Huy, sinh năm 2001, là em trai của bạn thân tôi. Cả hai chị em họ đều rất thông minh, tốt nghiệp đại học loại giỏi, cởi mở và tháo vát.
Tôi vẫn thường nghe bạn thân kể nhiều về Huy, từ lúc cậu chân ướt chân ráo ở quê vào TP.HCM nhập học cho tới hiện tại, khi đã ra trường. Huy chăm học, dường như ngoài thời gian học thì mỗi tuần chỉ dành vài giờ chơi thể thao và chơi game với bạn bè. Cậu tốt nghiệp đại học trước thời hạn vài tháng.
Tuy nhiên, qua vài lần tiếp xúc, tôi vẫn cảm nhận ở cậu thanh niên thông minh này một tính cách đặc trưng của gen Z: Thích thì làm, không thích thì thôi; mình giỏi, mình có quyền đặc biệt; không vừa lòng điều gì, lập tức "chiến" luôn... Tôi từng băn khoăn nói với chị của Huy rằng không biết khi ra trường và đi làm, cậu sẽ thế nào.
Gen Z có thể xin thôi việc vì những lý do mà các thế hệ trước cho là "trời ơi đất hỡi". (Ảnh minh họa)
Tháng 12 năm ngoái, bạn thân khoe với tôi: "Tháng 4/2024 trường mới tổ chức lễ tốt nghiệp, lâu quá nên Huy nó đi xin việc, được nhận thử việc rồi. Nghe nói lương cũng 'êm' lắm!". Biết mức lương "êm" mà cô ấy nói là 14 triệu đồng/tháng, tôi giật mình bởi đối với nhiều người đi làm lâu năm, vẫn là con số khó đạt.
Công ty Huy ứng tuyển là một doanh nghiệp nước ngoài có tiếng tại TP.HCM, chuyên về công nghệ. Công ty không bắt buộc làm giờ hành chính, chỉ cần chấm công và làm đủ 8 tiếng mỗi ngày. Có nghĩa là, giờ giấc rất thoải mái, Huy có thể đến công ty lúc 12h và ra về lúc 20h.
Vì tiếng Anh tốt, cậu được sắp xếp vào nhóm IT với những đồng nghiệp người nước ngoài. Môi trường năng động như vậy khiến những lo lắng của tôi và chị cậu ấy về tính bất ổn của gen Z cũng dần vơi đi.
Thế nhưng, sau gần một tháng làm việc, Huy bắt đầu than vãn những chuyện rất "trời ơi" về công việc: "Mấy ông đó nói tiếng Anh khó nghe quá, toàn phát âm sai tên em, Huy mà đọc là Húy; đi ăn chung không hợp khẩu vị; toàn bắt làm mấy việc lặt vặt...".
Chị của Huy vốn vui vẻ, lạc quan nhưng cũng không tránh nổi stress vì suốt ngày nghe em trai than thở, kêu ca. Là người đi làm lâu năm, cô nói đến rát lưỡi với em rằng môi trường làm việc thực tế luôn khắt khe, nhiều bất cập, không như trường học, nhưng những chia sẻ ấy với cậu vẫn như nước đổ lá môn.
Dù với nhiều người, 14 triệu đồng là số tiền lớn nhưng với Huy thì chỉ đủ để cậu ăn uống, mua sắm linh tinh, nhất là đổ vào mấy đồ chơi công nghệ. Dù đã có laptop và máy tính để bàn xịn, cậu vẫn xin ba mẹ mua thêm một bộ máy để bàn mới giá hơn 60 triệu đồng để hỗ trợ công việc.
"Từ hồi Huy đi làm, có lương thì nó bớt xin tiền ăn của tôi thôi, đủ tiêu xài hàng ngày, chứ mua cái gì lớn lớn thì vẫn gọi xin ba mẹ. Như cái máy tính để bàn, nó đòi mua vì ở nhóm làm việc của nó nhiều người xài", bạn thân kể với tôi.
Dạo gần đây, gia đình cô làm ăn thua lỗ, ba mẹ ở quê phải bán công ty và nhà cửa để khắc phục hậu quả. Tưởng rằng biến cố này sẽ buộc Huy "lớn" hơn, nhưng một ngày cậu làm chị gái ngã ngửa với thông báo đầy thản nhiên: "Em xin nghỉ việc rồi, nghỉ từ tháng sau. Em sẽ về quê chơi với ba mẹ. Đi làm chán quá, em cần chữa lành".
Thật ra, có một nguyên nhân khác thúc đẩy chàng trai quyết định nghỉ việc nhanh hơn, đó là công ty vừa thông báo sẽ kiểm tra năng lực với 5 nhân viên đang thử việc, chỉ hai người điểm cao nhất được giữ lại làm nhân viên chính thức. Huy bảo, thông báo này động vào lòng tự trọng của cậu; rõ ràng cậu đang làm việc rất tốt, tại sao không được nhận luôn mà phải trải qua thi với chọn.
Đơn xin nghỉ việc được Huy gửi lên quản lý cùng ngày mà công ty ra thông báo, không hề bàn trước với chị gái, cũng chẳng đoái hoài tới tình hình hiện tại của gia đình. Dường như ở tuổi 23, cậu vẫn vô tư đến mức không biết nuôi một miệng ăn không đơn giản. Cậu cũng chẳng bận tâm chuyện tấm bằng đại học chuẩn quốc tế, thiết bị phục vụ việc học và làm lên tới vài trăm triệu đồng... giờ vứt xó.
Huy tự tin rằng sau 6 tháng hoặc một năm "chữa lành", cậu có thể dễ dàng trở lại công việc. Lúc đó, không còn "mác" sinh viên mới ra trường, cậu nghĩ mình sẽ nhận được một công việc mới với mức lương "xứng đáng" hơn.
Được bạn thân nhờ cậy, vào đợt nghỉ, tôi qua nhà hai chị em chơi, nhân khi Huy khoe sắp được về quê "chữa lành" thì nói chuyện, khuyên nhủ một chút. Tôi phân tích, sau 23 năm được ba mẹ đầu tư vô số công sức và tiền của, hiện tại là lúc cậu phải có trách nhiệm với bản thân và gia đình. Hiện gia đình đang rất khó khăn, quyết định về quê của cậu không khác nào làm kẻ ăn bám.
Ngoài ra, mức lương tập sự 14 triệu đồng cùng cơ hội làm nhân viên chính thức của tập đoàn lớn đều không dễ có được, vậy mà thay vì cố gắng nắm chặt lấy cơ hội, cậu lại dễ dàng từ bỏ với lý do lãng xẹt, rõ ràng là không có chí tiến thủ.
Nghe những lời gan ruột của tôi, Huy tức giận bảo "Chị về đi!", sau đó mọi tài khoản mạng xã hội của tôi đều bị cậu hủy kết bạn.
Bạn tôi cho biết hiện tại Huy đã về quê, làm một anh chàng ăn bám đúng nghĩa, tuy cao to khỏe mạnh, thông minh giỏi giang nhưng đến cả gói xôi sáng cũng phải ngửa tay xin tiền ba mẹ. Không biết phải mất bao lâu cậu mới chán cuộc sống "chữa lành" này để trở lại với đường đua công việc, thể hiện năng lực, trí tuệ mà bản thân luôn rất tự hào và những người biết cậu đều ghi nhận?