Chị Nguyễn Thị Thủy (32 tuổi, quận 4, TP.HCM) xét nghiệm dương tính từ ngày 23/2/2022, đến ngày 3/3/2022 chị có kết quả âm tính, khỏi bệnh và được cấp giấy hoàn thành cách ly y tế tại nhà. Khi mắc COVID-19, chị không có triệu chứng nặng, chỉ sốt nhẹ, sổ mũi như người bị cúm thông thường. Thế nhưng chưa đến 3 ngày sau âm tính, chị Thủy xuất hiện các triệu chứng khó thở, đau đầu, mệt mỏi toàn thân.
"Không biết tôi có phải bị mắc hậu COVID-19 hay không, nhưng các triệu chứng khiến cơ thể luôn trong trạng thái mệt mỏi, khó tập trung làm việc mà tôi đã xét nghiệm âm tính 3 ngày rồi", chị Thủy nói.
Rất nhiều người sau âm tính với SARS-CoV-2 các triệu chứng vẫn kéo dài. (Ảnh minh họa)
Cũng như chị Thủy, anh Nguyễn Xuân Thu (41 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) mắc COVID-19 với các triệu chứng nhẹ hồi tháng 1/2022. Sau khi điều trị tập trung 12 ngày anh khỏi bệnh và xét nghiệm âm tính. Mặc dù đã có kết quả âm tính nhưng khoảng 3 - 4 ngày sau, anh Thu có cảm giác hụt hơi, mệt mỏi và có lúc khó thở, đến nay các triệu chứng này vẫn thỉnh thoảng xuất hiện.
"Tôi thường xuyên khó thở, ho kéo dài, sợ nhất là những cơn ho đến tức ngực, váng đầu. Hơn nữa cảm giác người lúc nào cũng nóng dù đo nhiệt độ chỉ hơn 36 độ C. Không hiểu lý do gì, trước đây cơ thể rất khỏe còn sau khỏi COVID-19 thì cảm giác người như "đi mượn", không làm được gì, làm nặng là tôi lại thở hồng hộc”, anh Thu nói.
Nói về hiện tượng trên, BS Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, rất nhiều bệnh nhân F0 khi đã có kết quả âm tính nhưng vẫn tiếp tục ho, đau nhức, mệt mỏi...
Theo BS Khanh, ho sau âm tính là phản ứng của cơ thể khi đào thải hết chất tiết như xác virus ra bên ngoài hoặc ở những người có sẵn bệnh lý trào ngược, người dị ứng, hen suyễn... việc sử dụng thuốc nhiều cũng có thể làm tình trạng ho tăng lên.
"Ho sau khỏi COVID-19 là triệu chứng giống như sau bị cảm cũng xuất hiện ho kéo dài. Cơn ho có thể xuất hiện khi cười nói, hít không khí lạnh, hít phải mùi lạ, thường là ho khan ít khi có đờm, có khi làm thức giấc ban đêm...”, BS Khanh cho biết.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh.
BS Khanh khuyến cáo, nếu người bệnh ho kéo dài sau khi khỏi COVID-19 kèm theo khó thở thì nên đo SpO2 để kiểm tra xem mình có bị thiếu oxy hay không. Nếu có điều kiện, hãy đi kiểm tra xem mình có đang mắc bệnh phổi (như viêm phổi, lao phổi), hoặc dị ứng, trào ngược, suyễn... hay không. Nếu không mắc các bệnh lý nền trên và chỉ số SpO2 bình thường (trên 96%) thì đó là triệu chứng hậu COVID-19.
“Trong trường hợp này không nên quá lo lắng. Người bệnh nên vận động, tập thở hít vào thở ra bằng mũi, tránh để khô họng, uống đủ nước,…uống từng ngụm nước ấm, tẩm bổ thì triệu chứng ho sẽ mất dần trong tương lai”, BS Khanh cho biết.
Ngoài ra, người bị ho cần kiểm tra những tác động từ thời tiết, bệnh lý hen suyễn, cảm cúm để loại trừ nguyên nhân do hậu COVID-19. Người có biểu hiện đau nhức xương khớp, cơ thể nên sử dụng thuốc xoa bóp, uống giảm đau, tăng cường tập luyện vận động, làm việc nhà nhẹ nhàng và chỉ nên đi khám hậu COVID-19 khi đã tăng cường nhiều giải pháp, nhưng biểu hiện bệnh vẫn kéo dài.
Theo BS Khanh, sau khỏi COVID-19 sẽ có người mệt mỏi vì cũng giống như nhiễm các virus khác. Có khi vài ngày, có khi vài tuần, cũng có khi kéo dài hàng tháng.
Nếu sau khi khỏi COVID-19, người không có triệu chứng hoặc vẫn sinh hoạt, làm việc bình thường thì không phải đi khám. Bởi sau một lần bệnh dài ngày hoặc hậu sinh đẻ thì xuất hiện tình trạng mệt mỏi kéo dài, ho, sốt, đau nhức người, rụng tóc... rất thường gặp, nhưng không nghiêm trọng. Vì cơ thể sẽ tự điều chỉnh và phục hồi về mức bình thường.
Những người hậu COVID-19 khi khó thở cần bình tĩnh và kiên trì tập thở, chủ động tăng cường dinh dưỡng, tránh nguy cơ mắc các bệnh lý khác. Trường hợp bị mất mùi nên tập ngửi bằng các loại tinh dầu hoặc vỏ cam, vỏ chanh... Người bị rụng tóc cần bổ sung thêm vitamin, khoáng chất, nhất là kẽm, B Complex; nếu mệt mỏi nên cố gắng ngủ đủ giấc, điều độ, nghỉ ngơi hợp lý…
“Sau khỏi COVID-19 mà mệt mỏi thì cần nghỉ ngơi, không gắng sức mà từ từ, ngủ đủ giấc, tiết kiệm năng lượng càng nhiều càng tốt, ngoài ra có thể thư giãn bằng cách thiền, tập yoga,… Nếu càng ngày càng mệt và kéo dài không bớt thì nên đi khám bệnh”, BS Khanh khuyến cáo.
BS Trương Hữu Khanh cho biết thêm, nhiều người sau khỏi COVID-19 có thể đau nhức cơ, đau đầu, đau lưng... Điều này cũng gần giống hậu Rubella, sau khỏi bệnh người bệnh cũng xuất hiện những cơn đau và đau rất nhiều. Người đã từng có những cơn đau trên khi mắc COVID-19 hoặc người mắc COVID-19 nặng ít (không) vận động thì sau khỏi bệnh sẽ đau nặng hơn.
"Nếu cơn đau không ảnh hưởng đến sinh hoạt thì từ từ sẽ hết. Nếu đau ảnh hưởng đến vận động thì vận động tăng dần sẽ giảm đau. Có thể tập thể dục tăng dần các môn đã từng tập. Làm việc nhà cũng là cách tăng dần vận động để giảm đau", BS Khanh nói.