Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận tình trạng đi ngang khi không có biến động so với một ngày trước đó. Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương có mức giao dịch cao nhất cả nước, ở mức 62.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước hôm nay đi ngang. (Ảnh minh họa)
Tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu hôm nay ghi nhận mức 61.500/kg, không có thay đổi so với phiên giao dịch liền trước.
Giá tiêu hôm nay tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng ghi không có biến động so với ngày hôm qua, giao dịch ở mức 60.500 đồng/kg.
Trong khi đó, tại Đồng Nai cũng ghi nhận mức giá 59.500 đồng/kg, giữ nguyên so với một ngày trước đó.
Giá tiêu ở Gia Lai tăng lên mức 59.000 đồng/kg, không có thay đổi so với phiên giao dịch ngày hôm qua.
Địa phương | Giá (đồng) | Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng) |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 62.000 | - |
Bình Phước | 61.500 | - |
Đắk Lắk | 60.500 | - |
Đắk Nông | 60.500 | - |
Đồng Nai | 59.500 | - |
Gia Lai | 59.000 | - |
Giá tiêu trong nước tuần vừa qua ghi nhận tăng mạnh từ 2.500 - 3.000 đ/kg. Nguyên nhân cho đà tăng này là do tình trạng sản lượng vụ mùa suy giảm tại các địa phương.
Tại các vùng trồng trọng điểm, từ Đắk Nông, Gia Lai đến vùng Đông Nam Bộ đều ghi nhận tình trạng sản lượng kém hơn năm ngoái. Sản lượng vụ mới kém khả quan đang là nhân tố giúp thị trường hồi phục từ ngày sau Tết Nguyên đán đến nay.
Duy chỉ có một vài vùng trồng ở Gia Lai, Đắk Nông giữ vững sản lượng nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật, và canh tác theo phương pháp hữu cơ.
Nói về nguyên nhân hồ tiêu mất mùa, nhiều nông dân cho biết, năm ngoái mưa sớm, mùa khô ngắn, nên không có thời gian ép nước để kích thích cây ra hoa. Thời gian sau đó lại mưa kéo dài liên tục, hoa hồ tiêu không phân hóa được, dẫn tới không đậu quả. Nhiều nông dân dù có kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc hồ tiêu, nhưng vẫn không khắc phục được.
Theo các chuyên gia, đà tăng của hồ tiêu tiếp tục được duy trì, nhưng không kỳ vọng như năm 2021. Với đà tăng này, giá tiêu có thể lên 65.000 đồng/kg trong tháng 2/2023, còn động lực tăng tiếp phải chờ đợt điều chỉnh chính sách tiền tệ mới của Fed cũng như bức tranh sản lượng vụ mùa năm nay tại Việt Nam rõ ràng hơn.
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, trong tháng 1/2023 xuất khẩu tiêu của Việt Nam đạt 12.653 tấn, tiêu đen đạt 11.351 tấn, tiêu trắng đạt 1.302 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 43,6 triệu USD, tiêu đen đạt 37,1 triệu USD, tiêu trắng đạt 6,5 triệu USD, so với tháng 1/2022, lượng xuất khẩu giảm 21%.
Số liệu xuất nhập khẩu tháng 1/2023 giảm cũng là điều dễ hiểu, do năm nay trùng với thời điểm Tết Nguyên đán, năm ngoái Tết Nguyên đán rơi vào tháng 2/2022.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu hôm nay không có biến động mới so với hôm qua Cụ thể, tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung giữ ở mức 3.624 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này đang ở mức 6.110 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia duy trì ổn định ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này vẫn có giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giữ ở mức 2.900 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l giữ ở mức 3.250 - 3.350 USD/tấn. Và giá tiêu trắng có mức 4.750 USD/tấn.
Ấn Độ hiện vẫn là nước nhập khẩu ròng hạt tiêu trong gần một thập kỷ. Tại đây, hồ tiêu được trồng xen với các cây trồng khác như cà phê, chè và cao su.
Karnataka và Kerala là hai vùng trồng tiêu trọng điểm, lần lượt chiếm 65% và 30% tổng diện tích trồng tiêu của cả nước. 5% còn lại là từ Tamil Nadu và các khu vực khác.
Trong khi cây trồng phát triển khỏe mạnh ở một số khu vực, các khu vực khác lại chứng kiến lượng mưa cao hơn bình thường và gió mùa kéo dài, làm ảnh hưởng xấu đến quá trình ra hoa và phát triển cây trồng.
Chi phí nhân công cao đang khiến người trồng tiêu Ấn Độ không muốn loại bỏ những dây leo cũ và trồng những dây leo mới. Nhìn chung, ngày càng nhiều nông dân Ấn Độ từ bỏ trồng tiêu và chuyển sang trồng cà phê, gừng và thảo quả.
Tổng sản lượng tiêu tại Ấn Độ trong niên vụ 2022 - 2023 dự kiến đạt 53.500 tấn, giảm so với 57.000 tấn trong niên vụ 2021 - 2022. Diện tích sản xuất giảm 35 - 40% so với đầu những năm 2000. Hầu hết nông dân trồng tiêu Ấn Độ không muốn bán sản phẩm của mình ở mức giá hiện tại do không đủ bù chi phí sản xuất.
Giá tiêu tại Indonesia liên tục được điều chỉnh tuần qua. Tại quốc gia này, tình trạng mất mùa cũng được ghi nhận, khiến lượng hàng xuất khẩu giảm đáng kể. Lượng tiêu thu hoạch chủ yếu dùng để tiêu dùng trong nước, thương nhân khó khăn khi tìm mua hàng.
Theo ghi nhận, sản lượng hồ tiêu của Indonesia giảm do hạn hán liên tiếp trong nhiều năm và giá cả không khả quan. Dự báo, sản lượng vụ mùa 2023 sẽ vào khoảng 48.000 tấn, thấp hơn so với mức 52.000 tấn trong niên vụ trước.
Việt Nam tiếp tục là nước nhập khẩu hạt tiêu lớn nhất của Indonesia (37%), tiếp theo là Trung Quốc (20%), Mỹ (12%), Ấn Độ (9%) và Đức (3%).