Trả lời phỏng vấn trên tờ báo Pháp “Nhật báo Chủ nhật” (JDD) ngày 14/11, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell cho biết, trong ngày thứ Hai, 15/11, Ngoại trưởng các nước EU sẽ nhóm họp và lập tức đưa ra các lệnh trừng phạt mới nhằm vào chính quyền Belarus, với cáo buộc rằng Belarus đứng sau làn sóng người di cư đang đổ về biên giới giữa nước này với Ba Lan.
Người di cư ở biên giới Belarus và Ba Lan. (Nguồn: DW)
Trước mắt, theo ông Josep Borrell, EU sẽ áp lệnh trừng phạt với khoảng 30 quan chức trong chính quyền Belarus được cho là có trực tiếp liên quan đến tình hình căng thẳng hiện nay ở biên giới Belarus - Ba Lan.
Tiếp đến, các Ngoại trưởng EU cũng sẽ thảo luận việc mở rộng khung pháp lý để cho phép châu Âu áp đặt trừng phạt với các hãng hàng không và các công ty du lịch tham gia vận chuyển người di cư từ Trung Đông về Belarus, cấm các quan chức Belarus được du lịch sang các nước EU và đóng băng tài sản của những quan chức này ở châu Âu.
Quan hệ giữa EU và Belarus lao dốc nghiêm trọng trong vài năm qua, sau khi EU không công nhận kết quả cuộc bầu cử Tổng thống ở Belarus năm 2020, đồng thời ủng hộ các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Belarus. EU cũng đã 5 lần áp đặt các lệnh trừng phạt với chính quyền Belarus trong hơn 1 năm qua.
Trong vài tuần qua, EU cũng cáo buộc chính quyền Belarus đứng sau, đạo diễn việc bật đèn xanh, vận chuyển người di cư từ các nước Trung Đông như Syria, Iraq, Aghanistan đến Belarus bằng đường hàng không rồi đưa những người này đến biên giới giữa Belarus với một số nước thành viên EU như Ba Lan hay Latvia để những người này vượt biên trái phép vào lãnh thổ EU, tuy nhiên phía Belarus đã bác bỏ các cáo buộc này.
Tình hình hiện đang đặc biệt căng thẳng tại biên giới giữa Belarus và Ba Lan khi có hàng ngàn người đang tập trung tại khu vực này để cố gắng vượt biên. Cả Ba Lan và Belarus đều đã triển khai một lượng lớn quân đội và cảnh sát tại khu vực này, khiến giới quan sát lo ngại căng thẳng sẽ leo thang thành xung đột.
Trong vài ngày qua, nhiều quan chức châu Âu, như quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã kêu gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin, đồng minh chính trị quan trọng nhất của chính quyền Belarus, can thiệp để hạ nhiệt căng thẳng.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Cơ quan quản lý biên giới và bờ biển của EU - Frontex, ông Fabrice Leggeri, châu Âu cần chuẩn bị cho việc phải đối mặt với căng thẳng kéo dài tại biên giới Belarus và Ba Lan: “Chúng ta đang chứng kiến các căng thẳng tại biên giới và về ngắn hạn, tôi không thấy rủi ro về các nhóm di cư lớn sẽ sớm biến mất. Các phân tích của chúng tôi cho thấy tất cả các yếu tố gây nên cuộc khủng hoảng hiện nay vẫn đang tồn tại và mọi việc sẽ không sớm chấm dứt hay hạ nhiệt. Châu Âu cần phải chuẩn bị đối phó với tình huống này trong một thời gian dài”.