Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EU: Tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực

(VTC News) -

Người phát ngôn Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) cho rằng các tàu Trung Quốc tại đá Ba Đầu gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực.

“Căng thẳng trên Biển Đông, bao gồm sự hiện diện gần đây của các tàu lớn Trung Quốc tại đá Ba Đầu, gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”, thông cáo của Cơ quan đối ngoại châu Âu (EEAS) viết.

Các tàu Trung Quốc tại khu vực đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. (Ảnh: Reuters)

Theo thông cáo, EU cam kết ủng hộ tuyến đường cung cấp hàng hải an toàn, tự do và rộng mở ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), vì lợi ích của tất cả mọi người.

Cơ quan đối ngoại châu Âu nhắc lại "sự phản đối mạnh mẽ đối với bất kỳ hành động đơn phương nào có thể làm suy yếu sự ổn định của khu vực và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế".

EU cũng kêu gọi tất cả các bên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Bên cạnh đó, EU ủng hộ tiến trình do ASEAN dẫn dắt nhằm hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử (trên Biển Đông) "hiệu quả, thực chất và ràng buộc về mặt pháp lý, không làm phương hại đến lợi ích của các bên thứ ba". 

EU kêu gọi các bên "theo đuổi nỗ lực thực chất hướng tới hoàn thành bộ quy tắc". 

Việt Nam lên tiếng

Hơn 200 tàu cá Trung Quốc được phát hiện neo đậu ở khu vực Đá Ba Đầu nằm gần đảo Sinh Tồn Đông, thuộc cụm Sinh Tồn, nằm trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam vào đầu tháng 3.

Trả lời câu hỏi của phóng viên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 về hoạt động của tàu thuyền nước ngoài trong lãnh hải quốc gia ven biển, đi ngược lại tinh thần và nội dung Tuyên bố về Ứng xử của các nước ở Biển Đông (DOC), làm phức tạp tình hình, không có lợi cho đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc.

"Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia biển và là thành viên của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập bởi Công ước", Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ.

Phương Anh

Tin mới