Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

F0 tự điều trị tại nhà có được cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh?

(VTC News) -

Người tự làm xét nghiệm dương tính bằng test nhanh, tự điều trị tại nhà, không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh.

Tại họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố chiều 12/9, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, đối với người tự làm xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 bằng test nhanh, tự điều trị tại nhà nếu không báo với y tế địa phương thì sẽ không có cơ sở để địa phương cấp giấy chứng nhận trường hợp đó từng là F0 và khỏi bệnh.

“Do đó, khi có kết quả test nhanh dương tính, người dân phải báo với ngành y tế địa phương để quản lý và cấp thuốc đặc trị, đồng thời có cơ sở để cấp chứng nhận khi khỏi bệnh”, ông Châu nói.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM. 

Ông Châu cũng cho biết thêm, thực tế có trường hợp địa phương không quản lý F0, để F0 đi khỏi nơi cư trú. Ngoài ra, nhiều trường hợp đã hoàn thành cách ly nhưng không nhận được chứng nhận. Do đó, UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương đặc biệt lưu ý phải tổ chức giám sát chặt chẽ, tuân thủ cách ly y tế với các trường hợp F0, F1 này.

Trong trường hợp người cách ly không tuân thủ cách ly tại nhà, địa phương phải chuyển vào khu cách ly tập trung. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 có trách nhiệm ban hành quyết định cách ly và cấp giấy xác nhận hoàn thành cách ly cho những trường hợp này. 

Về việc nhiều ý kiến thắc mắc đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc COVID-19 và tử vong, ông Châu cho biết, sau khi tiêm một mũi vaccine, cơ thể có kháng thể, ngăn khả năng mắc bệnh và bệnh nặng. Người tiêm 2 mũi thì cơ thể sẽ có nhiều kháng thể hơn và tỷ lệ mắc bệnh thấp hơn.

Theo các nghiên cứu khoa học, không có vaccine bảo vệ 100%. Tỷ lệ bảo vệ nhiễm bệnh của các vaccine hiện này dao động từ 70-80%, như vậy vẫn có khoảng 20% vẫn bị nhiễm COVID-19 sau khi tiêm.

Với biến chủng Delta có hiện tượng xuyên phá hệ thống miễn dịch, tức hệ miễn dịch của cơ thể không ngăn chặn hoàn toàn được biến chủng này, do đó những người đã tiêm vaccine vẫn nhiễm bệnh do chủng Delta.

Khi tiêm vaccine, cơ thể được bảo vệ không bị bệnh nặng nếu mắc bệnh. Trong đó, 90% nhiễm nhẹ, không cần thở oxy, 10% vẫn nhiễm bệnh nặng và tử vong. Tỷ lệ người lớn tuổi bảo vệ thấp hơn người trẻ, đối với người trên 65 tuổi, vaccine chỉ bảo vệ khoảng 80-85% trong khi người trẻ là 90%”, ông Châu cho biết.

Ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM. 

Cũng tại họp báo, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống COVID-19 TP.HCM cho biết, tính đến sáng 11/9, thành phố có 292.403 ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố, trong đó 291.930 ca nhiễm trong cộng đồng, 473 trường hợp nhập cảnh.

Hiện điều trị 39.433 bệnh nhân, trong đó có 2.805 trẻ em dưới 16 tuổi, 2.790 bệnh nhân nặng đang thở máy và 21 bệnh nhân can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo). 

Ngày 11/9, TP.HCM có 2.925 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1 đến nay là 147.416 bệnh nhân. Trong ngày, có 200 ca tử vong, tăng 12 ca so với ngày 10/9. 

Tổng số mũi vaccine đã tiêm đến ngày 11/9 là 7.774.789 mũi, trong đó tổng số mũi 1 là 6.472.672, mũi 2 là 1.302.117. Số người được tiêm trên 65 tuổi, người có bệnh nền là 882.292.

MAI THÚY

Tin mới