Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

EU đóng biên giới: Xuất khẩu Việt Nam ảnh hưởng ra sao?

Việc lưu thông hàng hóa chưa chịu nhiều tác động nhưng về lâu dài, việc xuất khẩu những mặt hàng chủ lực như dệt may, da giày có thể giảm.

Ngày 17/3, lần đầu tiên lãnh đạo của tất cả các quốc gia thành viên EU đã thống nhất với đề xuất của Ủy ban châu Âu để thông qua đóng cửa biên giới khu vực lãnh thổ EU. 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, quy định này của EU trước mắt chưa tác động trực diện đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và EU. Đóng cửa biên giới chỉ áp dụng với hành trình di chuyển của các cá nhân, còn hoạt động vận chuyển, thông thương hàng hóa cơ bản không bị hạn chế. 

Bộ Công Thương cũng dẫn lời của Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cho biết, hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men...

Công nhân Công ty Dệt may Đông Xuân làm thêm giờ để sản xuất khẩu trang. (Ảnh: Cao Nam)

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa từ khâu xuất khẩu, vận chuyển, thông quan, lưu kho, bốc dỡ đến tiêu thụ hàng hóa. Điều này có thể gây gián đoạn hoặc làm chậm trễ dòng chảy kinh tế - thương mại - dịch vụ.

Hàng hoá vận chuyển bằng đường hàng không sang thị trường này được dự báo chịu tác động nhiều nhất do các chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm. Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.

Châu Âu hiện là đối tác thương mại quan trọng, thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng Việt Nam sang EU qua đường biển đạt 20,5 tỷ euro, hàng không 14,5 tỷ euro, đường sắt 671 triệu euro. Trong khi đó, nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt gần 6 tỷ euro, 3,6 tỷ và 9 triệu euro.

Việt Nam có mức xuất siêu gần 26,6 tỷ USD sang EU vào năm ngoái. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, những thị trường của các nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam đều từ các thành viên EU, trong đó, Đức là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tại khu vực này. 

Các mặt hàng đem lại kim ngạch tỷ USD cho Việt Nam trong năm ngoái là dệt may, da giày, máy móc thiết bị, nông sản....

Lệnh đóng cửa biên giới lần này của EU, theo Bộ Công Thương, nếu kéo dài sẽ hạn chế phần nào cung cầu hàng hoá, hoạt động giao thương với thị trường này. Nhu cầu mua sắm hàng hóa không quá thiết yếu như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại... những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU, tới đây nhiều khả năng suy giảm. Ở chiều ngược lại, sức mua các mặt hàng nông sản, thực phẩm của thị trường này vẫn duy trì.

"Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch tại khu vực này cũng sẽ gây đình trệ việc ký các đơn hàng xuất khẩu giữa Việt Nam và các đối tác EU. Hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư hai bên cũng có thể chịu tác động", Bộ Công Thương nhận xét.

Ở góc độ này, ông Cao Hữu Hiếu - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cũng dự báo, nếu Covid-19 kéo dài, tổng cầu giảm sẽ gây khó khăn cho các đơn hàng, đơn giá của doanh nghiệtp dệt may trong 6 tháng cuối năm. 

Bộ Công Thương dự báo, xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU có thể giảm 6-8% nếu dịch bệnh kéo dài đến tháng 6. Một số mặt hàng chủ lực như máy tính, điện thoại và linh kiện dự kiến sẽ tiếp tục sụt giảm mạnh do gặp khó khăn cả về khâu cung ứng lẫn nhu cầu thị trường giảm.

Tình hình sẽ khởi sắc hơn vào nửa cuối năm nay khi Covid-19 được đẩy lùi và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực. Do vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh, có kế hoạch sản xuất và kinh doanh phù hợp.

Cùng đó, doanh nghiệp cũng cần chuyển đổi hình thức xúc tiến thương mại sang trực tuyến nhằm duy trì và phát triển thị trường ngay cả khi dịch bệnh đang diễn ra; bảo đảm nhanh chóng khôi phục mọi hoạt động ngay sau khi dịch bệnh suy giảm và kết thúc.

Nguồn: VnExpress

Tin mới