Hà Nội những ngày qua liên tiếp "lập đỉnh" số ca mắc COVID-19. Riêng hôm qua (24/2), số ca mắc mới lên đến 8.864, tiếp tục dẫn đầu cả nước. Bên cạnh đó các tỉnh miền Bắc cũng ghi nhận số ca tăng vọt, gần 20 tỉnh thành có số ca trên 1.000, như Bắc Giang 2.998, Hải Dương 2.944, Hòa Bình 2.595, Bắc Ninh 2.505, Phú Thọ 2.499, Nam Định 2.203, Vĩnh Phúc 2.013, Quảng Ninh 1.868, Hải Phòng 1.816, Ninh Bình 1.739, Hưng Yên 1.617, Yên Bái (1.556) Hà Giang (1.057).... Nhiều người đặt câu hỏi phải chăng Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã đạt đỉnh dịch?
Số ca COVID-19 ở Hà Nội liên tiếp lập đỉnh. (Ảnh: Hà Cường)
Miền Bắc đã vào đỉnh dịch?
Theo BS Trần Văn Phúc, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), số ca mắc COVID-19 tăng nhanh nhưng chưa thể đạt đến đỉnh dịch. Đỉnh dịch sẽ ở trong khoảng thời gian từ trung tuần tháng 3 trở ra. Hiện Việt Nam mới ở xuất phát điểm của biến thể Omicron và chắc chắn chúng ta sẽ phải đối mặt với số ca nhiễm tăng khủng khiếp trong thời gian tới.
BS Phúc dự đoán tháng 3 và tháng 4/2022, biến thể Omicron sẽ thống trị. Khi đó, nếu xét nghiệm đầy đủ thì số ca nhiễm cả nước có thể lên tới 250.000 - 300.000 ca mỗi ngày. Đến tháng 5/2022, số ca mắc lắng dần xuống và đến tháng 6/2022, về cơ bản, dịch bệnh sẽ ổn định ở Việt Nam.
BS Phúc phân tích, biến thể Omicron với sức lây nhiễm gấp 500% biến thể Delta, không quốc gia nào đủ sức mạnh ngăn cản nó. Tuy nhiên, Omicron cũng là cơ hội để các nước thoát khỏi đại dịch COVID-19. Thực tế, hầu hết ca nhiễm biến thể này không có triệu chứng, hoặc triệu chứng thoáng qua, bệnh nhẹ không cần phải can thiệp y tế. Bệnh nhân chỉ cần theo dõi tại nhà, dùng thuốc hạ sốt khi sốt trên 38,5 độ C những ngày đầu, hầu hết đều ổn định sau vài ngày. Đó là lý do Nauy, Đan Mạch, Thuỵ Điển, các quốc gia châu Âu nhanh chóng dỡ bỏ các biện pháp kiểm dịch, coi COVID là bệnh đặc hữu, chuẩn bị công bố thoát khỏi đại dịch COVID vào đầu tháng 4 này.
Việt Nam cũng đến thời điểm coi COVID-19 là bệnh lý đường hô hấp, tương tự như các bệnh lý đường hô hấp do các virus khác gây nên. Có nghĩa là trả COVID về cho tuyến y tế điều trị. Các bệnh viện đa khoa sẽ thành lập khoa COVID, hoặc ít nhất là đơn nguyên chẩn đoán và điều trị bệnh nhân COVID, thậm chí có những khoa dành riêng phòng điều trị bệnh nhân COVID.
Ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM cũng nhấn mạnh, Hà Nội và các tỉnh, thành miền Bắc chưa bước vào đỉnh dịch COVID-19. Bởi với số ca mắc hiện nay, không phải là quá cao. Hơn nữa, với biến chủng Omicron thì số ca mắc sẽ tiếp tục cao hơn nữa, ngay cả chủng Delta thì số ca mắc cũng sẽ tiếp tục tăng lên.
Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng thời điểm này chưa phải là đỉnh dịch của Hà Nội bởi số ca mắc thành phố tiếp tục tăng và điều này đã được dự báo từ trước.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. (Ảnh: TTXVN)
Cần quan tâm số ca trở nặng
Vẫn theo ông Đỗ Văn Dũng, Trưởng Khoa y tế công cộng, ĐH Y Dược TP.HCM, đỉnh dịch không quá quan trọng đối với những nơi đã tiêm chủng vaccine rồi. Vì vậy, việc cần tập trung bây giờ là giữ số ca trở nặng, số ca tử vong không tăng lên.
Theo vị chuyên gia này, khi vào đỉnh dịch, số ca tăng, đến lúc nào đó sẽ gây quá tải hệ thống y tế. Khi đó, nhiều nguy cơ người bệnh sẽ chuyển nặng, có thể tử vong. Ông dự đoán Hà Nội nói riêng và các tỉnh nói chung sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh nhưng cần thực hiện các giải pháp để khống chế số ca bệnh, không để bệnh nhân tăng đột biến. Theo đó các địa phương cần bảo phủ vaccine, bảo vệ nhóm nguy cơ và tăng mức độ thực hiện 5K của người dân.
