Giá tiêu trong nước hôm nay ghi nhận không có sự biến động so với ngày trước đó, giá trong nước cao nhất ở mức 62.000 đồng/kg.
Giá tiêu trong nước hôm nay không có biến động. (Ảnh minh họa)
Cụ thể, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 62.000 đồng/kg, không có sự thay đổi.
Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Bình Phước ở mức 61.000 đồng/kg, giữ nguyên so với hôm qua.
Tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông, giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 60.500 đồng/kg, cũng không ghi nhận sự thay đổi so với phiên giao dịch trước.
Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu ở mức thấp nhất cả nước, giao dịch về mức 59.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 59.500 đồng/kg, giữ nguyên mức giá của hôm qua.
Địa phương | Giá (đồng) | Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng) |
Bà Rịa - Vũng Tàu | 62.000 | - |
Bình Phước | 61.000 | - |
Đắk Lắk | 60.000 | - |
Đắk Nông | 60.000 | - |
Đồng Nai | 59.000 | - |
Gia Lai | 59.500 | - |
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 11/2022 khối lượng hạt tiêu xuất khẩu ước đạt 16 nghìn tấn, đạt 58 triệu USD về giá trị, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 11 tháng năm 2022 đạt 208 nghìn tấn, giảm 15,4% về khối lượng và giá trị đạt 895 triệu USD, tăng 3,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, từ dữ liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10/2022 lượng xuất khẩu hồ tiêu đạt 17.596 tấn, tăng 3.732 tấn, tức tăng 26,92 % so với tháng trước và tăng 938 tấn, tức tăng 5,63% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó thấy được, xuất khẩu tháng 11/2022 đã suy giảm trở lại. Một phần nguyên nhân được cho là do chính phủ Trung Quốc vẫn kiên trì với chính sách Zero Covid trong tháng qua.
Trong hơn một thập kỷ qua, ngành hồ tiêu Việt Nam đã trải qua giai đoạn thăng trầm khi có thời điểm đạt đỉnh gần 230.000 đồng/kg, có thời điểm giá giảm xuống mức 34.000 đồng/kg. Hiện nay, giá hồ tiêu ở mức 60.000 đồng/kg.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, nhận định, xuất khẩu tiêu được dự báo vẫn nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia, đặc biệt là nhu cầu từ Trung Quốc và đồng USD neo cao đang kìm hãm xuất khẩu các nước.
Tuy vậy, theo đánh giá của Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế, bức tranh thị trường thương mại hồ tiêu không hoàn toàn màu tối. Quy mô thị trường hạt tiêu đen toàn cầu ước đạt trị giá 3.159 triệu USD vào năm 2021 và dự báo, thị trường sẽ điều chỉnh lại quy mô lên 4.184,2 triệu USD vào năm 2028 với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,1% trong giai đoạn 2022 – 2028.
Thị trường tiêu đen chịu ảnh hưởng trực tiếp từ ngành công nghiệp thực phẩm chế biến đang phát triển. Sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm bánh mì, bánh kẹo, đồ ăn sẵn và đồ chiên rán ở các nền kinh tế phát triển đang thúc đẩy thị trường gia vị. Song song đó, xu hướng sử dụng chất điều vị tự nhiên gần đây cũng đã thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường tiêu đen toàn cầu.
Trên thị trường thế giới, giá tiêu tăng nhẹ ở Indonesia và đi ngang ở thị trường khác. Cụ thể, tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung quay đầu tăng 0,24%, lên mức 3.813 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng tăng nhẹ 0,23%, ở mức 6.006 USD/tấn.
Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia vẫn đang neo ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này đang giữ ở mức giá 7.300 USD/tấn.
Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 không đổi, duy trì ở mức 2.625 USD/tấn.
Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l duy trì ở mức 3.150 - 3.250 USD/tấn. Và giá tiêu trắng vẫn đang chững lại tại mức 4.600 USD/tấn.
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) giá tiêu thế giới trong 5 năm qua có xu hướng giảm. Giá tiêu đen năm 2015 đạt đỉnh 10.000 USD/tấn (FOB) và 14.000 USD/tấn (FOB) đối với tiêu trắng, điều này đã dẫn đến việc mở rộng diện tích trồng tiêu ở hầu hết các nước sản xuất. Tuy nhiên do sự bùng nổ về diện tích, trong giai đoạn 2019 đến đầu năm 2020 ngành gia vị thế giới đã chứng kiến sự sụt giảm về giá tiêu với mức giảm 4 - 5 lần so với năm 2016.
Giá tiêu thế giới tăng trở lại từ tháng 4/2020 nhưng lại chứng kiến sự giảm một lần nữa từ đầu năm 2022 do nhu cầu yếu ảnh hưởng bởi khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc - nhà nhập khẩu hồ tiêu lớn thứ hai thế giới đóng cửa do COVID-19, khiến áp lực giảm giá đè nặng lên thị trường.
Hiện nay, Brazil đang có giá bán thấp nhất trong số các nước trồng tiêu, trong khi tiêu Malaysia được bán với giá tốt hơn và tiêu đen Ấn Độ được giao dịch với giá gấp đôi so với Brazil.