc cho thấy mức giảm nhiều hơn dự kiến. Nguyên nhân là do nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục đình trệ trong bối cảnh nhiều thành phố phong tỏa để ngăn ngừa sự lây lan của dịch COVID-19, thị trường bất động sản chao đảo và đồng nhân dân tệ yếu hơn.
Ngoài ra, việc giới đầu cơ đang thực hiện một số cuộc "săn lùng món hời" sau khi kim loại quý vừa trải qua những phiên lao dốc đã giúp vàng có mức tăng trong ngắn hạn.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra mới đây, Ngân hàng Trung ương Canada đã quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản. Ngân hàng Trung ương châu Âu cũng sẽ họp vào thứ 5 và nhiều người kỳ vọng ECB sẽ tăng lãi suất chính lên 75 điểm cơ bản.
Vàng được nhận định là sẽ tiếp tục chịu áp lực khi đồng Euro tiếp tục suy yếu và áp sát mức đáy thấp nhất trong hai thập kỷ do Liên minh châu Âu chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng. Điều này sẽ khiến USD có thể tăng giá.
Vàng được dự báo sẽ chịu áp lực giảm trước việc USD có xu hướng đi lên khó cản. USD được hỗ trợ khi đồng euro suy yếu do Liên minh châu Âu chìm trong cuộc khủng hoảng năng lượng.
Bên cạnh đó, ngành dịch vụ của Mỹ bất ngờ tăng điểm. Thông tin này càng củng cố quan điểm rằng nền kinh tế Mỹ không suy thoái và cho phép Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nới lỏng cho một đợt tăng lãi suất cơ bản 75 điểm siêu nhỏ khác vào ngày 21/9.
Chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn tại RJO Futures cũng cho rằng, vàng đang bị suy yếu do đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng. Trong môi trường này, rất khó để vàng duy trì bất kỳ đợt tăng giá nào.
Đồng USD tăng lên mức cao nhất trong hai thập kỷ sau khi dữ liệu cho thấy ngành dịch vụ của Mỹ đã khởi sắc trở lại vào tháng 8 khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Các chuyên gia dự báo, các đợt tăng lãi suất tiếp theo trong thời gian còn lại của năm và trong quý 1 của năm 2023 sẽ tiếp tục giữ đồng USD ở mức cao nhất trong 20 năm và lợi suất trái phiếu trên 3%. Đây sẽ là hai cơn gió ngược đáng kể đối với kim loại quý này.
Theo CME FedWatch Tool, các thị trường đang định giá 74% khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản vào cuối tháng này.
Các nhà phân tích hàng hóa tại TD Securities lưu ý rằng, hoạt động ảm đạm của vàng trong suốt mùa hè qua cho thấy thị trường đã định giá các mức tăng lãi suất cao. Nhiều ý kiến dự báo, thị trường vàng có thể sẽ phải chịu tiếp một đợt bán tháo nữa khi kỳ vọng tăng lãi suất vẫn cao hơn dự kiến ban đầu.