Ngoài việc đưa thuốc kháng virus Molnupiravir tới tận nhà bệnh nhân, Truyền còn hướng dẫn cho họ cách sử dụng, điều trị, chăm sóc sức khoẻ và tinh thần.
Truyền kể, các bệnh nhân ở các địa bàn khác nhau như Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Quận 8, Thủ Đức… Nếu đi một mình, Truyền đăng ký nhận đưa thuốc cho 4 đến 5 F0 tại nhà. Nếu đi chung với bạn khác, cả hai sẽ nhận đưa thuốc cho khoảng 10 người.
Lê Thanh Truyền - sinh viên Đại học Y Dược TP.HCM.
Để cẩn trọng trước khi đưa thuốc kháng virus Molnupiravir cho các F0, tối hôm trước Truyền tranh thủ đọc lại các kịch bản, tình huống có thể xảy ra cần phải xử lý. Cậu cũng tự ôn lại các kiến thức cũng như những nội dung cần phổ biến cho bệnh nhân như tên thuốc, tác dụng thuốc, hướng dẫn tham gia điều trị bằng thuốc, cách sử dụng và điều trị như thế nào…thậm chí các thông tin khác ngoài việc cung cấp thuốc.
7h sáng hằng ngày, Truyền có mặt ở Đại học Y Dược TP.HCM để ăn sáng với suất ăn do đội hậu cần của trường cung cấp. Sau đó, tham dự họp với các ban điều phối hoạt động, nhận thông tin bệnh nhận, phiếu nghiên cứu, thuốc từ nhóm điều phối, giấy đi đường, máy đo nồng độ ô xy trong máu, mặc đồ bảo hộ… và tự chạy xe máy lên đường.
Trước khi tới nhà bệnh nhân, Truyền gọi điện xác minh thêm một lần nữa, đề phòng họ đã di chuyển đến nơi khác hoặc cũng có thể đã vào khu cách ly do bệnh đã trở nặng.
Dù đã chuẩn bị kỹ, song có những trường hợp khi tới nơi thì nhà đóng cửa và phải gọi rất lâu mới mở. Một số người bệnh ở sâu trong khu phong tỏa, để tới nhà Truyền phải đi đường vòng mới có thể tiếp cận được.
“Có những trường hợp em đi một “lèo” là tới nhà, nhưng có trường hợp khá tốn thời gian. Những tình nguyện viên như em phải mặc đồ bảo hộ kín mít, chạy xe máy đi ngoài trời nắng, mồ hôi chảy ròng rất mệt”– Truyền kể.
Tới nơi, Truyền tự giới thiệu, sau đó đo nồng độ oxy trong máu, trò chuyện, phát thuốc điều trị COVID-19, cũng như hướng dẫn cách sử dụng, giải đáp thắc mắc cho bệnh nhân…
“Mỗi bệnh nhân nhận thuốc thông thường họ sẽ có bác sĩ theo dõi hỗ trợ điều trị. Khi đưa thuốc, bệnh nhân thắc mắc rất nhiều và em phải giải đáp tường tận để họ hiểu. Em tư vấn, động viên họ an tâm điều trị, giữ tinh thần, lạc quan ăn uống đầy đủ để nhanh khỏi bệnh”- Truyền cho hay.
Sáng nào Truyền cũng đưa thuốc kháng virus Molnupiravir cho các F0 điều trị tại nhà.
Trong hành trình đưa thuốc cho các F0, Truyền nhớ có người vừa xác nhận có nhà nhưng khi cậu tới nơi thì bệnh nhân đã phải vào viện chăm sóc người nhà cũng là F0 bất ngờ trở nặng. Vì thế, Truyền lại chạy xe từ nhà bệnh nhân đến bệnh viện để đưa thuốc cho họ.
“Em gọi bệnh nhân ra ngoài bệnh viện nhận thuốc. Em và bệnh nhân ngồi dưới gốc cây để hướng dẫn, tư vấn, sau đó lấy yên xe máy làm bàn để bệnh nhân ký xác nhận. Em nhớ có một chú nhận hộp thuốc em đưa chú vui lắm. Chú đi vào bệnh viện cứ ngoái đầu lại nhìn em hoài”.
Một F0 khác được Truyền giao thuốc lại chính là sinh viên cùng trường, nhiễm bệnh sau một thời gian tham gia chống dịch.
"Nhìn bạn, em thấy rưng rưng… Em không nghĩ có lúc mình lại đi giao thuốc cho chính đồng đội của mình trị bệnh. Điều đó có nghĩa nguy cơ là hoàn toàn có, vì vậy em luôn nhắc nhở bản thân mình trước khi muốn giúp đỡ được cho nhiều người thì mình phải thật cẩn thận, giữ gìn sức khoẻ, tuân thủ đúng quy định… bởi nếu mình bị COVID-19 không những sẽ không hỗ trợ được bất kỳ ai mà còn làm cho mọi người lo lắng”.
Ngoài ra, Truyền cũng có những kỉ niệm vui. Đó là những bệnh nhân được Truyền hỗ trợ, tư vấn sau khoảng 4-5 ngày thì cậu nhận được tin báo họ đã âm tính với SARS-COV-2…
"Đó là niềm vui rất lớn không có gì diễn tả được. Có nhiều bệnh nhân nhận được thuốc điều trị họ rơi nước mắt vì vui. Với đó là điều rất ý nghĩa, vinh dự và dù nhỏ bé nhưng là trách nhiệm mình đã chọn khi chọn học ngành y".
Sau khi hoàn thành việc đưa thuốc trong ngày, Truyền sẽ quay về trường tháo đồ bảo hộ bỏ vào nơi xử lý theo quy định. Sau đó Truyền về nhà tiếp tục làm khoá luận tốt nghiệp.
“Mỗi ngày em cố gắng sắp xếp thời gian phù hợp vừa làm tình nguyện vừa làm khoá luận tốt nghiệp. Sử dụng triệt để thời gian em thấy rất có ý nghĩa khi mình có thể chung tay, sát cánh cùng mọi người chống dịch”.
Truyền cho hay, tháng 10 này khi bảo vệ khoá luận tốt nghiệp xong sẽ tiếp tục xin vào bệnh viện dã chiến để điều trị cho bệnh nhân COVID-19.
Lê Thanh Truyền, từng là một trong những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Đại học Y Dược TP.HCM cách đây 6 năm. Truyền quê ở thôn An Trường, xã Phổ Ninh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Khi Truyền hơn 1 tuổi, mẹ bỏ đi để lại Truyền và em trai mới tròn 2 tháng. Khi Truyền lên 10, cha em bị bệnh nặng chỉ luẩn quẩn ở nhà. Đã vậy, em trai Truyền cũng mắc bệnh trầm cảm. Ở tuổi ăn, tuổi chơi, Truyền bỗng chốc trở thành lao động chính khi gánh cuộc sống của cả cha và em trên vai. Khi Truyền học lớp 11 thì cha qua đời, để lại cho hai anh em một căn nhà lụp xụp, 1 sào ruộng chỉ có thể trồng lúa.
Vượt qua nghịch cảnh, Truyền trúng tuyển vào ngành Y học dự phòng của Đại học Y Dược TP.HCM, vừa học vừa đi làm thêm để nuôi mình, nuôi em.