Những năm vừa qua, nhiều đại học tại Việt Nam có phương án xét tuyển thẳng đại học bằng điểm IELTS và một số chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế khác, kết hợp với học bạ hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT. Các chứng chỉ này cũng được nhiều trường sử dụng để công nhận chuẩn đầu ra ngoại ngữ với sinh viên.
Trước thông tin nhiều đơn vị tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông báo tạm dừng để hoàn thiện hồ sơ đề nghị phê duyệt và xin cấp phép của Bộ GD&ĐT, nhiều trường đại học đã có phương án để không bị gián đoạn quá trình tuyển sinh và tốt nghiệp của sinh viên.
Thí sinh lo lắng khi loạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế dừng tổ chức thi.
Tại Đại học Bách khoa Hà Nội, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT, trường cũng yêu cầu chứng chỉ quốc tế khi thí sinh xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế, xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn và xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy.
Cụ thể, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển theo chứng chỉ quốc tế cần có ít nhất một trong các chứng chỉ: SAT, ACT, A-Level, AP và IB. Còn với thí sinh tham gia xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá tư duy hoặc xét tuyển vào các ngành Ngôn ngữ Anh và Kinh tế - Quản lý theo phương thức xét tuyển theo hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn cần có ít nhất một trong các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế sau: IELTS, TOEFL iBT, TOEFL ITP, TOEIC.
PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, trong trường hợp các kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế bị gián đoạn, trường sẽ lên những phương án khác để tuyển sinh.
“Nếu thí sinh không có bằng tiếng Anh quốc tế thì trường Đại học Bách Khoa sẽ tổ chức kiểm tra đầu vào tiếng Anh của thí sinh. Việc này cũng thuận tiện trong việc phân lớp tiếng Anh cho các sinh viên”, PGS Kiên cho biết.
Tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, sinh viên phải có các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEIC, IELTS), tiếng Nhật (JLPT, NATTEST, JLAN) hoặc chứng chỉ tương đương để được xét tốt nghiệp. Ngoài ra, trường cũng có Trung tâm Phát triển ngôn ngữ (tiếng Anh) và Trung tâm Hướng nghiệp và Đào tạo Việt Nhật (tiếng Nhật) tổ chức thi chứng chỉ cho sinh viên bám theo chuẩn đầu ra.
Ông Huỳnh Tôn Nghĩa – Phó trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM cho hay hiện tại, ngoài việc nộp chứng chỉ quốc tế về trường thì sinh viên có thể tham gia các kỳ thi ngoại ngữ do trường tổ chức để đảm bảo chuẩn đầu ra. Vì thế, trong trường hợp việc tổ chức thi các chứng chỉ bên ngoài bị gián đoạn trong thời gian dài thì nhà trường sẽ tăng cường tổ chức các kỳ thi tại trường để đảm bảo tiến độ học tập của sinh viên.
Do đó, ông cho rằng sẽ không bị động trong kế hoạch đào tạo và nhà trường cũng không hạ chuẩn đầu ra. Tuy vậy, nếu dừng lâu việc thi các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế cũng sẽ một số đối tượng nhỏ sinh viên sẽ bị ảnh hưởng.
“Trong trường hợp các kỳ thi dừng lâu thì sẽ ảnh hưởng tới những sinh viên tốt nghiệp và xin làm việc ở các công ty nước ngoài hoặc tiếp tục du học. Ngoài ra, khi xét tuyển đầu vào thì nhà trường có sử dụng kết quả chứng chỉ IELTS nên tuỳ thuộc vào thời gian gián đoạn sẽ có điều chỉnh đề án tuyển sinh phù hợp. Tôi mong rằng các trung tâm sẽ sớm được hoạt động trở lại để không gián đoạn kế hoạch của học viên và nhà trường”, ông Nghĩa chia sẻ.
Còn theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương, kỳ tuyển sinh năm 2022 đã hoàn tất nên có thể hoàn toàn yên tâm, không bị ảnh hưởng khi hàng loạt kỳ thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thông báo tạm dừng. Về việc tuyển sinh năm 2023 (thông thường sẽ rơi vào khoảng tháng 3 hàng năm), các trường vẫn còn khoảng 4-5 tháng để lên phương án, tính toán trong trường hợp Hội đồng Anh, IDP cũng như nhiều tổ chức chưa thể tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế trở lại cho thí sinh.
Trong văn bản gửi các sở GD&ĐT về việc tăng cường quản lý liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài mới đây, Bộ GD&ĐT thông tin, thời gian qua hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại Việt Nam chưa được quản lý chặt chẽ nên tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi của người dự thi.
Bộ yêu cầu các Sở GD&ĐT kiểm tra các điều kiện bảo đảm để tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo đúng quy định. Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GD&ĐT.
Để được tổ chức liên kết thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài, các bên liên kết cần làm hồ sơ đề nghị gửi Bộ GD&ĐT theo mẫu, gồm:
- Đơn đề nghị phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 86.
- Thỏa thuận hoặc hợp đồng giữa cơ sở tổ chức thi tại Việt Nam và cơ sở đánh giá năng lực ngoại ngữ nước ngoài.
- Văn bản xác nhận tư cách pháp lý của các bên liên kết.
- Đề án tổ chức thi để cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định.