14h30 chiều nay (11/4) giá Bitcoin giao dịch ở ngưỡng 30.090 USD. Bitcoin đã tăng liên tục trong phiên giao dịch hôm nay. Đầu giờ sáng nay, giá Bitcoin giao dịch qua vùng 29.500 USD. Đến 9h (giờ Việt Nam), tiền số lớn nhất thế giới đạt gần 30.388 USD, tăng hơn 7% trong vòng 24 giờ. Đây là mức giá cao nhất kể từ ngày 10/6 năm ngoái.
Kể từ đầu năm, Bitcoin đã tăng 80%, mở rộng vốn hóa thị trường lên 585 tỷ USD. Khối lượng giao dịch trong 24h qua của đồng tiền số giá trị nhất thế giới cũng tăng 72% lên 21 tỷ USD.
Dẫu vậy so với đỉnh lịch sử, giá trị Bitcoin vẫn thiệt hại trên 56%. Tháng 11/2021, Bitcoin từng vượt mốc 69.000 USD và vốn hóa đạt 1.240 tỷ USD.
Giá Bitcoin tăng mạnh.
Theo Bloomberg, sự phục hồi của Bitcoin thậm chí mạnh mẽ hơn mức tăng 20% của chỉ số chứng khoán ngành công nghệ Nasdaq 100. Thực tế vào giai đoạn trước, Bitcoin thường có xu hướng biến động song song với Nasdaq 100.
CoinDesk dẫn lời Richard Mico - CEO nền tảng tài chính công nghệ Banxa - cho rằng thị trường nói chung đang tăng trưởng chậm lại và do đó Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ. Ông nêu quan điểm trên khi trái phiếu kho bạc hai năm của Mỹ đã giảm xuống dưới 4% từ mức cao nhất trên 5% vào đầu tháng 3.
"Hiện tại, Bitcoin đã là tài sản hoạt động tốt nhất năm 2023 và nó thường là tài sản phản ứng nhanh nhất và mạnh nhất với các thay đổi chính sách tiền tệ", ông nhấn mạnh.
Theo CNBC, nhiều nhà đầu tư bắt đầu suy đoán rằng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Mỹ được công bố ngày mai có thể đạt đến mức khiến Fed có lý do suy nghĩ về việc tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tiếp theo. Nhờ đó, các tài sản như Bitcoin được hưởng lợi.
Bob Ras, nhà đồng sáng lập Sologenic, một sàn giao dịch dựa trên blockchain để mã hóa chứng khoán, nói với CoinDesk rằng Bitcoin đã tách rời khỏi chứng khoán và cho thấy "sự hấp dẫn ngày càng tăng của nó như một nơi trú ẩn an toàn cho các nhà đầu tư".
Ông nói, mặc dù giai đoạn 2020-2021 được coi là thời kỳ đột phá, hiện tại mới là giai đoạn đánh dấu sự trỗi dậy của Bitcoin trên trường toàn cầu với tư cách là một "tài sản đáng gờm". Quan điểm này càng được củng cố trong bối cảnh bất ổn địa chính trị, hệ thống ngân hàng đang chao đảo và những lo ngại gia tăng xung quanh các loại tiền dự trữ.