Bà Trần Thị Xuân, một cư dân lâu đời ở làng bún Phú Đô, Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: “Giá gạo nhập vào bây giờ tăng 22 giá, nghĩa là nếu trước đây là 18.000 đồng thì bây giờ là 20.200 đồng/kg. Điều này khiến chi phí sản xuất đội lên từ 1 - 1,5 triệu đồng mỗi ngày. Thế nhưng tôi lại chỉ dám tăng thêm 500 đồng cho mỗi kg bún, phở vì sợ mất khách. Nếu cứ kéo dài thì chắc tôi phải tăng giá bán cao hơn, nhưng lại lo tiêu thụ ít hơn trước. Tính cách nào cũng khó".
Cơ sở sản xuất bún gia truyền của bà Xuân đã trải qua 6 đời, với tuổi nghề gần 170 năm. Hiện mỗi ngày sử dụng hết khoảng 5 tạ gạo để sản xuất ra hơn 1 tấn bún tươi.
“Khách mua của mình hàng chục năm nay, không thể mỗi ngày tăng một giá được. Nhưng nếu cứ tiếp tục thế này thì không khác nào làm không công. Nếu giá gạo tăng tiếp thì chắc chắn giá bún phải tăng lên tiếp, không là lỗ nặng”, bà Liên thở dài.
Giá gạo tăng khiến việc sản xuất bún tại làng Phú Đô gặp khó.
Hơn 10 năm làm đặc sản bún ngũ sắc, nhưng đây là lần đầu tiên chị Tô Ái Thương ở xã Hưng Đạo (TP.Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) chứng kiến giá gạo tăng theo ngày như vậy.
“Giá gạo tăng liên tục, mỗi kg gạo đến giờ đã tăng 4.000 - 5.000 đồng rồi. Giá gạo tăng đồng nghĩa với việc khó nhập hơn, xưởng phải bỏ nhiều chi phí hơn để nhập. Sản lượng gạo nhập được ít hơn nên lượng bún, phở thành phẩm cũng ít đi, không đủ cung cấp đầu ra”, chị Thương nói.
Để duy trì hoạt động, gia đình chị Thương buộc phải giảm sản lượng sản xuất xuống còn 1/3, từ chỗ dùng 7-8 tạ gạo mỗi ngày giờ chỉ còn 2-3 tạ.
Mặc dù giá gạo tăng từ tháng 7 nhưng mãi tận giữa tháng 8, xưởng sản xuất bún ngũ sắc nhà chị Thương mới bắt đầu tăng giá bán và thông báo đến các đại lý bán lẻ đồng hành với những khó khăn của xưởng khi giá gạo tăng cao.
Cơ sở sản xuất bún ngũ sắc của gia đình chị Thương buộc phải giảm công suất còn 1/3 vì giá gạo tăng cao.
Theo khảo sát, tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội, giá bún tươi, phở tươi, bánh cuốn, lá phở đều đã tăng từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Cụ thể, bún tươi có giá 13.000 - 15.000 đồng/kg, bún khô giá 35.000 đồng/kg, bánh cuốn giá 25.000 đồng/kg.
Trong khi đó, hầu như các loại gạo đều tăng giá từ 25-30%, tăng mạnh nhất phải kể đến loại gạo dùng để sản xuất bánh, bún, phở. Vì vậy, giá các loại thực phẩm chế biến từ gạo cũng đều tăng theo.
Giá gạo bán lẻ không ngừng biến động theo chiều hướng tăng.
Ông Trần Trí Hiếu, chủ đại lý gạo Ngọc Phúc ở Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, trước việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, từ ngày 20/7, giá gạo tại thị trường trong nước cũng liên tục tăng.
Theo ông Hiếu, giá gạo được các đầu nậu áp giá sàn theo ngày và chỉ giữ nguyên đến 17h cùng ngày. Thậm chí có những thời điểm giá gạo biến đổi theo từng giờ. Điều này làm cho tiểu thương rất khó kinh doanh, bởi không thể bán cho người tiêu dùng với mức giá biến động theo từng giờ như vậy.
Theo đó, hiện các loại gạo tại đại lý gạo này đều đã tăng giá từ 2.000 - 5.000 đồng mỗi kg, cá biệt có loại tăng tới 7.000 đồng/kg là gạo giống Nhật tăng từ 17.000 đồng lên 24.000 đồng/kg. Các loại gạo khác như gạo Bắc hương tăng giá từ 16.000 đồng lên 18.000 đồng/kg; gạo tám Thái hạt nhỏ tăng từ 18.000 đồng lên 21.000 đồng/kg…