Nhận hoá đơn tiền điện tháng 5, nhiều khách hàng không khỏi giật mình khi số tiền phải nộp tăng gấp 2, gấp 3 lần, thậm chí có hộ gia đình tăng gấp 5 lần.
Chị Nguyễn Thị Hải (Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, ngày 5/6 chị nhận được tin nhắn báo số tiền điện phải nộp tháng 5/2020 là 1,9 triệu đồng, trong khi tháng trước là 450.000 đồng.
Giá điện tăng gấp 5 lần, làm thế nào để kiểm tra?
Theo chị Hải, tháng này nhà chị vẫn bật điều hoà như mọi khi, có thể nắng nóng bật nhiều hơn chút, nhưng cũng không thể tăng gấp gần 5 lần như vậy được.
Giống như chị Hải, nhà anh Chữ (Hoàng Mai, Hà Nội) cũng rất bức xúc khi hoá đơn tiền điện tăng gấp đôi, trong khi nhu cầu sử dụng điện của gia đình anh gần như không có nhiều thay đổi. Tháng này gia đình anh còn vắng nhà 4 ngày đi nghỉ mát.
“Tiền điện tăng như vậy là rất phi lý, nhà tôi tháng nào cũng chỉ dùng điện tầm 700.000 đồng/tháng, nhưng tháng này hết 1,4 triệu đồng. Tôi không hiểu công tơ điện chạy kiểu gì mà tăng như vậy”, anh Chữ đặt câu hỏi.
Liên quan đến những hoá đơn tiền điện tăng vọt này, trả lời báo chí, đại diện Tổng Công ty điện lực TP Hà Nội (EVN HANOI) cho biết, việc giảm giá điện được thực hiện theo Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ tháng 3/2020 và công văn số 2698/BCT-ĐTĐL ngày 16/4/2020 của Bộ Công Thương về việc hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Theo đó, nội dung văn bản 2968 của Bộ Công thương nêu rõ: Giảm 10% tiền điện từ bậc 1 đến bậc 4. Những khách hàng trên 300 số sẽ được giảm mức cao nhất là 68.805 đồng; khách hàng dùng dưới 300 số thì lại ít hơn.
Đối với những phản ánh về việc tăng giá điện của người dân, EVN HANOI cho biết giá điện không hề tăng từ năm 2019 đến nay. Việc sử dụng điện tăng cao do cao điểm nắng nóng khiến giá điện tăng. Nếu sản lượng điện tiêu thụ tăng gấp đôi thì tiền điện sẽ tăng gấp 3 hoặc hơn gấp 3 do chính sách tính giá điện bậc thang.
Trước thực tế hoá đơn liên tục tăng cao, nhiều ý kiến hoài nghi liệu có tác động ngoại lực để điều chỉnh số điện trên công tơ?
Trả lời VTC News, TS Phùng Anh Tuấn - Trưởng bộ môn Thiết bị điện – điện tử Viện Điện Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết công tơ điện luôn luôn có sai số nhưng rất nhỏ, trong phạm vi cho phép và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp chứng nhận kiểm định.
“Về nguyên tắc, công tơ điện do cơ quan điện lực lắp cho khách hàng theo hợp đồng mua bán đều phải đảm bảo tiêu chuẩn về đo lường chất lượng, có dán tem kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định. Sai số có thể âm hoặc dương, nhưng rất nhỏ và nằm trong giới hạn cho phép”, Tiến sỹ nói.
Do đó, nếu khách hàng nghi ngờ công tơ của mình sai do đo đếm có thể yêu cầu đơn vị kinh doanh điện kiểm tra để đảm bảo công bằng trong việc mua bán điện.
Người dân cũng có thể tự kiểm tra tại nhà bằng cách đấu 2 công tơ nối tiếp nhau và so sánh chỉ số trên hai công tơ. Tuy nhiên, công tơ lắp đối chứng phải được kiểm định. Đồng thời, để hạn chế tranh cãi, vào thời điểm chốt số nên có biên bản giữa các bên và có ý kiến đơn vị độc lập.