Lúc đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, Lê Quang Huy (sinh viên năm nhất ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM) không nghĩ rằng gần một học kỳ trôi qua, em vẫn chưa được đến trường.
“Lúc dự thi, dịch COVID-19 ở TP.HCM căng thẳng, em mới chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ học online và đến khoảng tháng 9, em hiểu không thể đến trường sớm dù vẫn thích học trực tiếp hơn”, Quang Huy - chàng trai từng đạt điểm 10 môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT - chia sẻ.
Không chỉ Quang Huy, nhiều sinh viên năm nhất khác vẫn chưa biết giảng đường đại học như thế nào. Họ tiếp tục học trực tuyến như hồi còn ở THPT dù tâm thế thay đổi ít nhiều.
Hồi học THPT, Quang Huy không ngờ đến việc lên đại học, em tiếp tục phải học trực tuyến trong thời gian dài. (Ảnh: Q.H)
Hai tháng qua, việc học trực tuyến của Quang Huy vẫn gặp một số khó khăn do thỉnh thoảng, đường truyền thiếu ổn định. Nam sinh thừa nhận thêm việc không lên lớp khiến độ tập trung giảm.
Tuy nhiên, nếu so với thời gian học online hồi THPT, Lê Quang Huy đánh giá học ở bậc đại học tốt hơn khi có thể tương tác với bạn bè, giảng viên nhiều hơn. Ở các môn học, thầy cô giao bài tập nhóm qua Google Meet, sinh viên cũng thực hiện thuyết trình thay vì chỉ nghe giảng. Theo Huy, chất lượng học online đạt khoảng 70%.
"Giảng viên nhiệt tình, chỉ cách học ở môi trường mới hiệu quả nhất, đặc biệt rất sáng tạo và quan tâm sinh viên. Hơn thế, bạn bè vui vẻ, nhiệt tình giúp đỡ nhau dù chưa gặp nhau lần nào ngoài đời", chàng trai Thừa Thiên - Huế kể.
Tương tự, Nguyễn Thị Minh Nguyệt (Bình Phước, sinh viên năm nhất ĐH Ngân hàng TP.HCM) học online sang tuần thứ 14. Học kỳ I, em đăng ký 6 môn và đã hoàn thành một học phần.
Minh Nguyệt gặp một số khó khăn khi không thể trực tiếp trao đổi với giảng viên, bạn học. Nữ sinh thậm chí cảm thấy việc học online, rèn tính tự học hiện tại không khác gì hồi THPT. Thêm vào đó, dù đã gần qua một học kỳ, em chưa kết bạn được với nhiều người do chỉ biết, nói chuyện qua các nhóm chứ chưa gặp mặt.
Trong khi đó, ngoài những khó khăn thường gặp về đường truyền, khó tập trung, một số sinh viên năm nhất cho rằng việc học online cũng có thuận lợi.
Kim Ngân (ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết học trực tuyến giúp em có thể xem lại video các buổi học, đặc biệt khi gặp phần chưa hiểu. Nữ sinh cũng đánh giá việc trao đổi tài liệu, gửi bài tập tiện lợi hơn khi không cần thêm bước in bài.
Thu Vân, sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng, trải qua hơn 2 tháng học online do dịch Covid-19. (Ảnh: T.V.)
Nguyễn Thu Vân (thủ khoa khối C của Hải Phòng, sinh viên năm nhất Học viện Ngân hàng) cũng chọn ghi hoặc chụp màn hình để xem lại bài giảng. Cách này hỗ trợ nữ sinh rất nhiều khi thời gian đầu, em gặp khó khăn vì thầy cô không theo sát từng học trò, nhấn mạnh từng chỗ, chờ sinh viên chép bài xong như ở bậc THPT.
Dù vậy, gần đây, Thu Vân có nhiều bài kiểm tra và xuất hiện sự khó khăn trong việc chuyển đổi file, nộp bài... dẫn đến mất thời gian và gây tâm lý khó chịu.
May mắn hơn, Châu Thái Bảo Ngọc (ĐH Y Dược Cần Thơ) đã được lên giảng đường trong 2-3 tuần. Tuy nhiên, trường nhanh chóng quay trở lại phương pháp trực tuyến do dịch.
