Ngày 22/7, nhà văn Sơn Tùng trút hơi thở cuối cùng tại nhà riêng vào khoảng 23h05. Ông ra đi ở tuổi 94, sau hơn 11 năm cùng người vợ tảo tần, thủy chung chống chọi với bệnh nặng do tai biến. Thông tin nhà văn Sơn Tùng qua đời khiến giới trong nghề cũng như bạn đọc gần xa tiếc nuối.
Lễ tang nhà văn Sơn Tùng diễn ra vào sáng 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia, Hà Nội.
Lễ viếng nhà văn Sơn Tùng diễn ra vào 7h30 sáng nay (26/7) tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ truy điệu vào lúc 8h30. Linh cữu của ông sẽ được gia đình đưa về miền quê biển làng Kim (xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An), nơi sinh ra và hun đúc nên một hình tượng đẹp trong văn học nghệ thuật nước nhà. Tang lễ diễn ra giản dị, đảm bảo nguyên tắc 5K phòng chống dịch trong bối cảnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở Hà Nội.
Đến tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng có bạn bè, đồng nghiệp trong giới văn chương, có PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập Báo Tiền phong...
Đến tiễn biệt nhà văn Sơn Tùng về nơi an nghỉ cuối cùng có bạn bè, đồng nghiệp trong giới văn chương.
Nhà văn Sơn Tùng tên thật là Bùi Sơn Tùng. Ông sinh ngày 8/8/1928 tại làng Hoa Lũy (nay là Kim Lũy, xã Diễn Kim, Diễn Châu, Nghệ An). Ông tham gia cách mạng từ năm 16 tuổi, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ở nhiều vai trò như phóng viên, tuyên truyền...
Sau chiến tranh, ông là thương binh hạng 1/4, nửa người bên phải gần như bị liệt, bàn tay bị mất ba ngón, mắt phải chỉ còn 1/10 thị lực.Thế nhưng, dù là thương binh hạng nặng, sự nghiệp cầm bút của ông vẫn không bị hao mòn. Ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011.
Nhà văn Sơn Tùng là nhà văn Việt Nam có nhiều tác phẩm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và các danh nhân cách mạng, danh nhân văn hóa Việt Nam. Ông viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng lòng ngưỡng mộ, say mê và tôn thờ. Nhà văn Sơn Tùng dành cả cuộc đời của mình từ khi mới ngoài hai mươi tuổi đến năm hơn tám mươi tuổi để tìm hiểu về Bác.
Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền phong xúc động nói lời từ biệt nhà văn Sơn Tùng.
Tác phẩm tiêu biểu nhất của ông là tiểu thuyết "Búp sen xanh" viết về Bác Hồ từ những ngày thơ ấu cho đến khi ra đi tìm đường cứu nước. Ra mắt lần đầu năm 1982, cho tới nay “Búp sen xanh” đã được tái bản lần thứ 30 và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác trên thế giới.
"Búp sen xanh” là kết tinh của lòng yêu kính vô bờ với vị lãnh tụ của dân tộc và quá trình điền dã bền bỉ, nghiên cứu tài liệu không mệt mỏi của nhà văn Sơn Tùng suốt mấy chục năm. Từ năm 1948, nhà văn Sơn Tùng đã đến gặp trực tiếp bà Thanh và ông Khiêm – là anh chị ruột của Bác, được gia đình cung cấp những tài liệu quý báu về cuộc đời, gia cảnh của Bác.
Cho đến nay “Búp sen xanh” vẫn là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ Thời thơ ấu, Thời niên thiếu cho đến Tuổi hai mươi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước chân xuống con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để ra đi tìm đường cứu nước.
Bên cạnh đó, nhà văn Sơn Tùng còn có nhiều tác phẩm văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn khác như "Bên khung cửa sổ" (1974), "Trần Phú" (1980", "Lõm" (viết năm 1976, in lần đầu năm 1994), "Trái tim quả đất" (viết năm 1988, in lần đầu năm 1990), "Bác ở nơi đây" (2005)... Ông từng viết khoảng 100 bài thơ, trong đó có bài "Gửi em chiếc nón bài thơ", được nhạc sĩ Lê Việt Hòa phổ nhạc.