Nhập thông tin
  • Lỗi: Email không hợp lệ

Đóng

Dùng thuốc Đông y không rõ nguồn gốc trị vảy nến, người đàn ông bị ung thư da

Do sai lầm trong điều trị vảy nến, người đàn ông lâm tình trạng nổi sần nâu dày sừng khắp thân thể.

Bệnh viện Da liễu Trung ương vừa tiếp nhận người đàn ông 35 tuổi trong tình trạng nổi sần nâu dày sừng rải rác thân mình và lòng bàn chân, có 1 sẩn lớn kích thước 1x1cm ở vùng thành bụng, bong vảy khô, ranh giới rõ.

Bệnh nhân cho biết anh bị vảy nến 10 năm nay. Nhưng thay vì tới bệnh viện thăm khám anh lại tự ý điều trị bằng thuốc Đông y dạng viên (không rõ nguồn gốc) tại nhà. Gần đây, do cơ thể liên tục khó chịu, nên anh mới đến viện kiểm tra.

Qua quá trình thăm khám, giải phẫu và làm các xét nghiệm, các bác sĩ cho biết, bệnh nhân bị ung thư biểu mô vảy biệt hóa tốt.

 Nam bệnh nhân 35 tuổi bị ung thư da do điều trị vảy nến sai cách. (Ảnh: BVCC)

BS CKII. Đào Hữu Ghi - Trưởng khoa Điều trị bệnh da Nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, do sai lầm trong điều trị bệnh vảy nến bằng thuốc không rõ nguồn gốc, bệnh nhân bị nhiễm độc arsen mạn tính, rồi dẫn tới hậu quả đáng buồn trên.

Theo bác sĩ Ghi, arsen được biết đến là 1 kim loại nặng, sử dụng trong điều trị vảy nến từ rất lâu. Nhưng vì tính độc hại nên hiện nó không được sử dụng. Tuy nhiên, một số loại thuốc đông y không rõ nguồn gốc trong thành phần vẫn có arsen.

“Việc làm này rất nguy hiểm có thể gây độc cho bệnh nhân, lâu dài gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho sức khỏe, thậm chí ung thư”, bác sĩ Ghi nói.

Bác sĩ Ghi cũng khẳng định, vảy nến là bệnh mạn tính, có thể bùng phát từng đợt. Người bệnh có thể duy trì ổn định nếu thường xuyên thăm khám và tuân thủ điều trị theo đúng phác đồ của bác sĩ, cùng với việc kết hợp chế độ sinh hoạt, ăn uống lành mạnh.

Để tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra, người dân khi phát hiện các dấu hiệu bất thường trên da (nghi vảy nến) cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và điều trị đầy đủ.

Bệnh vảy nến là gì?

Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, vẩy nến là một bệnh ngoài da thường gặp, chiếm khoảng 2-3% dân số thế giới. Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu điều tra chính xác nhưng theo ước tính có từ 1,5 đến 2% dân số mắc bệnh vảy nến. Bệnh lành tính, thường không ảnh hưởng đến sức khỏe nhưng gây tác động xấu đến thẩm mĩ, tâm lí và những hệ lụy khác.

Bệnh vảy nến thường xuất hiện ở tuổi ngoài 20, có thể gặp ở người lớn tuổi ngoài 50, đôi khi ở trẻ nhỏ dưới 10 tuổi, và nếu ở tuổi này thì thường có yếu tố gia đình với biểu hiện bệnh nặng hơn, kéo dài hơn. Tỷ lệ bệnh ở nam và nữ như nhau.

Người bị bệnh vảy nến thường có các mảng đỏ, đóng vảy màu trắng đục trên da. 

Biểu hiện của bệnh vảy nến

Bệnh vẩy nến có biểu hiện như đột nhiên xuất hiện cả các mảng đỏ có giới hạn rõ và đóng vảy trắng đục trên da. Khi đè lên thì màu đỏ này biến mất.

Các mảng đỏ có ranh giới rất rõ với vùng da lành bên cạnh, kích thước từ vài cm đến hàng chục cm (vẩy nến mảng) hoặc chỉ là các thương tổn màu đỏ, hơi gồ lên mặt da kích thước chừng vài mm, khá đồng đều (vẩy nến giọt). Trong trường hợp nặng, bệnh lan rộng toàn thân (vẩy nến toàn thân) gây ra sưng, đau và biến dạng các khớp làm giới hạn vận động.

Nguyên nhân gây bệnh và hướng điều trị

Theo bác sĩ Doanh, cơ chế sinh bệnh vảy nến có thể kể đến như: yếu tố gen di truyền, rối loạn yếu tố miễn dịch, và các yếu tố từ môi trường. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác như nhiễm khuẩn, chấn thương, thuốc, thức ăn…

Các yếu tố có thể làm bệnh nặng hơn là các sang chấn như gãi, chà sát mạnh, nhiễm trùng, nhiễm liên cầu, stress tâm lý, sử dụng thuốc corticosteroid, lithium, thuốc chống sốt rét, interferon... có thể làm nặng bệnh. Rượu cũng là tác nhân làm cho bệnh nặng lên.

Hiện bệnh vảy nến chưa có thuốc điều trị dứt điểm. Việc điều trị cần có sự phối hợp rất chặt chẽ giữa cả thầy thuốc và người bệnh để có thể tìm ra phương pháp điều trị tối ưu, hiệu quả, ít tác dụng phụ và phù hợp với hoàn cảnh gia đình người bệnh.

Video: Tiếng khóc xé lòng của bé trai mắc bệnh khó chữa, nổi mụn mưng mủ khắp toàn thân

 

Khả Minh

Tin mới