Bảo Ngọc cho hay học online khiến em dễ mỏi mắt, đau lưng do phải ngồi trước thiết bị điện tử quá lâu. Chưa kể đến, việc học từ xa đối với sinh viên ngành Y rất vất vả.
Nhờ rèn khả năng tự học, dù vẫn còn không ít khó khăn, sinh viên năm nhất vẫn có thể đảm bảo việc học. Tuy nhiên, họ thừa nhận có những điều ở môi trường đại học mà không thể trải nghiệm từ xa được.
Thu Vân chia sẻ em từng mơ tưởng đến môi trường đại học năng động với các câu lạc bộ, hoạt động, thời gian giải trí, học tập tự do và thoải mái hơn nhiều.
Thế nhưng, hơn 2 tháng trôi qua, nữ sinh làm mọi thứ, từ học hành đến tham gia câu lạc bộ, hoạt động ngoại khóa, đều qua màn hình. Trường vốn có nhiều hoạt động nhưng chỉ tham gia online khiến nữ sinh có phần chán nản.
"Một số bạn của em đã được đi học, làm quen bạn mới, trường mới. Các bạn đăng story trên mạng xã hội, rất vui, còn em lại làm mọi thứ qua màn hình. Học online, không được đến trường thực sự là một thiệt thòi", Thu Vân tâm sự.
Ước muốn trải nghiệm cuộc sống đại học của Kim Ngân cũng bị trì hoãn do dịch COVID-19. Kim Ngân cảm thấy thiệt thòi vì em cho rằng thời gian đầu khi mới lên đại học, sinh viên thường háo hức với môi trường sống mới.
Hiện tại, khi học online, dù quen thêm bạn mới, gia nhập câu lạc bộ song vì đều trực tuyến, mọi người không có nhiều hoạt động chung.
Nhiều dự định phải gác lại, Bảo Ngọc mong dịch sớm được kiểm soát để em có thể lên giảng đường học tập. (Ảnh: B.N.)
Cùng hoàn cảnh, Châu Thái Bảo Ngọc gác lại nhiều dự định như học thêm tiếng Anh, tiếng Trung, tập gym, chơi cầu lông đều thay đổi diện mạo mới lúc lên đại học hay làm thêm...
Và cũng như Kim Ngân, Thu Vân, nữ sinh ĐH Y Dược Cần Thơ tham gia sinh hoạt online tại các câu lạc bộ do trường tổ chức. Nhờ đó, Ngọc vẫn có cơ hội hoạt động, trao đổi, trải nghiệm những điều mới khác của cuộc sống đại học.
Trong khi đó, Minh Nguyệt tạm hoãn kế hoạch tham gia câu lạc bộ sang năm 2 vì khi chưa đến trường, em không biết nhiều về hoạt động cụ thể và việc đăng ký cũng bất cập. Vì thế, trong thời gian này, ngoài việc học online, nữ sinh ĐH Ngân hàng TP.HCM tranh thủ học thêm tiếng Anh, tin học.
Lê Quang Huy cũng dự định sẽ tham gia câu lạc bộ của trường từ năm 2. Nam sinh cảm thấy có phần thiệt thòi khi chưa từng được đến trường, cảm nhận giảng đường đại học như thế nào. Những dự định như tham quan thành phố trước khi nhập học, chụp ảnh kỷ niệm tại canteen hay các góc đẹp của trường đều chưa thể thực hiện vì dịch.
Gần một học kỳ trôi qua nhưng chưa được đến trường, những sinh viên năm nhất này rất mong sớm có thể lên giảng đường học tập, trải nghiệm cuộc sống mới trong môi trường đại học.
Tuy nhiên, Minh Nguyệt, Bảo Ngọc, Thu Vân, Kim Ngân cảm thấy nên chờ dịch được kiểm soát mới mở cửa trường học. Trong khi đó, dù vẫn lo ngại dịch bệnh, suy xét nhiều khía cạnh, Lê Quang Huy vẫn mong được học trực tiếp và đã sẵn sàng vào TP.HCM để lên giảng đường.