Giá tiêu trong nước hôm nay không có sự thay đổi so với những ngày trước đó, ổn định ở mức 64.000 - 67.000 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay tiếp đà đi ngang, dao động trong mức 64.000 - 67.000 đồng/kg. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được ghi nhận cao nhất cả nước ở mức 67.000 đồng/kg.
Giá hồ tiêu tại tỉnh Bình Phước được thương lái mua ở mức 66.000 đồng/kg.
Tại hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu hôm nay ghi nhận mức 65.000 đồng/kg.
Giá tiêu tại Đồng Nai được giao dịch ở mức 65.000 đồng/kg. Tại Gia Lai, giá tiêu được ghi nhận thấp nhất cả nước, giao dịch ở mức 64.000 đồng/kg.
Địa phương | Giá (đồng) | Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng) |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 67.000 | - |
Bình Phước | 66.000 | - |
Đắk Lắk | 66.000 | - |
Đắk Nông | 66.000 | - |
Đồng Nai | 65.000 | - |
Gia Lai | 64.000 | - |
Trong tuần qua, giá tiêu liên tục lao dốc khi giảm 1.000 đồng/kg so với đầu tuần tại các vùng trồng trọng điểm. Nguyên nhân là do nhu cầu thế giới chưa có sự cải thiện, áp lực cạnh tranh gia tăng khi Brazil hạ sâu giá tiêu để thanh lý hàng vụ cũ. Cùng với đó, vụ cà phê sắp đến nên một số đại lý cần bán tiêu để thu mua cà phê, người mua Trung Quốc ngừng mua và trì hoãn thời gian giao hàng, đồng USD tiếp tục mạnh lên cũng ảnh hưởng mạnh đến giá tiêu trong nước thời gian qua.
Giá hạt tiêu trong nước tháng 9/2022 của Việt Nam giảm mạnh do đầu ra khó khăn. Brazil đang bước vào vụ thu hoạch, giá chào xuất khẩu cạnh tranh hơn so với giá của Việt Nam khoảng 200 – 300 USD/tấn.
Giá hạt tiêu trong nước của Việt Nam được dự báo sẽ có chiều hướng giảm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ toàn cầu ở mức thấp, theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, lượng xuất khẩu hạt tiêu tháng 8/2022 của Việt Nam đạt 18,7 nghìn tấn, giảm 1,7% về lượng và trị giá trên 76 triệu USD, giảm 5,0% về trị giá so với tháng 7/2022, nhưng so với tháng 8/2021 tăng 6,9% về lượng và tăng 15,4% về trị giá.
Lượng xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tính chung 8 tháng đầu năm 2022 đạt 160,9 nghìn tấn, giảm 18,6% về lượng và trị giá 714,54 triệu USD, tăng 8,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tháng 8/2022 của Việt Nam ở mức 4.070 USD/ tấn, giảm 3,4% so với tháng 7/2022, nhưng tăng 8,0% so với tháng 8/2021.
Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tính chung 8 tháng đầu năm 2022 của Việt Nam ở mức 4.441 USD/tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Số liệu từ Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho thấy, xuất khẩu 15 ngày đầu tháng 9/2022 của Việt Nam được 5.983 tấn, kim ngạch đạt 23,9 triệu USD. Lũy tiến từ đầu năm đến 15/9/2022, lượng xuất khẩu Việt Nam đạt 166.672 tấn, kim ngạch đạt 737,6 triệu USD.
Như vậy lượng xuất khẩu tiêu so với năm 2021 của Việt Nam đã giảm gần 40.000 tấn. Tuy nhiên kim ngạch vẫn cao hơn năm trước. Nhưng với đà giảm như hiện nay thì mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD năm 2022 của ngành tiêu khó mà đạt được.
Sáng 24/9, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng mạnh 1,67%, đạt mốc 113,02. Đồng USD đã tăng cao chạm mức đỉnh mới, cao nhất 22 năm qua. Tình hình này tiếp tục ảnh hưởng xấu tới giá hồ tiêu.
Theo Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế, thị trường tuần này cho thấy phản ứng trái chiều khi chỉ có giá tiêu trong nước của Sri Lanka tăng. Nguyên nhân được cho là do hầu hết các đồng tiền của các nước đều suy yếu so với đồng USD. Ấn Độ có giá tiêu phản ứng tiêu cực sau khi ổn định trong 2 tuần qua do sự suy yếu của đồng Rupee Ấn Độ.
Theo cập nhật từ Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) ngày 23/9 (theo giờ địa phương), tiêu đen Lampung (Indonesia): ở mức 3.877 USD/tấn, giảm 0,4% so với đầu tuần; Tiêu đen Ấn Độ ASTA: 6.406 USD/tấn, giảm 1,6%. Trong khi đó, tiêu đen Brazil ASTA 570 giữ ổn định ở mức 2.750 USD/tấn; Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA duy trì ở mức 5.900 USD/tấn; Tiêu đen Việt Nam gói 500g/l: 3.350 USD/tấn, không đổi
Đồng USD tiếp tục tăng mạnh và chạm mức đỉnh mới, cao nhất 22 năm qua trong bối cảnh lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng.
Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới đang lựa chọn việc tăng lãi suất tiền tệ để kìm hãm làm phát. Và điều này tiếp tục tạo ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường hồ tiêu.