Phát biểu sau cuộc họp thượng đỉnh EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết: “Hội đồng châu Âu đã xác nhận và ủng hộ các quyết định hỗ trợ tài chính 18 tỷ Euro cho Ukraine. Điều đó cho thấy Liên minh châu Âu kiên quyết giữ vững lập trường của mình với Ukraine. Sau đó, chúng tôi rất vui mừng thông báo với các bạn rằng, chúng tôi cũng đã thành công trong việc ký kết thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga”.
Cờ Liên minh châu Âu tại trụ sở ở Brussels, Bỉ. (Ảnh: Reuters)
Hôm qua, Tạp chí Chính thức của Liên minh Châu Âu đã công bố một Nghị quyết dài 692 trang áp đặt một gói trừng phạt khác đối với Nga vì vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Gói trừng phạt mới của EU đối với Nga bao gồm việc hạn chế xuất khẩu động cơ máy bay không người lái (UAV) sang Nga hoặc các nước định cung cấp vũ khí cho Moskva. Một số công nghệ hàng không vũ trụ cũng bị cấm xuất khẩu cho Nga.
Ngoài ra, lệnh cấm của EU còn được mở rộng trong các lĩnh vực ngân hàng, truyền thông, năng lượng và khai khoáng, ngoại trừ một số nguyên liệu thô, cũng như cấm xuất khẩu hàng hóa lưỡng dụng có thể phục vụ chiến dịch quân sự của nước này. Các doanh nghiệp trong khối EU cũng bị cấm cung cấp dịch vụ như nghiên cứu thị trường và quảng cáo cho đối tác Nga. Gần 200 cá nhân và tổ chức bị EU liệt vào danh sách đen, bị phong tỏa tài sản và cấm cấp thị thực. Đồng thời, bốn mạng lưới truyền hình Nga bị cấm phát sóng trong khối.
Cũng trong gói trừng phạt thứ 9, EU phê duyệt mở khóa tài sản của một số cá nhân tại Nga tham gia mua bán nông sản và thực phẩm như lúa mì và phân bón, được coi là điều kiện để gia hạn thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine.
Phản ứng trước động thái mới của EU, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, sẽ nghiên cứu gói trừng phạt và sớm sẽ đưa ra phản ứng thích hợp: “Hãy xem danh sách trước, để có được thông tin chính thức và sau đó chúng tôi sẽ đưa ra một số phản hồi. Về việc đáp trả việc áp giá trần dầu thô từ EU, các chi tiết cuối cùng đang được hoàn thiện và chúng tôi sẽ sớm đưa ra".
Phái đoàn thường trực của Nga tại Liên minh châu Âu cho biết, các biện pháp trừng phạt mới chống Nga của EU là bất hợp pháp, làm suy yếu các chuẩn mực quốc tế cơ bản. Các quan chức ngoại giao Nga cho biết, gói trừng phạt thứ 9 cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân châu Âu bình thường, trong đó có cả quyền được tiếp cận thông tin. Với việc áp giá trần dầu và kế hoạch áp giá trần khí đốt, EU “đang tự cắt chân mình”.
Trước đó, Phó chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev cũng cho biết, lệnh trừng phạt mới của EU sẽ ảnh hưởng đến việc liên lạc giữa Quốc hội Nga với Hội đồng châu Âu.