Theo kế hoạch được công bố hôm 18/5, kế hoạch này trị giá 210 tỷ euro (220 tỷ USD) nhằm chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga trong khoảng thời gian 5 năm và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh Nga - nhà cung cấp khí đốt hàng đầu của châu Âu, phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Điều này khiến EU phải cân nhắc lại các chính sách năng lượng của mình.
Chủ tịch Uỷ ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: CNN)
"Chúng tôi đang đưa tham vọng của mình lên một tầm cao khác để đảm bảo rằng chúng tôi độc lập khỏi nhiên liệu hóa thạch của Nga càng nhanh càng tốt”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen phát biểu khi công bố kế hoạch có tên REPowerEU.
“RePowerEU sẽ giúp chúng tôi tiết kiệm nhiều năng lượng hơn, đẩy nhanh việc loại bỏ dần các nhiên liệu hóa thạch và quan trọng nhất là bắt đầu các khoản đầu tư trên quy mô mới", bà Ursula von der Leyen nói thêm.
Theo kế hoạch, Brussels dự kiến đầu tư thêm 220 tỷ USD vào năm 2027 và số tiền đầu tư sẽ lên đên 314 tỷ USD vào năm 2030 trong nỗ lực để đáp ứng mục tiêu khí hậu năm 2030 của khối. EC cho hay, các khoản đầu tư sẽ cắt giảm nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của châu Âu.
Các khoản đầu tư của kế hoạch bao gồm 90 tỷ USD cho năng lượng tái tạo và 28 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng năng lượng hydrogen, 30 tỷ USD cho mạng lưới điện và 59 tỷ USD đẩy mạnh phát triển thiết bị bơm nhiệt và giải pháp tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, kế hoạch RePowerEU cũng chi 10,5 tỷ USD cho hàng chục dự án khí đốt và khí đốt hóa lỏng (LNG) và tối đa 2 tỷ USD cho dầu mỏ hỗ trợ các quốc gia Đông Âu và Trung Âu.
Brussels muốn các nước sử dụng quỹ phục hồi COVID-19 của EU để đầu tư cho kế hoạch này. Qũy này trị giá 209 tỷ USD.
EC cũng đề xuất nâng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo của EU lên mức 45% vào năm 2030, thay vì mục tiêu 40% như hiện nay. Như vậy, EU sẽ tăng gấp đôi công suất năng lượng tái tạo lên 1.236 gigawatt (GW) vào năm 2030 và ra quy định đơn giản hóa quy trình cấp giấy phép cho các dự án năng lượng gió và mặt trời.
Brussels hy vọng sẽ ký kết biên bản ghi nhớ với Ai Cập và Israel vào giữa năm nay về việc cung cấp khí LNG, và thúc đẩy nguồn cung từ các nước như Canada và Algeria. EU cũng sẽ khởi động một kế hoạch để các nước cùng mua chung khí đốt nhằm cố gắng đàm phán các điều khoản hợp đồng tốt hơn.
Mục tiêu cuả EU giảm 30% nhu cầu khí đốt vào năm 2030 trong nỗ lực của khối nhằm chống lại biến đổi khí hậu.
Moskva cung cấp 40% khí đốt và 27% dầu nhập khẩu của khối. Chính vì vậy, các nước EU đang bị chia rẽ trong việc thống nhất các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.