Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, thành phố đang có 202.355 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, hơn 196.000 F0 điều trị tại nhà và 1.284 ca điều trị tại cơ sở thu dung của thành phố và các quận, huyện. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục lập kỷ lục với số F0 trên 5.000 ca mỗi ngày. Nhiều người lo hệ thống y tế thủ đô quá tải dẫn đến việc F0 nặng không có nơi điều trị.
F0 tự xoay xở
Test nhanh tại nhà cho kết quả dương tính, Chị N.T.T. (phường La Khê, Hà Đông) lập tức liên hệ với Trạm Y tế phường để thông báo. Hơn 10 lần vất vả xoay xở gọi điện thoại chị đều không nhận được hồi âm. Lo lắng cho sức khỏe của bản thân và gia đình, chị vào website của Sở Y tế tìm những số điện thoại khác. Gần 20 cuộc gọi cuối cùng cũng có người nghe máy.
“Có thể thời điểm này nhiều cơ sở y tế đang quá tải nhưng gọi mãi mà không ai nghe máy, tôi và gia đình rất hoang mang. Tôi liên lạc để được nghe tư vấn về thuốc và cách ly sao cho hợp lý thôi nhưng khó quá. Gọi 3, 4 nơi mới có người nghe máy”, chị T. Nói.
Cung cấp gói thuốc điều trị COVID-19 cho bệnh nhân tại nhà ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. (Ảnh: QĐND)
Anh P.H.T., ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ba ngày trước, test nhanh “2 vạch”, việc đầu tiên anh nghĩ đến là cách ly làm sao để không ảnh hưởng tới những thành viên còn lại trong gia đình, rồi gọi điện cho Trung tâm Y tế phường để thông báo, nhờ sự trợ giúp. Nhưng tới hơn 10 cuộc gọi, mới có người nghe điện thoại của anh.
“Khi đó tôi gọi điện thoại kết nối với Trạm Y tế phường Nghĩa Đô để thông báo mình là F0, đồng thời mong được nhân viên y tế tư vấn những việc nên làm. Có lẽ nhân lực tại đây quá tải nên tôi không nhận được nhiều thông tin như mình mong muốn. Sau đó, tôi tự chủ động lên mạng tìm kiếm thông tin về thuốc, cũng như cách tự điều trị tại nhà”, anh T nói.
Còn anh P.T.Q., ở Trung Văn, Nam Từ Liêm chia sẻ, sau khi test nhanh cho kết quả dương tính, anh không báo với Trạm Y tế phường vì nghĩ rằng, việc kết nối với chắc chắn sẽ gặp khó khăn do F0 tăng nhanh, phường sẽ quá tải, mà có gọi cũng “chưa chắc đến lượt mình”. Anh lên mạng tìm thông tin hoặc gọi cho bạn bè, người thân từng mắc COVID-19 để "xin" kinh nghiệm tự điều trị tại nhà.
Không chỉ chị T. anh Q. và anh T., mà trên các diễn đàn mạng xã hội nhiều người phàn nàn về việc khó tiếp cận với y tế cơ sở, các số điện thoại đường dây nóng mà các phường, quận, huyện đưa lên với mục tiêu hỗ trợ F0 điều trị tại nhà.
Y tế cơ sở kêu quá tải
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại y tế tuyến cơ sở, bà Đào Lan Phương, Cán bộ Tư pháp phụ trách Trạm y tế online phường Trúc Bạch cho hay, công việc của trạm và Trạm y tế Phường Trúc Bạch đang quá tải khi F0 tăng nhanh.
Trạm y tế phường Trúc Bạch hiện có 6 nhân viên và được tăng cường thêm 2 nhân lực là sinh viên của trường Cao đẳng Y học cộng đồng. Đơn vị gồm 8 người nhưng 4 người nghỉ vì là F0, thậm chí có trường hợp nhân viên mắc COVID-19 khỏi rồi sau đó lại tái nhiễm do hàng ngày phải tiếp xúc với F0 quá nhiều. Trong khi đó, tại Trạm y tế online, quản trị viên đang là F0. Một nhân viên khác cũng là F0 vừa khỏi bệnh và mới đi làm trở lại.
"Chúng tôi đang tăng cường tiêm mũi 3 cho người dân nên trong số 4 nhân lực còn lại thì 3 người đi tiêm chủng, chỉ còn 1 nhân viên ở trạm thực hiện test COVID-19 cho người dân. Cũng may chúng tôi nhận được sự hỗ trợ của bác sĩ Bệnh viện Phổi Trung ương nên công việc được chia sẻ”, bà Phương nói.
Y tế tuyến cơ sở ở Hà Nội đang cần bổ sung nhân lực để tránh tình trạng quá tải. (Ảnh minh họa: Tạ Nga)
Trạm Y tế xã Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội) cũng đang trong tình trạng quá tải. Ông Đồng Đạo Khánh, Trạm trưởng thông tin số F0 tại xã Cổ Loa tăng nhanh trong khi lực lượng tại trạm rất mỏng, chỉ 10 nhân viên. Trong số này, 2 người đang là F0 và hàng loạt F1 nên nhân viên luôn phải làm việc với cường độ rất cao.
