Trong cuộc họp về điều hành giá hồi cuối tháng 4, Thủ tướng yêu cầu cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hữu hiệu để sớm giảm giá thịt lợn hơi về khoảng trên dưới 60.000 đồng/kg.
Thủ tướng cho rằng giá thịt lợn hơi lên tới 90.000 đồng/kg là "quá đáng". Thủ tướng đặt vấn đề "người dân chăn nuôi có hưởng không hay chỉ một bộ phận được hưởng lợi?". Trong cuộc họp này Thủ tướng đã giao các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), Công Thương, Tài chính, Công an theo chức năng, nhiệm vụ được giao thực hiện ngay các giải pháp để bình ổn giá thịt lợn, trước hết là kiểm tra giá thành, đặc biệt là các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, quy mô lớn để có biện pháp hữu hiệu. Nếu phát hiện thao túng giá, đầu cơ, trục lợi phải xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, giá thịt lợn hơi vẫn tăng phi mã và đến nay nhiều nơi đã chạm mức giá 100.000 đồng/kg, đây là mức giá chưa từng có trong lịch sử ngành chăn nuôi.
Giá thịt lợn hơi vẫn không ngừng tăng.
Cụ thể, tại miền Bắc, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Nội, Hưng Yên đã ghi nhận mức giá từ 97.000 – 100.000 đồng/kg.Thủ phủ chăn nuôi lợn Đồng Nai cũng đã cán mốc 97.000 – 98.000 đồng/kg. Một loạt các địa phương thuộc khu vực Nam Bộ cũng dao động từ 90.000 – 95.000 đồng/kg.
Bàn về vấn đề trên, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đặt ra câu hỏi tại sao Chính phủ đã chỉ đạo mà giá vẫn tăng, liệu giá thịt lợn có phải "con ngựa bất kham" hay không?
Ông Long cho rằng, nguyên nhân thịt lợn tiếp tục tăng, cơ bản là do cung cầu là chính. Cơ chế cung cầu sẽ hình thành giá cả trên thị trường, trong khi đó đây là mặt hàng nhà nước không tham gia định giá.
"Chính phủ hô hào rất mạnh, họp các cơ quan chức năng lại để xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp kiên quyết hạ giá thịt lợn xuống nhưng đến nay giá vẫn cao. Bình thường, trên thị trường, khi chưa có dịch tả lợn Châu Phi giá cao nhất là 60.000 đồng/kg, với mức giá này người chăn nuôi đã có lãi lớn. Trong bối cảnh hiện nay nguyên nhân giá lợn tăng là do cung cầu mất cân đối. Cụ thể là nhu cầu tiêu thụ vẫn cao nhưng nguồn cung không đáp ứng được", ông Long dẫn giải.
Còn theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc thiếu hụt nguồn cung trầm trọng như hiện nay là do Bộ NN&PTNT đánh giá không đúng thực chất của vấn đề, mới đầu Bộ này cho rằng không thiếu nhiều nhưng sau đó lại báo thiếu 20% và đến cuối năm nay mới có thể cân bằng được.
"Bộ NN&PTNT có sự liên hệ mật thiết với các tập đoàn chăn nuôi. Tuy nhiên, chưa thấy số liệu nào công bố việc chấp hành của các tập đoàn này có nghiêm chỉnh hay không? Chưa có số liệu cụ thể mỗi ngày họ bán ra bao nhiêu con, số lượng thịt là bao nhiêu...Nhiều người cho rằng họ đang xuất nhỏ giọt. Thậm chí vừa rồi một số công ty chuyển sang xuất lợn mảnh để tránh chuyện xuất lợn hơi 70.000 đồng/kg”, ông Phú đặt vấn đề.
Đồng ý kiến với ông Phú, ông Ngô Trí Long đặt ra câu hỏi: "Tại sao Bộ Nông nghiệp lúc đầu không muốn cho nhập khẩu thịt lợn, có phải đằng sau Bộ này có lợi ích nhóm từ các công ty chăn nuôi lớn?. Vì nếu nhập khẩu thịt vào giá lợn sẽ hạ nhanh khiến các doanh nghiệp này thất thu. Hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nông nghiệp của các nước thừa rất nhiều phải bỏ đi rất nhiều, nguồn cung không hề thiếu. Trong khi đó ngay từ đầu Bộ Công Thương đã khẳng định là nguồn cung thiếu. Phải chăng Bộ này chưa thực sự khách quan trong việc điều tiết thị trường thịt lợn?".
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay con giống đắt và nằm chủ yếu tại các tập đoàn chăn nuôi. Họ đang độc quyền con giống, nếu họ không chia sẻ con giống thì chưa thể tái đàn.
Tuy nhiên, nhìn nhận về việc tái đàn không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm ngay, sản phẩm nông nghiệp cần phải có thời gian, có chu kỳ mới có thể cung ứng được.
Trong bối cảnh hiện nay biện pháp tốt nhất là phải nhập khẩu thịt lợn cho đủ nguồn cung, trên cơ sở đó mới có thể hạ giá. Theo số liệu Bộ Nông nghiệp công bố đến ngày 13/4 nước ta mới chỉ nhập được hơn 46.402 tấn, tức 46% số lượng yêu cầu.
Bên cạnh trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp, ông Vũ Vĩnh Phú cũng cho rằng khâu trung gian, vận chuyển mà cụ thể là trách nhiệm của Bộ Công Thương cũng "có vấn đề". Vị này cho rằng 2 Bộ: Công Thương và Nông nghiệp chưa phối hợp tốt khi được giao việc làm rõ giá trị gia tăng của từng khâu để xem khâu nào lãi nhiều, xem đây có phải nguyên nhân của việc tăng giá không. Tuy nhiên, hiện cũng không có một số liệu nào cụ thể về vấn đề này.
“Mặc dù số lượng thịt lợn nhập khẩu về có tăng nhưng vấn đề nghiêm trọng khác là việc phân phối thịt lợn nhập khẩu đang có vấn đề, các siêu thị phân phối rất nhỏ giọt. Tôi đi siêu thị xem trong số 40 khay sườn thì chỉ có 3 khay là sườn nhập khẩu. Thậm chí nhiều siêu thị tuyên bố không bán được thịt nhập khẩu. Bộ Công Thương tổ chức khâu trung gian cũng chưa thực sự tốt, tại sao không đưa thẳng từ trang trại đến khâu giết mổ và đến tay người bán lẻ mà phải qua rất nhiều trung gian?, ông Phú nói.
Video: Xử lý nghiêm hành vi thao túng giá lợn hơi