Giá thịt lợn hơi liên tục tăng cao kể từ đầu tháng 4 đến nay, thời điểm này có địa phương đã lên tới mức 103.000 đồng/kg, kéo theo đó là giá thịt lợn tăng cao ngất ngưởng tại các chợ dân sinh cũng như siêu thị khiến người tiêu dùng phải hạn chế mua.
Đại diện ban quản lý chợ đầu mối về gia súc, gia cầm Hà Nam cho biết giá lợn hơi được giao dịch tại chợ hiện đã tăng lên so với tuần trước. Loại lợn đẹp thương lái thu mua với giá 100.000 đồng/kg, lợn xấu hơn có giá 96.000 - 97.000 đồng/kg. Lượng lợn về chợ cũng ít hơn và chủ yếu là lợn từ các địa phương thuộc miền Bắc.
Nguồn cung thịt lợn khan hiếm, nhiều tiểu thương phải "xí" phần từ hôm trước. (Ảnh: Ngọc Khánh)
Tại các siêu thị ở Hà Nội cũng đang có sự chênh lệch giá bán tương đối nhiều. Cụ thể, siêu thị BigC đang niêm yết giá thịt nạc thăn là 162.000 đồng/kg, nạc vai 178.000 đồng/kg, bắp giò 162.000 đồng/kg, thịt ba chỉ là 175.000 đồng/kg, đắt nhất là sườn non có giá 198.000 đồng/kg.
Tại siêu thị Vinmart, nạc thăn lợn có giá 194.900 đồng/kg, sụn sườn non có giá 239.900 đồng/kg, dẻ sườn có giá 235.000 đồng/kg, ba chỉ cũng được niêm yết với giá 135.000 đồng/kg.
Đối với loại thịt mát Meat Deli, thịt ba chỉ được niêm yết với giá 286.900 đồng/kg, sườn thăn có giá 295.900 đồng/kg, bắp giò không xương có giá 259.900 đồng/kg.
Giá thịt lợn cao kỷ lục không chỉ gây khó cho người tiêu dùng mà ngay cả giới tiểu thương cũng khốn khổ. Chị Hoa nhà ở Chương Mỹ, là tiểu thương bán thịt lợn tại chợ Khương Đình (Thanh Xuân) cho biết: "Giá lợn hơi đang rất cao, chúng tôi nhập thịt từ lò mổ đã lên tới 130.000 đồng/kg, giá bán lẻ đối với thịt ba chỉ là 160.000 đồng/kg, mông sấn là 150.000 đồng/kg, chân giò rút xương là 160.000 đồng/kg, sườn cũng chỉ dám bán với giá 170.000 - 180.000 đồng/kg. Trong khi đó, chỉ cần tồn 1 - 2kg thịt là chúng tôi đã lỗ vốn, coi như ngày đó làm không công".
Chị Hoa cũng chia sẻ do giá thịt tăng cao nên khách hàng cũng hạn chế mua thịt hơn, trước đây 100.000 đồng mua được một kg thịt lợn nhưng hiện tại chỉ mua được hơn nửa kg. "Đợt trước mỗi ngày tôi bán cả con lợn 100kg nhưng bây giờ bán cả ngày mới hết được 25 kg thịt lợn có khi còn không hết", chị Hoa nói.
Cũng là tiểu thương bán thịt lợn, chị Phương Mai đang tính chuyển nghề hoặc nghỉ bán một thời gian do lợi nhuận từ việc bán hàng quá thấp. "Nếu bây giờ chuyển được nghề ngay tôi cũng chuyển, chứ bán hàng thế này chán lắm rồi. Người mua hàng thì cứ nghĩ chúng tôi lấy lãi cao nhưng thực chất nhập vào cao thì chúng tôi phải bán giá cao. Có nhiều khách chỉ mua thịt nạc bỏ lại thịt mỡ, trong khi đó, thịt mỡ tôi chỉ bán được 50.000 đồng/kg, như vậy tính ra một cân thịt mỡ tôi lỗ tới 80.000 đồng/kg. Bây giờ buôn bán cũng chả đủ lãi, ngày nào bán tốt cũng chỉ được hơn 100.000 đồng, còn đã lỗ thì lỗ tới vài trăm ngàn nên tôi cũng không mặn mà".
Tuy vậy, dù giá thịt lợn cao nhưng không phải các tiểu thương muốn mua bao nhiêu cũng có. Một chủ lò mổ thông tin, do nguồn cung lợn khan hiếm nên số lượng lợn về lò mổ không được bao nhiêu, trong khi số lượng tiểu thương đặt lợn nhiều, do đó muốn đặt được hàng phải "xí" phần, đánh dấu lợn từ 10h đêm hôm trước sau đó sáng sớm hôm sau đến lò mổ nhận hàng.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 4/2020, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 224,89 triệu con, chỉ bằng 80,3 % so với thời điểm trước khi có dịch tả lợn châu Phi. Theo Bộ, tiến độ phục hồi đàn lợn tới thời điểm này chưa được như mong muốn, nguyên nhân là do các hộ bị ảnh hưởng chưa nhận được tiền hỗ trợ từ các địa phương, bên cạnh đó việc vay vốn từ ngân hàng cũng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, giá lợn giống tăng cao lên đến 2,5 - 3 triệu đồng/con, tiền thức ăn chăn nuôi cũng tăng 10%.
Video: Vì sao giá lợn lại tăng phi mã?