“Số lượng bệnh nhân COVID-19 đông nhưng các công việc của nhân viên y tế không phải chỉ làm riêng về vấn đề về khai báo, test sàng lọc hay đề xuất xin thuốc… mà còn nhiều việc khác như tiêm phòng cho trẻ, khám chữa bệnh… nên rất mệt mỏi và áp lực. Điện thoại của tôi kêu liên tục từ các F0 điều trị tại nhà. Có hôm đêm khuya, chuông điện thoại cũng reo lên vì F0 cảm thấy lo lắng nên gọi điện nhờ tư vấn”, ông Khánh nói.
Tuyến cuối 'không quá tải'
Là một trong những bệnh viện hỗ trợ Hà Nội trong công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, những ngày qua, dù số ca bệnh tăng cao nhưng Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang cân đối, xử lý linh hoạt.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc phụ trách quản lý, điều hành bệnh viện, dịch COVID-19 đang rất phức tạp, số F0 nhập viện có phần đông hơn, nhưng bệnh viện vẫn ứng phó được, không bị quá tải.
“Công tác chăm sóc F0 của Hà Nội hiện làm rất tốt. Cá nhân tôi thấy, nhờ sự phân luồng bệnh nhân hợp lý nên phần lớn F0 đều được chăm sóc. Ngay cả một số trung tâm y tế quận như Đống Đa cũng đang vận hành rất hiệu quả việc chăm sóc, tư vấn cho F0 tại nhà. Chính việc này giúp cho các bệnh viện như Bạch Mai không bị quá tải.
Ngoài ra, ý thức của người dân tốt hơn rất nhiều, không còn tình trạng cứ dương tính là vào viện như trước. Bên cạnh đó, những hướng dẫn mới của Bộ Y tế gần đây quy định F0 nhẹ giảm thời gian cách ly hợp lý hơn. Đây cũng là lý do dù F0 tăng cao nhưng bệnh viện không bị quá tải. Riêng Bệnh viện Bạch Mai chúng tôi vẫn đang xử lý được”, ông Cơ nói.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định, do đặc thù là bệnh viện tuyến cuối điều trị cho các bệnh nhân có bệnh nền nặng, nên bệnh viện luôn duy trì số lượng giường bệnh cho ca COVID-19 nặng ở mức hợp lý, linh hoạt để sao cho các bệnh nhân mắc các bệnh khác vẫn được chăm sóc, điều trị tốt nhất.
PGS.TS Hoàng Bùi Hải - Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội cũng thông tin, hiện bệnh viện vẫn đang đảm bảo tốt công tác điều trị cho các F0 nặng, dù số bệnh nhân đông nhưng cũng không đến mức quá tải.
Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 Đại học Y Hà Nội đang tiếp nhận và điều trị cho khung 200 giường cho các bệnh nhân COVID-19. Nhiều tháng nay, bệnh viện vẫn đang duy trì ở ngưỡng này, không tăng hơn và cũng không giảm nhiều.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
“Trước đây quá tải vì nhiều người dân không nhập viện đúng tuyến, tức là có tâm lý cứ dương tính là tìm đủ cách để vào viện. Điều này gây quá tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, nhiều tuần nay mọi người hình như “quen” dần với việc nhiễm COVID-19 là sẽ tìm đến sự tư vấn của các chuyên gia, bác sĩ và thông báo cho y tế xã, phường nơi cư trú. Việc này giảm tải số F0 bệnh nhẹ, không triệu chứng cho các bệnh viện để chúng tôi tập trung hơn cho công tác điều trị những bệnh nhân nặng”, BS Hải nói.
Trong khi đó, tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, tuyến cuối điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng tại miền Bắc, TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc bệnh viện cũng cho biết, với quy mô khoảng gần 500 giường bệnh, bệnh viện luôn chăm sóc đủ cho các bệnh nhân. Tuy số bệnh nhân trong những ngày gần đây có tăng hơn trước, nhưng bệnh viện vẫn đang ứng phó, xử lý linh hoạt.
“Thực tế do số F0 tăng nhanh nên ở cơ sở y tế nào cũng sẽ đông bệnh nhân hơn. Tuy nhiên, bệnh viện chúng tôi hiện vẫn đang ứng phó được, không xảy ra tình trạng quá tải”, BS Thạch chia sẻ.
Tuyến cuối đang phải tự cân đối, y tế cơ sở nhiều nơi quá tải, dẫn đến tình trạng người mắc COVID-19 không được tiếp cận với tư vấn, điều trị dù đã cố gắng liên lạc với lực lượng y tế. Với dự báo số ca bệnh trong thời gian tới sẽ còn tăng, cộng với sự lây lan rất mạnh của biến chủng mới Omicron, rõ ràng Y tế ở Hà Nội nên có sự sắp xếp, cân bằng hợp lý hơn để tránh bị quá tải, từ đó giúp người dân không may mắc bệnh đều được chăm sóc hay tư vấn của y tế; giúp họ yên tâm hơn khi điều trị tại nhà.