Bộ GTVT đang lấy ý kiến sửa đổi một số điều của Thông tư số 17/2019 về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Cụ thể, theo dự thảo thông tư mới, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500 km vẫn giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.
Theo dự thảo thông tư mới, giá trần vé máy bay hạng phổ thông nội địa dự kiến tăng từ 50.000 đến 250.000 đồng, tùy từng chặng.
Với những đường bay khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá trần tăng 50.000 đồng/vé một chiều từ 2,2 triệu đồng lên 2,25 triệu đồng.
Với đường bay có khoảng cách từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, dự thảo mới đề xuất mức giá tối đa là 3,4 triệu đồng, cao hơn 200.000 đồng so với quy định hiện hành.
Nhóm đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, mức giá trần tăng 200.000 đồng/vé một chiều
Với đường bay khoảng cách từ 1.280 km trở lên được đề xuất mức giá 4 triệu đồng. Con số này cao hơn 250.000 đồng so với quy định hiện hành và là mức giá cao nhất.
Mức giá tối đa nói trên đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay trừ các khoản thu: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Mức tối đa giá dịch vụ cũng chưa tính khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm. Đây là khoản giá do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường.
Các hãng hàng không quy định giá vé cụ thể trên đường bay hoặc nhóm đường bay theo phương thức đa dạng giá vé cho mỗi đường bay và chính sách giá giảm thường xuyên dành cho đồng bào, chiến sỹ thường trú tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Trước đó, có luồng dư luận cho rằng nên bỏ giá trần vé máy bay. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia phân tích, khi còn doanh nghiệp hàng không thống lĩnh thị trường thì không nên bỏ giá trần vé máy bay.
Trả lời VTC News, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, việc áp giá sàn hiện nay là một biện pháp để tránh trường hợp các hãng bay bắt tay nâng giá ở một số tuyến đường bay mà các doanh nghiệp này nắm thị phần chi phối.
"Việc áp dụng giá trần đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng, bình đẳng. Trong bối cảnh hiện nay, thị trường hàng không Việt Nam còn có hãng giữ vai trò thống lĩnh một số đường bay, nếu không có giá trần thì rất khó kiểm soát giá vé, nhất là trong những dịp cao điểm như lễ, Tết", ông Thịnh nói.
Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính) thẳng thắn cho rằng đề xuất bỏ giá trần vé máy bay là chưa hợp lý, khó được thông qua vì vi phạm Luật Quản lý giá và Luật Cạnh tranh.
"Thị trường hàng không Việt Nam hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh nên Nhà nước phải quy định giá trần để bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng”, ông Long nói.
Theo quy định pháp luật về cạnh tranh, nếu hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên hoặc ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan thì được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường. Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 6 hãng đang khai thác là Vietnam Airlines, Pacific Airlines, Vasco, Vietjet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines. Tuy nhiên, Vasco và Pacific Airlines là thành viên của Vietnam Airlines, trong khi Vietravel mới gia nhập thị trường. Hiện ba hãng lớn là Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways chiếm khoảng 80% thị phần. Trong đó riêng đường bay Hà Nội - TP.HCM, Vietnam Airlines và Vietjet cũng đã chiếm trên 50% thị phần.