Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EU sẽ giảm viện trợ cho Ukraine đến mức nào?

(VTC News) -

Nhiều nước châu Âu hoài nghi về việc tiếp tục chi tiêu cho Ukraine và tuyên bố sẽ xem xét lại việc cung cấp các khoản viện trợ cho Kiev.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell mới đây cho biết, EU đã phê duyệt ít nhất 27 tỷ euro viện trợ quân sự trực tiếp cho Kiev kể từ khi bùng phát cuộc xung đột Nga-Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Theo ông Borrell, đây là mức viện trợ quân sự cao nhất trong lịch sử của khối này.

Hồi tháng 3, khối này cam kết sẽ gửi thêm cho Ukraine khoảng 1 triệu quả đạn pháo trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, theo các nguồn tin Bloomberg, mặc dù đã hơn 6 tháng trôi qua nhưng EU đến nay vẫn chưa đạt được mục tiêu khi chỉ mới giao được 30% theo dự kiến để thực hiện kế hoạch.

Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, EU đang gặp khó trong việc tiếp tục viện trợ cho Kiev. Theo Financial Times, khoản phân bổ trị giá 50 tỷ euro gần đây của EU cho Ukraine được cho là đang gặp rủi ro do các quốc gia thành viên không đạt được đồng thuận chung về ngân sách.

Tờ Financial Times cho biết, chiến thắng của phe cánh hữu trong cuộc bầu cử ở Hà Lan vào tháng trước và phán quyết gần đây của tòa án Đức đã hạn chế các khoản vay của chính phủ nước này. 

Các nhà quan sát quốc tế gần đây chú ý đến sự trỗi dậy của cánh hữu trên khắp châu Âu. Điều này cho thấy xung đột Ukraine và chiến tranh Gaza có thể trở thành chất xúc tác cho xu hướng này.

Tại Đức, đảng Lựa chọn thay thế cho nước Đức (AfD) đang giành được tỷ lệ phiếu bầu cao - 21%, chỉ đứng sau CDU/CSU (30%), trong các cuộc bầu cử khu vực. AfD nghi ngờ về nguồn tài trợ của EU cho Kiev.

Chính phủ Đức cũng đang muốn giảm nguồn tiền EU viện trợ cho Ukraine. Theo tài liệu của The Telegraph, Đức tuyên bố sẽ xem xét cắt giảm khoản đóng góp cho Quỹ Hoà bình châu Âu (EPF). Theo Đức, quỹ này đang bơm số tiền viện trợ quân sự mạnh tay cho Ukraine. 

Đến nay, quỹ EPF đã cung cấp các gói thiết bị quân sự trị giá khoảng 4,5 tỷ euro cho Kiev và tập hợp khoảng 34.000 quân nhân Ukraine. Quỹ này được thành lập ngay trước khi xung đột giữa Moskva và Kiev nổ ra vào tháng 2/2022. Từ đó đến nay, EPF hầu như chỉ được sử dụng để cung cấp viện trợ cho Ukraine.

Đức - nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU) đóng góp khoản tiền bằng khoảng 1/4 ngân sách của EU dành cho xung đột. Nếu Berlin thật sự cắt giảm nguồn tiền đóng góp, giá trị của quỹ EPF sẽ bị giảm đi đáng kể.

Tương tự, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cũng chung quan điểm. Tháng trước, lãnh đạo Hungary đe dọa sử dụng quyền phủ quyết của nước này để ngăn chặn việc cung cấp khoản tiền 50 tỷ euro theo kế hoạch cho Kiev.

Hungary cũng kêu gọi EU không đàm phán về việc kết nạp Ukraine. Theo đó, ông Viktor Orban kêu gọi EU không ra quyết định về việc khởi động đàm phán kết nạp Ukraine tại Hội nghị thượng đỉnh EU, dự kiến diễn ra vào ngày 14-15/12.

Trong khi đó, Tổng thống Bulgaria Rumen Radev mới đây phủ quyết thỏa thuận giữa Sofia và Kiev về việc chuyển giao xe bọc thép chở quân (APC) tới Ukraine. Theo Tổng thống Rumen Radev, thiết bị quân sự cần được sử dụng để bảo vệ biên giới Bulgaria và hỗ trợ người dân nước này trong trường hợp khẩn cấp.

Hồi tháng 7, trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky ở Sofia, Tổng thống Rumen Radev nói rằng xung đột Nga - Ukraine “không thể giải quyết bằng giải pháp quân sự và việc Kiev ngày càng sở hữu nhiều vũ khí sẽ không giải quyết được vấn đề”.

Chưa hết, một số nước EU gần đây cũng thông báo không tiếp tục hỗ trợ các gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine. Chính phủ Slovakia đã công khai tuyên bố chấm dứt viện trợ vũ khí sát thương cho Ukraine. Trong khi đó, Pháp cho biết sẽ ngừng cung cấp miễn phí vũ khí cho Ukraine. Thay vào đó, Kiev sẽ phải mua trực tiếp từ các nhà sản xuất của Pháp.

EU đã viện trợ nhiều loại vũ khí, đạn dược cho Ukraine. (Ảnh:Getty)

Trả lời Sputnik, Gilbert Doctorow - chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế, cho rằng có những vấn đề khác ở EU đang kéo mọi thứ theo hướng dần dần giảmviệc hỗ trợ đối với chính quyền Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trong đó, lỗ hổng trong ngân sách Đức là thông tin không tích cực đối với Ukraine.

"Các đảng cánh hữu là yếu tố quan trọng, tác động đến nguồn viện trợ của EU cho Kiev. Nngười châu Âu đang theo dõi xem nhà tài trợ lớn nhất cho Ukraine - Mỹ, sẽ làm gì khi Quốc hội Mỹ bế tắc và không đưa viện trợ cho Ukraine vào ngân sách năm tài chính tiếp theo", chuyên gia Gilbert Doctorow cho hay.

Trong khi đó, những người bảo thủ ở châu Âu đang lôi kéo, tập hợp lực lượng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP), dự kiến ​​​​được tổ chức vào ngày 6-9/6 năm tới. 

Các nhà lãnh đạo cánh hữu của châu Âu đã tập trung tại thành phố Florence của Italia vào hôm 3/12 với nỗ lực thành lập nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID), nhóm lớn thứ ba sau đảng Nhân dân châu Âu (trung hữu EPP) và đảng Xã hội trung tả & đảng Dân chủ tại Nghị viện châu Âu. 

Trong cuộc họp, những nghị sĩ bảo thủ của EU đã chỉ trích các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga và các khoản tài trợ cho Ukraine. Theo họ, chương trình nghị sự về Ukraine của Brussels trái ngược với lợi ích quốc gia của các nước thành viên EU. 

Nga nhiều lần tuyên bố việc phương Tây cung cấp thêm vũ khí cho Kiev sẽ chỉ kéo dài cuộc chiến và gây thêm đau khổ cho người dân Ukraine. Moskva phản đối ý tưởng Ukraine gia nhập NATO, không muốn một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với khối này.

Kông Anh

Tin mới