Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Thông báo

Gửi bình luận thành công

Đóng
Thông báo

Gửi liên hệ thành công

Đóng
Đóng

Gen Z thất nghiệp chia sẻ bí quyết sống với 5 triệu đồng/tháng

(VTC News) -

Ai bảo gen Z chỉ biết tiêu tiền không chớp mắt, nhiều bạn trẻ có cách tiết kiệm rất khoa học để có thể sống khỏe với 5 triệu đồng/tháng, cách thức khác thế hệ trước.

Thế hệ Z thường được biết đến với kiểu vung tiền không biết "ghê răng", mỗi tháng làm ra 50 triệu đồng nhưng tiêu 49 triệu là hết sức bình thường. Tuy nhiên, rất nhiều người trẻ chi tiêu rất khoa học, biết cách tiết kiệm để sống bằng khoản ngân sách ít ỏi khi thất nghiệp hay gặp khó khăn về tài chính.

Những gen Z thất nghiệp sống với 5 triệu đồng/tháng

Thiên Thanh (24 tuổi ở TP.HCM) là một người sáng tạo nội dung. Thu nhập mỗi tháng trước đây của cô là 11 triệu đồng, và cô gái tiết kiệm được 3 triệu đồng. 

Năm 2024, công ty cắt giảm nhân sự. Thiên Thanh thất nghiệp đã được 2 tháng và sống nhờ vào khoản tiết kiệm, vì thế cô hạ mức chi tiêu mỗi tháng xuống 5 triệu đồng. “May trước đó tôi vẫn đề cao tiết kiệm nên nay mới có thể tiếp tục ở lại TP.HCM để tìm việc mới. Đương nhiên, tôi phải cắt giảm mọi khoản không cần thiết để chi tiêu ít nhất có thể”, cô chia sẻ.

Thanh đã phân chia các khoản chi một cách khoa học. Các khoản cố định sẽ được tách riêng như tiền trọ 1,7 triệu đồng, tiền ăn 2,5 triệu đồng.  Các khoản linh hoạt khác như xăng xe để đi xin việc 150 nghìn đồng; dầu gội, gia vị… khoảng 300 nghìn đồng; thuốc bổ, vitamin khoảng 300 nghìn đồng. Thanh hạ quyết tâm chừng nào chưa tìm được việc mới thì không đi cà phê với bạn bè, không mua thêm bất cứ thứ gì chưa cần thiết.

Trong thời gian thất nghiệp, Thiên Thanh sống nhờ các khoản tiết kiệm từ trước.

Những người như Thiên Thanh giúp xóa bỏ định kiến gen Z là thế hệ tiệu dùng, hoàn toàn không biết tiết kiệm. Thực tế nhiều người trẻ biết quản lý tài chính từ rất sớm, có phương pháp chi tiêu thông minh, khoa học. Phương Thảo, cô gái Đà Nẵng đang làm việc tại TP.HCM là một ví dụ.

Trước đây, Thảo làm về bất động sản, thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng. Đặc thù công việc đòi hỏi chi tiêu nhiều cho ngoại hình và di chuyển, cô cũng phải ăn ngoài nhiều và chi tiền quảng cáo… nên không tiết kiệm được mấy. Cuối năm 2023, Thảo chuyển hẳn sang công việc dạy kèm tiếng Anh trực tuyến cho sinh viên, người đi làm và sang năm 2024, cô quyết định lên kế hoạch chi tiêu thật khoa học để cắt giảm 50% mức chi so với trước.

Chuyển sang dạy học, Thảo tập trung vào chuyên môn để nhanh chóng tăng thu nhập. Cô dành thời gian ở nhà nhiều hơn, tự nấu ăn, tăng cường tập thể dục, chăm sóc bản thân và chỉ giữ lại những mối quan hệ thân thiết.

“Nửa năm qua, cuộc sống của tôi bình yên hơn rất nhiều và đạt những thành tựu không ngờ. Tôi đã trả được khoản nợ 30 triệu đồng, mua được xe mới, sống độc lập với mức sống khá ổn, lâu lâu gửi được ít tiền về cho mẹ, xây dựng được các dự án riêng, giảm 10kg và cảm thấy yêu đời hơn”, Thảo chia sẻ.

Năm 2024 là bước ngoặt lớn, khi Phương Thảo quyết định chi tiêu thật khoa học.

Những mẹo tiết kiệm khoa học của gen Z

Thiên Thanh đặt ra nguyên tắc “Tiết kiệm trước, chi tiêu sau”. Trước đây, mỗi khi nhận lương, cô đều dành ra một khoản bắt buộc để tiết kiệm và tuyệt đối không tiêu đến. Cô cũng liệt kê những khoản chi thuộc loại nếu không có cũng chẳng làm xáo trộn cuộc sống như làm nail, mua sắm quần áo, trà sữa... để khi khó khăn thì cắt giảm.

“Tôi biết có nhiều bạn trẻ đang gặp khó khăn trong việc tiết kiệm, không biết phải chi tiêu thế nào mới có dư. Hồi đó tôi học cách tiết kiệm bằng cách mỗi tháng để dành ra 1 triệu đồng, từ từ nâng lên 2 triệu, rồi 3 triệu. Song song với đó, tôi tự dặn bản thân không được xài hoang phí, tập chi tiêu hơi bủn xỉn một tí”, Thanh cho biết.

Còn Phương Thảo có ba nguyên tắc giúp bản thân tiết kiệm hơn. Đầu tiên là xem xét kỹ lại công việc đang làm, xét kỹ các chi phí đang bỏ ra và số tiền mình kiếm lại được liệu có nhiều như mình nghĩ.

“Ví dụ bạn đi làm công sở lương 12 triệu đồng, nhưng đâu có phải bạn nhận trọn số đó? Có nhiều chi phí ngầm như tiền trà sữa công sở khoảng 200 nghìn đồng, tiền ăn uống cuối tuần với đồng nghiệp, đi chơi 500 nghìn đồng, tiền xăng xe công việc 300 nghìn đồng, tiền mua quần áo mới 1 triệu đồng, tiền mỹ phẩm cũng tốn khoảng 1 triệu đồng… Khi tôi đổi việc và làm ở nhà thì cắt giảm được kha khá các chi phí 'vô hình' rồi”, Thảo chia sẻ.

Thứ hai, Thảo tạo file quản lý chi tiêu để kiểm tra hằng ngày đã tiêu những gì. Có những khoản linh tinh bản thân nghĩ là nhỏ nhưng tổng cả tháng lại rất nhiều, như tiền ăn vặt.

Thứ ba, Thảo luôn tìm thêm cách tăng thu nhập và học hỏi những kỹ năng, chuyên môn mới có thể giúp kiếm ra tiền trong tương lai. Cô học thêm tiếng Trung vì tin rằng ngôn ngữ này sẽ được sử dụng nhiều hơn. Cô cũng học viết lách, chia sẻ những gì mình biết và xây dựng cộng đồng trên mạng xã hội. “Ban đầu tôi không nhận được tiền nhưng dần dần được nhiều người biết tới, có thêm công việc, vài triệu đồng thôi nhưng vẫn vui” Thảo tự hào khi nói về những thành quả của mình.

Cũng coi việc tìm cách tăng thu nhập là một giải pháp quan trọng, Thiên Thanh nói: “Bây giờ, người trẻ có nhiều cơ hội để làm hai, ba việc cùng lúc. Gen Z nên thử sức để tăng thu nhập cho mình, lúc đó các bạn sẽ có thêm một khoản để tiết kiệm mà không cần phải thắt lưng buộc bụng quá mức". 

Hoàng Hà

Tin mới