Trên Kitco, lúc 16h ngày 6/9 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới được niêm yết ở ngưỡng 1.713 USD/ounce, không đổi so với đóng cửa phiên giao dịch hôm trước.
Giá vàng đang kém hấp dẫn với nhà đầu tư trong bối cảnh USD tăng cao trên thị trường quốc tế và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất cơ bản để kiểm soát lạm phát.
Thứ Sáu tuần trước, Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết 315.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 8, phá vỡ kỳ vọng mà các nhà kinh tế dự báo trước đó là khoảng 295.000 việc làm.
Giá vàng hôm nay đi ngang.
Một thông tin tích cực đối với vàng đó là các dấu hiệu cho thấy tiền lương có thể đang ở mức cao, chứng tỏ áp lực lạm phát tiếp tục giảm bớt. Báo cáo cho biết mức lương trung bình theo giờ đã tăng 0,3%, thấp hơn các nhà kinh tế đã kỳ vọng mức tăng 0,4%. Trong năm, tiền lương tăng 5,2%.
Các nhà phân tích thị trường lưu ý rằng áp lực lạm phát giảm có thể khiến Fed giảm tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ, điều này sẽ tích cực đối với vàng.
+ Giá vàng trong nước
Trên sàn giao dịch của Doji, giá vàng được niêm yết ở mức 66 - 66,80 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 200.000 đồng/lượng cả hai chiều.
Trong khi đó, trên sàn giao dịch của SJC, vàng SJC có giá mua vào là 66,05 triệu đồng/lượng, bán ra là 66,85 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng ở cả hai chiều. Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 51,1 - 52 triệu đồng/lượng, tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều.
+ Giá vàng quốc tế
Giá vàng thế giới sáng nay ở mức 1.713 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 12/2022 cũng ít biến động, đứng ngưỡng 1.714 USD/ounce.
Như vậy, giá vàng thế giới tiếp tục đi ngang trong khoảng 1.710-1.715 USD/ounce phiên đầu tuần.
Thu hút sự chú ý của giới đầu tư trong phiên đêm qua là sự sụt giảm mạnh của đồng euro khi đồng tiền chung châu Âu giảm xuống dưới 0,99 USD/euro. Đây là tỷ giá thấp nhất trong 20 năm qua của tiền tệ này. Nguyên nhân là việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho đường ống chính tới châu Âu đã làm gia tăng lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng sâu sắc trong khu vực.
Châu Âu vẫn đang cố gắng loại bỏ nguồn cung nhiên liệu của Nga và tích trữ dự trữ trước cho những tháng mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cho rằng tác động của nó tới nền kinh tế khu vực sẽ rất lớn.
Giá vàng thế giới neo ở trên mức quan trọng 1.700 USD/ounce trong phiên giao dịch thứ Hai đầu tuần. Giới đầu tư hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể giảm bớt tốc độ tăng lãi suất sau khi dữ liệu việc làm tích cực của nước này trong tháng 8 vừa qua giúp bù đắp áp lực từ đồng USD mạnh.
Trước đó, kim loại quý đã có phiên giao dịch tích cực nhất trong gần một tháng vào thứ Sáu tuần trước (2/9) sau khi dữ liệu của Mỹ cho thấy mức tăng lương vừa phải trong tháng 8 và tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,7%, một dấu hiệu tích cực ở thị trường lao động.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA cho biết: “Những kỳ vọng về việc Fed tăng lãi suất trong tương lai đã giảm nhẹ nhưng báo cáo việc làm sẽ phải được kết hợp với chỉ số lạm phát ở mức tích cực.
Hiện tại, chúng ta có thể thấy một số hỗ trợ khiến giá kim loại quý được giữ ở mức trên 1.700 USD/ounce. Tuy nhiên, việc USD được ưa chuộng quá mức và các ngân hàng trung ương không giảm tốc độ tăng lãi suất sẽ có thể tiếp tục gây áp lực giảm giá lên vàng. Việc giá vàng về dưới 1.680 USD/ounce có vẻ rất khả thi”.
Theo kế hoạch, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ nhóm họp vào cuối tuần này. Các nhà phân tích dự đoán, ECB sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất lớn, có thể thêm 75 điểm cơ bản, để kiềm chế lạm phát đang ở mức cao kỷ lục.
Cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed dự kiến diễn ra vào ngày 20 - 21/9.
Hạn chế mức tăng của vàng, chỉ số USD đã ghi nhận mức cao nhất trong 20 năm so với các đồng tiền khác, khiến vàng trở nên đắt đỏ đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Trong khi đó, cổ phiếu châu Âu sụt giảm sau khi Nga tuyên bố dừng vô thời hạn hoạt động của đường ống khí đốt Nord Stream 1 tới châu Âu, làm dấy lên lo ngại về giá năng lượng tiếp tục leo thang.