BS Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM chia sẻ, Hà Nội cũng như các địa phương khác bước vào đỉnh dịch hay không không quan trọng. Hiện cần đánh giá số ca bệnh nặng tăng hay không, quá tải số ca điều trị hay không để đưa ra các giải pháp kịp thời.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 cũng từng trả lời báo chí rằng Hà Nội ngày càng tăng nên số bệnh nhân nặng cũng nhiều lên. Vì vậy, chúng ta nên tập trung số ca nặng, ca có nguy cơ chuyển nặng thay vì quan tâm ca nhiễm tăng từng ngày. Đặc biệt là việc phát hiện sớm để đưa vào bệnh viện các ca nguy cơ để điều trị, giảm ca chuyển nặng và giảm tỷ lệ tử vong.
Bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. (Ảnh minh họa: Minh Tuệ)
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, số ca mắc có thể đang ngày càng tăng lên nhưng trong giai đoạn này, không nên lấy số mắc làm chỉ số đánh giá của các địa phương. Đặc biệt, Hà Nội thời gian qua trường hợp bệnh nhân nặng nhập viện, tử vong được khống chế rất tốt.
Trên thế giới vẫn đang rất quan ngại về biến thể Omicron nên chúng ta vẫn phải nâng cao tinh thần cảnh giác. Ngành y tế vẫn đang theo dõi tất cả những tình hình dịch đó và sẽ có tham mưu với Chính phủ để đưa ra chính sách phù hợp.
Tập trung quản lý F0 tại nhà
Theo các chuyên gia, số ca mắc COVID-19 tại TP Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác tăng vọt là điều đã được dự báo từ trước. Lý do là mầm bệnh đã có sẵn trong cộng đồng, biến thể lây lan nhanh, cộng thêm gia tăng đi lại của người dân tại tất cả các địa phương khi chúng ta phục hồi các các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế…
Phát biểu tại cuộc họp mới đây, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung chia sẻ, số ca tăng cao cơ bản nằm trong dự báo của thành phố. Thành phố đã có những chỉ đạo cụ thể với từng nhiệm vụ rõ ràng. Mỗi quận huyện cần có thêm các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế ở địa bàn, không thiếu giường điều trị, hạn chế chuyển tầng bằng được.
Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 Hà Nội yêu cầu phải hạn chế tối đa bệnh nhân chuyển tầng nặng, tử vong. Đây là mục tiêu cao nhất, phải làm bằng được. Yêu cầu này được lãnh đạo thành phố nhấn mạnh rất nhiều lần, phải được thực hiện bằng mọi nỗ lực.
Hà Nội yêu cầu tiếp tục tập trung nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở, tập trung quản lý F0 tại nhà; không để tình trạng F0 không có thông tin; đảm bảo các túi thuốc A, B, C; tăng cường tập huấn hướng dẫn chủ động và nhuần nhuyễn; điều phối các lực lượng hiệu quả cao nhất...
Nhân viên y tế mang thuốc đến cho F0 điều trị tại nhà. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, để bảo đảm an toàn cho việc điều trị tại nhà, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng và đưa phần mềm quản lý F0 tại nhà và các cơ sở điều trị tập trung từ ngày 23/2. Ngành Y tế điều phối nhân lực từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và từ tuyến huyện về xã, bảo đảm kịp thời đáp ứng công tác điều trị. Đồng thời giao UBND các huyện, thành phố chủ động tổ chức, củng cố lực lượng, việc thực hiện nhiệm vụ liên quan đến công tác quản lý, chăm sóc, điều trị F0…
Để tăng cường công tác phòng, chống dịch, Sở Y tế Bắc Giang chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh nghiên cứu, đề xuất phương án thành lập, mở rộng thêm cơ sở điều trị F0 mức độ nặng để đáp ứng nhu cầu trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đẩy mạnh tiêm chủng cho người dân, chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, điều kiện để triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lo lắng khi nhiều người đang có tâm lý chủ quan, không thực hiện quy định về phòng, chống dịch 5K. Trong khi đó, không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc COVID-19 vì vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine. Ngoài ra, khi số mắc tăng cao, y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu.
Do đó, theo ông Phu, chúng ta nới lỏng nhưng không buông lỏng, phải đặt y tế dự phòng lên hàng đầu, thay vì cấm đoán thì chúng ta tăng cường kiểm soát rủi ro và dự phòng. Nếu chúng ta cứ buông lỏng, không dự phòng, y tế cơ sở bị quá tải không vào cuộc kịp thì số ca mắc sẽ tăng không kiểm soát được và số ca nặng và tử vong tiếp sẽ tăng.
Ông lưu ý các địa phương chú ý nâng cao năng lực kiểm soát, đáp ứng khi số nhiễm tăng cao; kiểm soát số bệnh nhân diễn biến nặng, nguy kịch và tử vong. Những việc này cần phải theo dõi thường xuyên để tránh khi quá tải, không đáp ứng được điều trị. Đặc biệt, cần chú ý bảo vệ người cao tuổi, nhiều bệnh nền; kịp thời cách ly, điều trị, thực hiện tốt dự phòng, đặc biệt là 5K, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.
Đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 205 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron. Cụ thể TP. HCM (97), Quảng Nam (27), Hà Nội (18), Khánh Hòa (11), Đà Nẵng (8 ), Kiên Giang (4), Quảng Ninh (20), Thanh Hóa (2), Hải Dương (2), Hải Phòng (1), Long An (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Bình Dương (2), Lâm Đồng (1), Ninh Bình (1), Hưng Yên (6), Bình Phước (1), An Giang (1).
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 3.041.506 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 3.034.211 ca, trong đó có 2.336.967 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (526.059), Bình Dương (295.221), Hà Nội (226.964), Đồng Nai (100.814), Tây Ninh (89.549).